Hồ sơ điều tra

Ông Phan Văn Vĩnh tự nguyện viết đơn xin về trại để dự tòa

Ông Phan Văn Vĩnh đã tự nguyện viết đơn xin về trại để tham dự phiên tòa xét xử diễn ra vào ngày 12/11 của TAND tỉnh Phú Thọ.

Liên quan đến sức khỏe của bị cáo Phan Văn Vĩnh, nguồn tin trên báo Đất Việt, sáng 7/11, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang, một trong 3 người bào chữa cho ông Phan Văn Vĩnh cho biết, thân chủ của bà vẫn đang nằm viện.

Theo lời luật sư Trang, tâm lý ông Vĩnh ổn định, tinh thần minh mẫn và đã tự nguyện viết đơn xin về trại để tham gia phiên tòa đầy đủ.

Do đang điều trị bệnh nên dự kiến sát ngày bắt đầu phiên tòa sơ thẩm, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an mới quay lại trại tạm giam. Trong những lần tiếp xúc gần đây, ông Vĩnh nói với người bào chữa rằng muốn xuất hiện tại tòa để khai đúng sự thật.

Đại diện cơ quan tố tụng tỉnh Phú Thọ xác nhận thông tin trên và cho biết ông Vĩnh sẽ có mặt ở phiên tòa để đảm bảo việc xét xử được thuận lợi.

Ông Phan Văn Vĩnh trước khi bị bắt.

Zing đưa tin, luật sư Trang cho biết trong quá trình điều tra, thân chủ của bà đã nhận tội, còn cụ thể như thế nào thì ra tòa sẽ thẩm vấn công khai.

Theo thông báo số 28/2018/QĐXXST-HS ngày 29/10/2018 của TAND tỉnh Phú Thọ, ngày 12/11 tới đây, TAND tỉnh Phú Thọ sẽ đưa vụ án “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; Tổ chức đánh bạc; Đánh bạc; Mua bán trái phép hóa đơn; Rửa tiền; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” ra xét xử sơ thẩm.

Đại tá Phùng Đức Quang, Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, đây là lần đầu tiên tại Phú Thọ diễn ra một phiên tòa lớn, với tính chất phức tạp vì có nhiều bị cáo, người có quyền nghĩa vụ liên quan và luật sư. Đơn vị này đã lên kế hoạch chi tiết, tập huấn và huy động gần 500 cán bộ, công an tham gia bảo vệ cho phiên tòa.

Ngoài ra, Công an tỉnh Phú Thọ còn báo cáo bộ Công an hỗ trợ thêm về phương tiện, nghiệp vụ và con người để đảm bảo việc xét xử diễn ra một cách an toàn nhất.

Đại diện TAND tỉnh Phú Thọ cho hay sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các cơ quan báo chí tác nghiệp. Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở vật chất, TAND tỉnh Phú Thọ cũng sẽ xem xét, chọn lọc kỹ lưỡng các cơ quan báo chí nào được tác nghiệp, số lượng phóng viên của mỗi cơ quan được tham dự phiên tòa.

Theo cáo trạng, ngoài công nhận Công ty CNC của trùm cờ bạc Nguyễn Văn Dương là công ty bình phong trái quy trình, ông Vĩnh còn đồng ý cho doanh nghiệp này sử dụng trụ sở của đơn vị, gây cản trở việc xác minh hoạt động nghi vấn đánh bạc.

Với tư cách là Thủ trưởng cơ quan CSĐT Bộ Công an, ông Vĩnh có trách nhiệm đấu tranh, phòng chống tội phạm nhưng ông lại giao cấp dưới nghiên cứu đề xuất của Nguyễn Văn Dương về việc cho thí điểm trò chơi đánh bạc. Năm 2016, ông Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa giao cho CNC xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng có nguồn vốn từ trò chơi đánh bạc trực tuyến. Nhưng hơn 2 năm tổ chức đánh bạc, CNC hầu như không đầu tư cho hệ thống phòng thủ quốc gia.

Sai phạm của ông Vĩnh còn được chỉ ra khi báo cáo Bộ Công an và Bộ Thông tin & Truyền thông hợp pháp hóa 2 cổng trò chơi trực tuyến do công ty bình phong liên kết vận hành chui. Chưa có ý kiến của Bộ trưởng Công an, Phan Văn Vĩnh đã ký văn bản gửi Bộ Thông tin & Truyền thông xin cấp giấy phép thí điểm trò chơi do công ty bình phong phát hành.

Khi lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu báo cáo hoạt động của Công ty CNC, ông Vĩnh đã không làm theo chỉ đạo. Chỉ khi Thứ trưởng Bộ Công an có văn bản lần 2, ông Vĩnh mới yêu cầu công ty bình phong chấm dứt hoạt động 2 trò chơi đánh bạc.

Cuối tháng 8/2016, ông Phan Văn Vĩnh đồng ý với đề xuất của Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về việc báo cáo lãnh đạo bộ để xây dựng kế hoạch triệt phá đường dây đánh bạc của Nguyễn Văn Dương. Nhưng thực tế, ông Vĩnh và cấp dưới không xây dựng kế hoạch, không báo cáo lãnh đạo Bộ, không điều tra xác minh.

Trước khi vụ án được phanh phui, ông Vĩnh không xây dựng kế hoạch, không báo cáo cấp trên, cũng không tổ chức điều tra xác minh dù đồng ý vào đề xuất của Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về việc triệt phá đường dây đánh bạc. Nguyễn Văn Dương khẳng định đã cho ông Nguyễn Thanh Hóa 22 tỷ đồng, cho ông Phan Văn Vĩnh 27 tỷ đồng và gần 2 triệu USD. Nhưng 2 cựu cán bộ ngành công an phủ nhận.

Cơ quan tố tụng xác định ông Vĩnh và Hóa có dấu hiệu bảo kê, nhận hối lộ. Trong đó, ông Vĩnh là người chỉ đạo, còn ông Hóa là người thực hành tích cực. Quá trình điều tra, do chưa đủ căn cứ xác định ông Vĩnh và ông Hóa hưởng lợi cá nhân nên việc xem xét xử lý 2 bị can này mới dừng lại ở mức cấu thành tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

(Trích từ Zing)

Mộc Miên (Tổng hợp)