Thế giới

Ông Macron sắp thăm Ukraine, tặng tên lửa và bàn về đảm bảo an ninh

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng Nga không được phép đánh bại Ukraine, nếu không an ninh của châu Âu sẽ gặp nguy hiểm.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 16/1 cho biết ông sẽ tới Ukraine vào tháng 2 để hoàn tất thỏa thuận song phương về đảm bảo an ninh, theo đó Paris sẽ cung cấp vũ khí tinh vi hơn, bao gồm cả tên lửa hành trình tầm xa, cho Kiev.

Chuyến đi diễn ra vào thời điểm mâu thuẫn chính trị nội bộ ở Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã khiến số phận 2 gói viện trợ lớn nhất cho Ukraine trở nên bất định.

Ông Macron cho biết, khoảng 40 tên lửa tầm xa SCALP và hàng trăm quả bom sẽ được chuyển giao cho Ukraine trong những tuần tới. Paris đã chuyển giao khoảng 50 tên lửa SCALP, có tầm bắn khoảng 250 km, gấp 3 lần năng lực tên lửa hiện có của Kiev.

“Chúng tôi sẽ cung cấp thêm nhiều thiết bị hơn và giúp Ukraine những gì họ cần để bảo vệ bầu trời của mình”, ông Macron cho biết trong một cuộc họp báo tại Điện Elysee (Văn phòng Tổng thống Pháp). “Tôi sẽ tự mình đến Ukraine vào tháng 2 và hoàn thiện những văn bản này”.

Ông Macron cũng cho biết Pháp và châu Âu sẽ phải đưa ra “các quyết định mới trong những tuần và tháng tới”, có thể ám chỉ đến các cuộc đàm phán ở Brussels để giải quyết khúc mắc về gói viện trợ 50 tỷ Euro cho Ukraine. Ông cho rằng Nga không được phép đánh bại Ukraine, nếu không an ninh của châu Âu sẽ gặp nguy hiểm.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine sẽ tới Paris vào ngày 18/1, Bộ Quốc phòng Pháp cho biết hôm 16/1.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7, Hiroshima, Nhật Bản, ngày 20/5/2023. Ảnh: The Australian

Hồi tháng 6 năm ngoái, các nước G7 đã công bố một khuôn khổ quốc tế về an ninh lâu dài cho Ukraine, nhằm giúp Kiev tăng cường tài chính và quốc phòng trong cuộc chiến chống lại Moscow.

Ukraine đã vận động hành lang để có được những cam kết an ninh lâu dài từ những người ủng hộ chính của mình. Pháp đã đàm phán với Ukraine kể từ tháng 6/2023, nhưng có rất ít thông tin chi tiết về những gì các nước sẵn sàng làm và khi cuộc chiến bước sang năm thứ 3, có nhiều câu hỏi về mức độ cam kết của các đồng minh đối với Kiev.

Các nguồn tin ngoại giao của Pháp cho biết, thỏa thuận sẽ phác thảo khuôn khổ viện trợ nhân đạo dài hạn, hỗ trợ tái thiết và hỗ trợ quân sự.

Kiev đang tìm cách duy trì dòng viện trợ quân sự và tài chính từ các đồng minh phương Tây sau gần 2 năm giao tranh. Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã đến Ukraine vào tuần trước để ký một thỏa thuận an ninh mới và thông báo tăng tài trợ quân sự cho quốc gia Đông Âu để mua máy bay không người lái, bao gồm máy bay giám sát, tấn công tầm xa và xuồng không người lái.

Đầu tháng này, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đưa ra lời kêu gọi nghiêm khắc bất thường tới các nước EU khác rằng hãy cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine. Ông nói, số lượng vũ khí được lên kế hoạch cho đến nay là “quá nhỏ”, dù Berlin đã cam kết sẽ tăng gấp đôi viện trợ quân sự cho Kiev lên 8 tỷ Euro trong năm nay.

Theo thống kê viện trợ quân sự cho Ukraine do Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IfW) thực hiện, Đức là nhà tài trợ lớn thứ hai vào năm ngoái sau Mỹ, với 17,1 tỷ Euro, tiếp theo là Anh với 6,6 tỷ Euro, và các quốc gia Bắc Âu và Đông Âu. Trong khi đó, Pháp chỉ đóng góp 0,54 tỷ Euro, Italy 0,69 tỷ Euro và Tây Ban Nha 0,34 tỷ Euro.

Minh Đức (Theo Reuters, Politico EU)