Thế giới

Ông Macron mất thế đa số tại quốc hội vẫn có thể là tin tốt với Pháp

Kết quả cuộc bầu cử lập pháp lần này sẽ cho nước Pháp cơ hội làm quen với việc thành lập liên minh, phát huy nghệ thuật thỏa hiệp và hàn gắn những rạn nứt…

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mất thế đa số tuyệt đối sau cuộc bầu cử quốc hội hôm 19/6. Các đồng minh của ông đã nhanh chóng vào việc ngay từ ngày 20/6 để tìm cách tập hợp đa số nghị viện nhằm cứu vãn nhiệm kỳ thứ 2 của ông.

Việc mất thế đa số trong quốc hội khiến việc quản lý đất nước trở nên khó khăn hơn đối với ông Macron, nhưng đó có thể là một tin tốt về lâu dài cho nước Pháp.

Đó là quan điểm của Lisa Louis, phóng viên thường trú của DW tại Paris, về kết quả vòng bầu cử lập pháp năm nay ở Pháp.

Lisa Louis, phóng viên thường trú của DW tại Paris, Pháp. Ảnh: DW

Theo kết quả đầy đủ do Bộ Nội vụ Pháp công bố rạng sáng 20/6, Liên minh "Cùng nhau" của Tổng thống Macron giành được 245 ghế và vẫn là đảng lớn nhất trong quốc hội Pháp khóa tới, nhưng đã mất thế đa số tuyệt đối cho phép họ tự mình quyết định các chính sách quan trọng tại quốc hội.

Theo quy định, một liên minh cần ít nhất 289 ghế để giành được thế đa số tuyệt đối tại quốc hội có 577 thành viên.

Liên minh Bình dân Xã hội và Sinh thái Mới, được gọi là Nupes, dưới sự dẫn dắt của Đảng La France Insoumise của nhà lãnh đạo cánh tả Jean-Luc Melenchon, đứng thứ 2 với 135 ghế, trở thành nhóm đối lập lớn nhất tại quốc hội Pháp khóa tới.

Lần này, đảng cực hữu của bà Marine Le Pen đã giành được số ghế gần gấp 10 lần so với 8 ghế vào năm 2017.

Làm quen với việc thành lập liên minh

Việc không chiếm thế đa số tuyệt đối trong quốc hội thường không phải là vấn đề ở các quốc gia khác như Đức, nơi các đảng đã quen với việc thành lập liên minh và làm việc cùng nhau, phóng viên Louis của DW nhận định.

Ở Pháp, nó có thể là một vấn đề vì người Pháp không quen với tình huống này.

Kết quả bầu cử quốc hội Pháp năm 2022 do Bộ Nội vụ Pháp công bố. Ảnh: DW

Lần cuối cùng tình huống tương tự xảy ra là giai đoạn 1988-1991 dưới thời cựu Tổng thống Francois Mitterrand khi đảng của ông thiếu 14 ghế để đạt được mốc 289 ghế và giành đa số tuyệt đối trong quốc hội Pháp khóa đó.

Chính phủ của ông Mitterrand đã phải tìm cách giành được sự ủng hộ của các đảng cánh hữu và cánh tả để luật được thông qua. Tuy nhiên, việc tìm kiếm các thỏa hiệp hóa khó khăn đến mức trong 3 năm ông phải 28 lần sử dụng đến “ngoại lệ” mà điều 49.3 của Hiến pháp Pháp cung cấp.

Điều 49.3 trong Hiến pháp của nước Pháp quy định, một chính phủ cầm quyền được phép thông qua một dự thảo luật mà không cần một cuộc bỏ phiếu tại quốc hội. Tuy nhiên, trong trường hợp chính phủ viện dẫn đến điều 49.3 thì quốc hội có quyền yêu cầu bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ. Nếu đa số bất tín nhiệm, chính phủ đương nhiệm sẽ bị giải tán để thành lập một chính phủ mới.

Nhưng sau này “ngoại lệ” trên đã bị hạn chế sử dụng. Như vậy, ông Macron và chính phủ của ông sẽ chỉ có thể áp dụng nó một lần mỗi năm trong kỳ họp quốc hội và cho cuộc bỏ phiếu về ngân sách hàng năm.

Cơ hội học nghệ thuật thỏa hiệp

Với việc Liên minh “Cùng nhau” mất thế đa số tuyệt đối, ông Macron và các bộ trưởng của ông sẽ phải tìm kiếm sự ủng hộ trên toàn hệ thống chính trị.

Họ cũng phải tính đến những trở ngại mạnh mẽ từ liên minh cánh tả của ông Melenchon chống lại các biện pháp định hướng thị trường. Có khả năng Nupes sẽ tìm mọi cách có thể để ngăn chặn và kéo dài các cuộc thảo luận trong quốc hội.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Politico

Trong quốc hội Pháp khóa trước, 17 nghị sĩ của đảng La France Insoumise do ông Melenchon dẫn dắt đã thường xuyên làm điều đó. Với việc liên minh cánh tả lần này giành được số ghế gấp khoảng 10 lần so với 5 năm trước, trở ngại đối với chính phủ của ông Macron sẽ càng lớn hơn.

Bản thân ông Macron đã nói trước vòng bỏ phiếu thứ hai rằng "không gì tồi tệ hơn việc bổ sung thêm một nước Pháp rối loạn vào một tình hình quốc tế rối loạn".

Tuy nhiên, cục diện mới trong quốc hội Pháp cũng có khả năng buộc Tổng thống Macron, nổi tiếng là người tự mình đưa ra quyết định, phải cân nhắc nhiều hơn đến quan điểm của các cử tri cánh tả.

Đó có thể là cơ hội để ông và chính phủ của ông học nghệ thuật thỏa hiệp và xoa dịu một số người dân hiện đang cảm thấy bị bỏ lại phía sau so với tầng lớp tinh hoa chính trị gia ở thủ đô hoa lệ.

Lần này các cử tri cấp tiến - từ phe cực hữu và phe cực tả - có thể thấy quan điểm của họ được phản ánh trong các cuộc tranh luận tại quốc hội Pháp.

Điều đó có thể góp phần giúp nước Pháp chữa lành một số quan điểm cực đoan và đưa mọi người xích lại gần nhau.

Một nước Pháp thống nhất, mạnh mẽ sẽ là một điều tốt. Vì chính đất nước họ và vì thế giới.

Minh Đức (Theo DW)