Xu hướng thị trường

Ông lớn Vicem bán "giấc mơ trụ sở nghìn tỷ"

Sau 8 năm ôm giấc mơ về một trung tâm điều hành nghìn tỷ, ông lớn ngành Xi măng Việt Nam vừa phải đề xuất xin bán trụ sở 31 tầng dù nó còn chưa hoàn thiện.

Báo Tuổi trẻ online đưa tin, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) bất ngờ xin bán trụ sở 31 tầng Vicem tower tại khu đất vàng 8.467m2 tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội để thu hồi vốn.

Vicem cho rằng việc bán trụ sở dở dang nghìn tỷ là thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về thoái vốn đầu tư đối với các lĩnh vực ngoài ngành, tập trung nguồn lực cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của Vicem.

Đến nay, cơ bản các bộ, ngành liên quan đã đồng ý cho Vicem bán trụ sở, Vicem đã báo cáo bộ Xây dựng việc tìm nhà đầu tư mua lại trụ sở.

Mới đây, bộ Xây dựng đã có văn bản yêu cầu Vicem rà soát, cập nhật phương án xử lý nhà đất theo hình thức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất vào phương án sắp xếp, xử lý nhà đất theo nghị định 167 của Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền xem xét bán trụ sở.

Trước đó, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng việc bán trụ sở của Vicem phải bảo đảm nguyên tắc thị trường và thu lại lợi ích tối đa cho Nhà nước.

Vicem sẽ bán trụ sở khi chưa xây dựng xong để thu hồi vốn - Ảnh: Nghi Điền

Là một tổng công ty Nhà nước, Vicem đang sở hữu hàng loạt tài sản đất đai tại 11 tỉnh, thành phố trên cả nước như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, TP.HCM.

Hiện Vicem đang thực hiện cổ phần hóa công ty mẹ và các công ty con, trong khi tình hình tài chính công ty mẹ ổn định thì các công ty con của Vicem đang thua lỗ nghìn tỷ, gặp nhiều khó khăn và mất an toàn về tài chính.

Về tình hình sản xuất của Vicem, báo cáo tài chính năm 2018 ghi nhận tổng doanh thu đạt 1.691 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.052 tỷ đồng, nộp ngân sách khoảng 703 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Vicem đang ôm nợ hàng nghìn tỷ đồng từ các công ty con. Cụ thể, Công ty Xi măng Vicem Tam Điệp lỗ lũy kế đến cuối năm 2018 khoảng 1.103 tỷ đồng, thuộc diện mất an toàn về tài chính.

Tương tự, hai công ty con khác là Xi măng Hạ Long và Xi măng Sông Thao cũng có hệ số nợ phải trả lớn hơn 3 lần vố chủ sở hữu, thuộc diện mất an toàn về tài chính.

Trong đó, Xi măng Hạ Long lỗ lũy kế đến hết 2018 khoảng 3.580 tỷ đồng, Xi măng Sông Thao lỗ lũy kế 410 tỷ đồng.

Trước đó, thông tin trên VnEconomy, cuối năm 2018, bộ Tài chính công bố kết quả tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm 2017 của Vicem, có phản ánh một số khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của Vicem hiệu quả thấp, không thoái được vốn như Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn, Hải Vân, Hoàng Mai,…

Một số công ty con của Vicem lỗ hoặc có số lỗ lũy kế lớn như Công ty Vicem Xi măng Tam Điệp, Công ty Cổ phần Xi măng Hạ Long, Sông Thao, Sông đà 12,….

Trong đó Công ty Vicem xi măng Tam Điệp được kết luận là: "Như vậy, công ty đã mất gần hết vốn, mất an toàn về tài chính nghiêm trọng và không đảm bảo khả năng thanh toán nợ, hoạt động của công ty hoàn toàn phụ thuộc và các khoản vốn vay, chiếm dụng và hỗ trợ từ công ty mẹ".

Công ty Vicem Xi măng Hải Phòng trong năm 2017 có hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn thấp (0,51), Xi măng Sông Thao có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn thấp (0,16 lần)..., bộ Tài chính kết luận: "Công ty đã không bảo toàn được vốn", "mất cân đối về tài chính".

Về toà tháp Vicem Tower, vào năm 2010 Hội đồng thành viên Vicem đã quyết định đầu tư trung tâm điều hành hoạt động của Vicem kết hợp với kinh doanh cho thuê văn phòng thương mại cao 31 tầng nổi, 4 tầng hầm tại khu đô thị mới Cầu Giấy, Hà Nội.

Vốn đầu tư xây trụ sở ban đầu được duyệt 1.951 tỷ đồng, sau đó điều chỉnh tăng lên 2.743 tỷ đồng.

Trụ sở được quyết định đầu tư từ năm 2011 nhưng đến 2018 Vicem mới hoàn thành phần ngầm và phần thân công trình (mặc dù ban đầu được dự kiến hoàn thành trong quý II/2014), và đã rót 1.430 tỷ đồng vào dự án.

Trước đó, như báo Người Đưa Tin đã phản ánh, thời điểm năm 2016 (tức là sau 5 năm khởi công), toà nhà này vẫn chỉ là khối bê tông dãi dầu mưa nắng, với số dư xây dựng cơ bản dở dang tính tới cuối quý II/2016 ở mức 751 tỷ đồng và công ty mẹ Vicem lỗ sau thuế 184 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2016.

Thời điểm đó, có thông tin gây xôn xao trong dư luận khi Vicem được cho là có ý định sang tay dự án cho một doanh nghiệp tư nhân. Xong chuyện này đã không thành sự thật.

H.Y (tổng hợp)