Thế giới

Ông Biden: Ông Putin có thể kết thúc xung đột Ukraine “chỉ bằng một từ”

Đề cập đến bài phát biểu Thông điệp Liên bang của Tổng thống Putin, Tổng thống Mỹ Biden bác bỏ tuyên bố của nhà lãnh đạo Nga rằng Mỹ lên kế hoạch tấn công Nga.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Kiev vẫn đứng vững sau một năm xung đột với Nga. 

Trong bài phát biểu quan trọng tại Ba Lan hôm 21/2, ông chủ Nhà Trắng nói: “Một năm trước, thế giới đang chuẩn bị cho sự sụp đổ của Kiev. Hôm nay tôi có thể thông báo: Kiev vẫn đứng vững, tự hào, hiên ngang và quan trọng nhất là tự do”.

Tổng thống Mỹ cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đánh giá thấp quyết tâm của Ukraine và sự ủng hộ kiên định của phương Tây đối với Kiev.

“Sự ủng hộ của chúng ta dành cho Ukraine sẽ không bị lay chuyển, NATO sẽ không bị chia rẽ”, ông Biden cho biết.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trình bày Thông điệp Liên bang trước lưỡng viện Quốc hội Nga, ngày 21/2/2023. Ảnh: TASS

Đề cập đến bài phát biểu Thông điệp Liên bang của Tổng thống Putin, diễn ra trước đó tại trung tâm triển lãm Gostiny Dvor ở thủ đô Moscow, ông Biden bác bỏ tuyên bố của nhà lãnh đạo Nga rằng Mỹ lên kế hoạch tấn công Nga.

“Phương Tây không âm mưu tấn công Nga như ông Putin nói. Hàng triệu công dân Nga – những người chỉ muốn chung sống hòa bình với các nước láng giềng – không phải là kẻ thù của chúng ta”, ông Biden nói trước đám đông tụ tập bên ngoài Lâu đài Hoàng gia ở thủ đô Warsaw.

Ông Biden cũng cho biết ông Putin có thể kết thúc xung đột ở Ukraine “chỉ bằng một từ”, bằng cách rút các lực lượng Nga ra khỏi Ukraine.

Ông Putin: Nga đình chỉ chứ không rút khỏi New START

Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong Thông điệp Liên bang trước lưỡng viện Quốc hội Nga hôm 21/2, cho biết Nga đang đình chỉ việc tham gia New START, hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân lớn cuối cùng còn lại với Mỹ, nhưng sẽ không rút khỏi nó.

“Hôm nay tôi phải nói rằng Nga đang tạm đình chỉ New START. Tôi nhắc lại, Nga không rút khỏi hiệp ước, mà chỉ đơn thuần là ngừng tham gia”, người đứng đầu Điện Kremlin nói.

Nga sẽ quay trở lại hiệp ước ngay khi hiểu được có gì trong kho vũ khí chiến lược của không chỉ Mỹ mà cả các cường quốc hạt nhân khác của NATO – như Vương quốc Anh và Pháp.

Bộ Quốc phòng Nga và tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước Rosatom nên chuẩn bị cho các vụ thử hạt nhân nếu cần, nhưng Moscow sẽ không phải là người đầu tiên tiến hành chúng, ông Putin cho biết.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden có bài phát biểu tại Warsaw trước thềm cột mốc một năm xung đột Nga-Ukraine, ngày 21/2/2023. Ảnh: AP/France24

Hiệp ước New START được Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama và người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev ký kết vào năm 2010, giới hạn mỗi quốc gia triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân và 700 tên lửa tầm xa và máy bay ném bom.

Theo thỏa thuận, mỗi quốc gia được phép yêu cầu kiểm tra tại chỗ để xác minh xem bên kia có tuân thủ các điều khoản của hiệp ước hay không. Đã có một thời gian giữa hai nước không có các cuộc kiểm tra tuân thủ tại chỗ do chúng tạm thời bị đình chỉ trong đại dịch Covid-19.

Hiệp ước đã được gia hạn thêm 5 năm nữa vào tháng 2/2021, chỉ vài ngày trước khi nó hết hạn.

Mỹ: Nga thử ICBM thất bại

Nga dường như đã thất bại trong một vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hôm 20/2 trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đang ở Ukraine.

Các quan chức Mỹ nói với CNN hôm 21/2 rằng Nga đã sử dụng đường dây giảm xung đột để thông báo trước cho Washington về vụ thử tên lửa.

Theo các quan chức, Mỹ không coi vụ thử là bất thường hay leo thang căng thẳng, và không gây rủi ro cho Mỹ. Vụ thử liên quan đến tên lửa hạng nặng SARMAT có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, được NATO đặt tên là Satan II, và được người đứng đầu cơ quan nghiên cứu hàng không vũ trụ của Nga phân loại là “siêu vũ khí”.

Tên lửa SARMAT được thiết kế để mang tới 15 đầu đạn hạt nhân, cũng như đạn siêu thanh.

Các quan chức Mỹ tin rằng cuộc thử nghiệm đã thất bại vì Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không đề cập đến nó trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang của ông hôm 21/2.

Hình ảnh trích từ một đoạn video cho thấy một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat được Quân đội Nga phóng thử tại sân bay vũ trụ Plesetsk ở vùng Arkhangelsk, Nga, ngày 20/4/2022. Ảnh: CGTN

Trước đó, cũng qua đường dây giảm xung đột, phía Mỹ đã báo cho Điện Kremlin về chuyến thăm của ông Biden tới thủ đô Kiev trước thềm dấu mốc một năm xung đột Nga-Ukraine, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cho biết hôm 20/2.

Ông Zelensky: Ukraine vẫn giữ phòng tuyến miền Đông

Các lực lượng Ukraine vẫn đang giữ tiền tuyến ở miền Đông bất chấp áp lực liên tục từ các lực lượng Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trong bài phát biểu video hàng đêm của mình hôm 21/2.

“Điều rất quan trọng là bất chấp áp lực lớn đối với các lực lượng của chúng tôi, tiền tuyến đã không có thay đổi”, ông Zelensky nói, cho biết thêm rằng các lực lượng Nga đang chịu “tổn thất đáng kinh ngạc” ở Donetsk và Luhansk do các cuộc oanh tạc liên tục của Ukraine.

Ông cũng cáo buộc lực lượng Nga xuống tay với thường dân ở Kherson sau khi 6 người thiệt mạng và 12 người khác bị thương trong vụ pháo kích vào một khu chợ và trạm dừng giao thông công cộng ở phía nam thành phố.

Moscow đã bác bỏ cáo buộc nhắm mục tiêu vào dân thường trong các hoạt động quân sự đặc biệt của mình.

Xe tăng Ukraine ẩn nấp trong một khu rừng tuyết ở gần Kreminna, vùng Donetsk, ngày 21/2/2023. Ảnh: Getty Images

Vụ Nord Stream: Nga, Trung Quốc ủng hộ LHQ điều tra

Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc (LHQ) nói với Hội đồng Bảo an (UNSC) rằng việc ngăn chặn một cuộc điều tra của LHQ sẽ khiến phương Tây trông “có vẻ đáng ngờ hơn”.

Hai đường ống dẫn khí đốt tự nhiên của Nga đến Đức dưới Biển Baltic – Nord Stream và Nord Stream 2 –đã bị hư hại do một loạt các vụ nổ vào tháng 9/2022.

Sự việc một lần nữa gây chú ý sau khi nhà báo Mỹ Seymour Hersh đăng một bài viết vào đầu tháng này, trong đó ông mô tả cách Mỹ thực hiện vụ phá hoại. Mỹ đã lên tiếng bác bỏ thông tin trên.

“Đó là câu chuyện hoàn toàn sai sự thật", người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho biết hôm 19/2, nhưng không cung cấp thêm thông tin nào khác.

Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia phát biểu trước UNSC hôm 21/2 rằng cuộc tấn công vào Nord Stream liên quan đến chất nổ và được coi là khủng bố quốc tế theo một công ước được ký kết vào năm 1997.

Ông nói thêm, trừ khi thủ phạm bị tìm ra và vụ việc được đưa ra trước công lý, nếu không cuộc tấn công có thể mở ra một kỷ nguyên khi cơ sở hạ tầng xuyên quốc gia dưới đáy biển trở thành các mục tiêu hợp pháp, điều này sẽ gây ra “sự hỗn loạn và thiệt hại khủng khiếp cho toàn nhân loại”.

Theo ông Nebenzia, Nga không tin tưởng vào các cuộc điều tra hiện do Thụy Điển, Đan Mạch và Đức tiến hành, vì tất cả họ đều từ chối chia sẻ kết quả điều tra hoặc phớt lờ hoàn toàn các yêu cầu của Moscow. Ông nói: “Rõ ràng là họ đang bao che cho Mỹ. Nếu các nước phương Tây ngăn chặn yêu cầu của Nga về một cuộc điều tra của LHQ, điều đó sẽ chỉ làm tăng thêm sự nghi ngờ của chúng tôi”.

Khí thoát ra từ một vụ rò rỉ trên đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 trong vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển ở Biển Baltic, ngày 28/9/2022. Ảnh: CFP

Đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ Trương Quân (Zhang Jun) hôm 21/2 bày tỏ sự ủng hộ đối với việc đẩy nhanh “cuộc điều tra khách quan, vô tư và chuyên nghiệp” về vụ phá hoại các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream, đồng thời kêu gọi sớm công bố kết quả điều tra và truy cứu trách nhiệm càng sớm càng tốt.

“Bất kỳ sự phá hoại có chủ ý nào đối với cơ sở hạ tầng xuyên biên giới đều là một hành động ác ý. Việc không tìm ra lý do tại sao nó lại xảy ra và ai đứng sau sự phá hoại sẽ gửi tín hiệu sai đến những kẻ có ý định xấu và khiến họ tin rằng họ có thể thoát tội với bất cứ việc gì họ làm”, ông Zhang phát biểu tại cuộc họp của UNSC về vấn đề này.

Ông Zhang lưu ý rằng Trung Quốc hoan nghênh dự thảo nghị quyết do Nga đệ trình tại UNSC và tin rằng việc ủy quyền một cuộc điều tra quốc tế về vụ phá hoại các đường ống Nord Stream có ý nghĩa quan trọng.

EU, NATO, Ukraine tăng cường sản xuất, mua sắm vũ khí

Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ cùng khởi động cơ chế điều phối cung cấp vũ khí cho Ukraine, các quan chức cho biết sau cuộc gặp đầu tiên của đại diện cấp cao 3 bên tại Brussels hôm 21/2.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết ông đã thảo luận với Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba và Đại diện cấp cao về ngoại giao của EU Josep Borrell về sự cần thiết phải đẩy mạnh sản xuất vũ khí và cải thiện việc mua sắm vũ khí “để đảm bảo rằng Ukraine có được vũ khí mà họ cần”.

“Chúng tôi đang tìm cách đẩy nhanh việc giao hàng từ các quốc gia thành viên tới Ukraine”, ông Borrell cho biết.

Để đạt được mục tiêu này, 3 bên sẽ thiết lập một cơ chế phối hợp để liên kết các ngành công nghiệp quốc phòng, các nhà thầu và chính phủ của họ. Điều này sẽ cho phép họ không chỉ đáp ứng nhu cầu của Ukraine ở tiền tuyến mà còn bổ sung cho kho dự trữ đạn dược của các nước thành viên NATO và EU.

Phi công Su-35S tuần tra khu vực đang diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Ảnh đăng trên kênh Telegram của Đài RT, ngày 17/2/2023

Do tốc độ tiêu thụ đạn dược lớn hơn tốc độ sản xuất, các quốc gia thành viên EU và NATO cần phải tăng cường sản xuất, ông Stoltenberg và ông Borrell cho biết. Còn theo ông Kuleba, những nỗ lực tăng cường sản xuất đã bắt đầu vào cuối mùa hè năm ngoái.

Ông Stoltenberg cho biết, NATO sẽ giúp Ukraine phát triển một hệ thống mua sắm hiệu quả, minh bạch và có trách nhiệm giải trình. NATO cũng sẽ tăng mục tiêu cho các kho dự trữ đạn dược thông qua Quy trình Lập kế hoạch Quốc phòng của mình.

Minh Đức (Theo France24, NY Post, TASS, CGTN)