Thế giới

Ông Biden đã trả giá như thế nào để đạt được thỏa thuận về trần nợ?

Thỏa thuận mới sẽ củng cố danh tiếng của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong việc đàm phán lưỡng đảng, nhưng nó đi cùng với những cái giá mà ông phải trả.

Sau những ngày đàm phán căng thẳng, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về việc dỡ bỏ trần nợ vào cuối ngày 27/5.

Cả hai bên đều coi thỏa thuận này như một bước quan trọng để giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào cảnh vỡ nợ vào ngày 5/6 nếu Quốc hội nước này không hành động, như cảnh báo của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen.  

Mặc dù việc Mỹ không thanh toán hóa đơn đúng hạn có thể gây ra nhiều hậu quả, nhưng một thỏa thuận có thể sẽ làm giảm bớt thiệt hại do Quốc hội trả nợ quá hạn.   

“Thỏa thuận này là một sự thỏa hiệp, nghĩa là không phải ai cũng đạt được điều mình muốn. Đó là trách nhiệm của người làm quản lý”, ông Biden cho biết.

Nhượng bộ quá nhiều

Đối với ông Tổng thống Mỹ, chiến thắng trần nợ đi kèm với cảm xúc buồn vui lẫn lộn. Mặc dù thỏa thuận này sẽ củng cố danh tiếng của Biden về khả năng đàm phán lưỡng đảng, nhưng cái giá ông phải trả cũng không hề nhỏ.

Theo quan điểm của ông Biden, thỏa thuận này ngăn chặn một vụ vỡ nợ thảm khốc có thể gây ra tình trạng thất nghiệp trên diện rộng, phá vỡ thị trường chứng khoán, gây nguy hiểm cho các khoản thanh toán an sinh xã hội và khiến nền kinh tế lao đao.

Tuy nhiên, nhiều người theo phe cánh tả cấp tiến đã vô cùng tức giận khi cho rằng ông Biden, người từng tuyên bố trần nợ là “không thể thương lượng” đã nhượng bộ chiến lược “bắt nền kinh tế làm con tin” của ông McCarthy.

Nhóm nghị sĩ cấp tiến của Hạ viện Mỹ đã tổ chức một cuộc họp báo về những nguy cơ của việc vỡ nợ. Ảnh: NY Times

Nhiều đảng viên đảng Dân chủ, đặc biệt là các thành viên bảo thủ nhất, ngày càng không hài lòng về các điều khoản của thỏa thuận vì cho rằng Tổng thống đã phải nhượng bộ quá nhiều. Trước sự thất vọng của các đồng minh, việc thương lượng trong những tuần gần đây hoàn toàn dựa trên các điều khoản mà đảng Cộng hòa đưa ra.

Thỏa thuận vừa đạt được bao gồm việc giảm các khoản chi liên bang ngay lập tức. Đảng Dân chủ sẽ không thể chi tiêu tùy ý dù vẫn đang điều hành Hạ viện. Đây cũng là lần cắt giảm chi tiêu lớn đầu tiên của chính quyền Mỹ từ trước đến nay.

Nhà Trắng cũng phải nhượng bộ khi đảng Cộng hòa đặt ra nhiều yêu cầu bổ sung đối với các chương trình viện trợ liên bang. Nếu được thông qua trong những ngày tới bởi các nhà lập pháp cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, những người Mỹ có thu nhập thấp cho đến 54 tuổi sẽ cần phải làm việc để nhận hỗ trợ lương thực liên bang, tăng từ giới hạn 49 tuổi trước đó.

“Thỏa thuận này đại diện cho hệ tư tưởng ngân sách bảo thủ tồi tệ nhất. Nó cắt giảm đầu tư vào người lao động và gia đình, tạo thêm những rào cản mới phiền phức và lãng phí cho các gia đình cần hỗ trợ, đồng thời bảo vệ những người Mỹ giàu có nhất và các tập đoàn lớn nhất khỏi phải trả phần thuế mà đáng ra họ phải trả”, bà Lindsay Owens, giám đốc điều hành của Groundwork Collaborative, một tổ chức tư vấn của phe cánh tả nhận định.

Con đường duy nhất

Tổng thống Mỹ hẳn là có thể nhận thức rõ điều này, nhưng ông không còn lựa chọn nào khác. Nếu thỏa thuận này bị Quốc hội Mỹ bác bỏ, thị trường tài chính nước này có thể rơi vào hỗn loạn, đe dọa thị trường lao động đang phát triển mạnh mẽ và giáng một đòn nặng nề vào vai trò đầu tàu kinh tế của Mỹ trên thị trường toàn cầu.

Ông Biden sẽ không có đủ tiềm lực chính trị để chống lại một cú sốc như vậy. Trong những cuộc đối đầu trước đây, chính quyền Dân chủ thường mô tả đảng Cộng hòa là những kẻ cực đoan tài chính. Nhưng các cuộc thăm dò gần đây cho thấy ông Biden không nắm lợi thế rõ ràng trong lần này.

“Nếu việc này gây ra suy thoái, người ta sẽ đổ lỗi cho cả Tổng thống và đảng Cộng hòa. Đến lúc đấy, những vấn đề chính trị có nguy cơ xảy ra đều rất khó đoán”, ông Jay Campbell, chuyên gia tại tổ chức nghiên cứu Hart Research cho biết.

Đảng Dân chủ đã liên tục yêu cầu ông Biden bỏ qua trần nợ và tiếp tục đi vay trên cơ sở Tu chính án thứ 14, trong đó có điều khoản ghi rõ rằng tính hợp lệ của nợ công Mỹ là “không thể bị nghi ngờ”.

Ông McCarthy cũng vấp phải sự phản đối của một số đảng viên Cộng hòa sau thỏa thuận trần nợ với Nhà Trắng. Ảnh: NY Post

Tuy nhiên, chính quyền ông Biden đã nhấn mạnh rằng giải pháp đơn phương như vậy, cũng như các lựa chọn thay thế khác, sẽ không khả thi và tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt pháp lý. Bất chấp điều đó, một số nhà phê bình cho rằng ông Biden vẫn nên mạnh tay hơn với các đảng viên Cộng hòa để buộc ông McCarthy phải lùi bước.

Ông Biden nói rất ít về các cuộc đàm phán tài chính trong những ngày gần đây, ít hơn nhiều so với ông McCarthy và các nhà đàm phán Cộng hòa. Điều này giúp hạn chế những xung đột nào trong giai đoạn đàm phán cuối cùng.

Càng đối đầu công khai, ông sẽ càng chứng tỏ mình đang làm ngược với những điều mình nói, đồng thời ảnh hưởng đến triển vọng của thỏa thuận.

Giờ đây, thách thức đối với ông Biden là thuyết phục các đảng viên Dân chủ bỏ phiếu thông qua thỏa thuận mới.

Lãnh đạo phe thiểu số Hạ viện Hakeem Jeffries cho biết, đảng Cộng hòa đã cam kết cung cấp ít nhất 150 phiếu thuận. Các đảng viên Đảng Dân chủ sẽ cần bù đắp vào số còn thiếu để đạt được ngưỡng 218 phiếu bầu cần thiết nhằm thông qua thỏa thuận này. 

Do đó, ông Biden sẽ phải đóng vai trò quan trọng trong những ngày tới để nhận được sự ủng hộ của các đồng minh.

Nguyễn Tuyết (Theo Reuters, Financial Times, NY Times, WSJ)