Giáo dục

Ôn thi tốt nghiệp THPT: Cần quan tâm đến học sinh dân tộc thiểu số

Hơn 1 tháng nữa học sinh lớp 12 sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Thời điểm này, việc ôn thi đang được các trường học gấp rút thực hiện.

Bộ GD&ĐT công bố lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành văn bản số 1277/BGDĐT-QLCL ngày 22/3/2024 về việc hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.

Theo đó, Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024 được tổ chức vào các ngày 26, 27, 28, 29/6/2024. Trong đó:

- Ngày 26/6/2024: làm thủ tục dự thi;

- Ngày 27, 28/6/2024: tổ chức coi thi;

- Ngày 29/6/2024: dự phòng.

Thời gian công bố kết quả thi dự kiến vào 8 giờ 00 ngày 17/7/2024. Sau đó, các địa phương tiến hành xét tốt nghiệp cho học sinh dự thi và sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng theo kế hoạch tuyển sinh.

Theo GD&ĐT, trong tháng 4 và tháng 5 năm 2024, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức các Hội nghị tập huấn kỹ thuật về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cho tất cả các địa phương.

Ảnh minh họa.

Quan tâm ôn tập cho học sinh dân tộc thiểu số

Theo TTXVN nhằm giúp học sinh người dân tộc thiểu số nắm vững kiến thức và có thành tích tốt tại Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay, ngành GD&ĐT tỉnh Kon Tum sớm chủ động triển khai việc ôn tập cho các em.

Cụ thể, Sở GD&ĐT tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo các trường chủ động triển khai ôn tập với kế hoạch cụ thể, phù hợp khả năng tiếp thu kiến thức của từng học sinh.

Tại địa phương, các trường phổ thông dân tộc nội trú đã chỉ đạo tổ chuyên môn rà soát, kết thúc chương trình chính khóa và đánh giá lại năng lực đáp ứng Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông ở các môn. Sau học sinh đăng ký bài thi tổ hợp và đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học vào đầu tháng 3, từ ngày 1/4, các trường tổ chức cho học sinh ôn thi đến hết ngày 22/6.

Cùng với đó, các trường phổ thông dân tộc nội trú quản lý chặt học sinh trong thời gian ôn tập, tạo ra môi trường học tập; phân công trách nhiệm cho giáo viên quan tâm các em có năng lực hạn chế; động viên, khuyến khích học sinh ngoại trú có năng lực hạn chế vào ở nội trú ôn tập.

Các trường phân công đội ngũ hỗ trợ ôn thi, trực ban đêm; thường xuyên tuyên truyền để học sinh sử dụng mạng Internet một cách hợp lý, hiệu quả.

Thầy Đỗ Công Vương, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Trung học Dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum cho biết, Kỳ thi tốt nghiệp năm nay, trường có 178 học sinh lớp 12 tham gia. Khi ôn thi, các phụ huynh đều đồng thuận với việc để các em tiếp tục ở nội trú, tập trung ôn tập. Quá trình ôn thi, giáo viên căn cứ năng lực của học sinh xây dựng nội dung và phương pháp giảng dạy theo hướng cá biệt hóa, phù hợp từng em, từng môn học…

Hằng tuần, giáo viên bộ môn báo cáo Ban Chỉ đạo ôn thi nhà trường về những học sinh có tiến bộ và các em tiến bộ chậm để chỉ đạo ôn thi cho phù hợp. Năm nay, mục tiêu của nhà trường đảm bảo 100% học sinh tốt nghiệp.

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024, tỉnh Kon Tum có 5.050 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó 1.775 em là người dân tộc thiểu số.

Những điều cần đặc biệt lưu ý trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp của Đại học Bách khoa Hà Nội, tổ chức hôm nay, 17/3, TS Lê Mỹ Phong, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) đã đưa ra những thông tin quan trọng về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Theo TS Lê Mỹ Phong, Ban đề thi tốt nghiệp THPT không chỉ có lãnh đạo cục, vụ trực thuộc Bộ GD&ĐT mà còn có lãnh đạo các sở GD&ĐT.

"Những điều chỉnh trên để đề thi được ra vừa sức với học sinh, đảm bảo các mục đích của kỳ thi là xét tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông và đủ độ tin cậy, phân hóa để các cơ sở đào tạo có thể sử dụng vào việc tuyển sinh", ông Phong thông tin.

Nhấn mạnh, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cơ bản giữ ổn định như năm 2023, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng đưa ra 5 lời khuyên để học sinh dự thi năm nay lưu ý:

Lưu ý đầu tiên, để tự tin bước vào kỳ thi và thu nhận kết quả tốt, học sinh cần chủ động ôn tập, bám sát nội dung được dạy học ở trường và sách giáo khoa. Ngoài ra, thí sinh có thể rèn luyện bằng cách làm các đề thi dựa theo cấu trúc đề thi minh họa đã được Bộ GD&ĐT ban hành. Trong quá trình rèn luyện, không chỉ cần ghi nhớ tốt kiến thức mà còn cần rèn kỹ năng làm bài thi để có tâm lý vững vàng khi bước vào kỳ thi.

Thứ hai, học sinh cần lưu ý việc chọn môn thi. Theo quy định, học sinh dự thi để xét tốt nghiệp THPT năm nay sẽ phải đăng ký thi 4 bài trong tổng số 5 bài thi của kỳ thi này. Trong đó, có bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 trong 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. TS Phong cho biết, học sinh học ngoại ngữ là tiếng Anh nhưng vẫn có thể đăng ký thi ngoại ngữ khác như: tiếng Pháp, tiếng Trung, Tiếng, Đức.

Thứ ba, đối với thí sinh tự do (đã tốt nghiệp nhưng dự thi để sử dụng kết quả xét tuyển đại học), nếu muốn dự thi 1-2 môn thành phần của bài thi tổ hợp, cần nghe phổ biến kỹ quy định thời gian nào vào phòng thi, thời gian chờ để thi.

Thí sinh chưa tốt nghiệp THPT sẽ phải làm trọn vẹn 1 trong 2 bài thi tổ hợp. Thí sinh tự do có thể được chọn môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp dự thi để xét tuyển đại học nhưng cũng không được đồng thời chọn môn thi thành phần của cả hai bài thi tổ hợp.

Thứ tư, mỗi thí sinh sẽ được cấp 1 tài khoản phục vụ việc dự thi và xét tuyển. Học sinh cần bảo mật tài khoản này để đảm bảo không bị người khác truy cập, sửa chữa thông tin của mình.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các đơn vị dự thi phải hỗ trợ thí sinh một số việc như: tra cứu thông tin về diện ưu tiên khu vực để cung cấp cho thí sinh đăng ký chính xác. Các thí sinh cần nhớ cập nhật đủ dữ liệu để đảm bảo quyền lợi.

Cuối cùng, thí sinh cần đọc kỹ quy chế và lưu ý phần trách nhiệm của thí sinh khi dự thi để biết được và không được mang gì vào phòng thi, tránh bị xử lý kỷ luật, ảnh hưởng đến kết quả thi.

Trúc Chi (t/h)