Thế giới

Omicron khiến chuỗi cung ứng thực phẩm ở Mỹ thêm căng thẳng

Tình trạng các kệ hàng trống trơn vẫn chưa được lấp đầy làm dấy lên mối lo ngại khác trong các nhà sản xuất thực phẩm và bán lẻ Mỹ.

Tại Mỹ, biến thể siêu lây lan Omicron đang phá vỡ các chuỗi cung ứng thực phẩm vốn đã căng thẳng. Nó khiến nhiều nhân sự bị bệnh đến mức ngày càng có nhiều cửa hàng tạp hóa trong tình trạng thiếu lao động và cạn kiệt tồn kho hàng hóa, dẫn đến gián đoạn việc lấp đầy các kệ hàng.

Các siêu thị đã phải vật lộn để giữ dự trữ thực phẩm đầy đủ trong suốt thời kỳ đại dịch do tình trạng thiếu lao động trong mọi bộ phận của chuỗi cung ứng thực phẩm, từ trang trại, nhà sản xuất đến nhà phân phối. Thậm chí, họ đang phải chuyển sang sử dụng các thương hiệu khác nhau so với bình thường để lấp đầy các kệ hàng trống.

Trong khi đó, các nhà hàng đã chuẩn bị sẵn thực đơn để đối phó với nguồn nguyên liệu sẵn có hạn chế và giá cả trên thị trường đang tăng dần đều.

“Đó là sự kết hợp của tất cả các yếu tố”, Bob Luz, Chủ tịch Hiệp hội Nhà hàng Massachusetts, cho biết. “Thiếu nhân viên vận tải, thiếu công nhân kho hàng, thiếu người giao hàng, thiếu nhân viên pha thịt. Thiếu hụt lao động đang tàn phá toàn bộ ngành bán lẻ”.

Nhiều cửa hàng tạp hóa ở Mỹ đang đối diện với tình trạng: hoặc bỏ trống các kệ hàng, hoặc lấp đầy chúng với sản phẩm của những thương hiệu mà khách hàng không mong đợi. Ảnh: Boston News

Bây giờ Omicron đang đưa vấn đề lên một “tầm cao” mới. Nó đang hoành hành khắp nước Mỹ và làm dấy lên những lo ngại về sức khỏe mà nhiều người cho rằng tiêm chủng cũng không giúp xoa dịu được.

Các trường học và nhà trẻ đang phải đóng cửa một lần nữa, khiến nhiều người Mỹ không đi làm hơn.

Tất cả những điều đó đều giúp thúc đẩy các yếu tố lương và giá tăng cao, cũng như tình trạng thiếu lương thực như đã từng diễn ra năm 2020.

Gian nan bài toán nhân sự thời đại dịch

“Chúng ta đang thấy các kệ hàng trống trơn”, Bindiya Vakil, CEO của công ty tư vấn chuỗi cung ứng Resilinc Corp, cho biết. “Tình trạng thiếu lao động do Omicron sẽ làm vấn đề trầm trọng hơn”.

Grand Rapids, nhà phân phối hàng tạp hóa và điều hành hệ thống cửa hàng của SpartanNash Co. có trụ sở tại Michigan, đang chứng kiến số ca mắc bệnh trong số nhân viên của mình tăng gấp 3 lần trong những tuần gần đây.

Công ty vẫn có khả năng hoàn thành các đơn đặt hàng, nhưng có sự chậm trễ và phải yêu cầu nhân viên làm thêm giờ.

“Tình hình khó khăn hơn vì chúng tôi phải yêu cầu mọi người làm thêm giờ”, CEO Tony Sarsam cho biết trong một cuộc phỏng vấn. "Chúng tôi đang phải gồng mình và cố gắng hết sức".

Về phía đầu vào, công ty đang gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung từ các nhà sản xuất thực phẩm, đặc biệt là các mặt hàng chế biến sẵn như ngũ cốc và súp, Sarsam cho biết. “Các nhà sản xuất cũng đang trong tình trạng thiếu lao động”.

Các công ty thịt đang là tâm điểm vì các đợt bùng phát lớn xảy ra ở các nhà máy vào năm 2020 đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung và giá cả tăng đột biến. Hiện tại, các nhà sản xuất thịt bò và thịt lợn không báo cáo các vấn đề nghiêm trọng về hoạt động, nhưng có dấu hiệu giảm năng suất.

Ví dụ, số lượng lợn được giết mổ cho đến nay trong tuần này đã giảm 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái, và số lượng giết mổ gia súc giảm 3,6%, theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ hôm 6/1.

Nhiều nhân viên kiểm tra thực phẩm cũng đang bị ốm, Paula Soldner, Chủ tịch Hội đồng Hỗn hợp Quốc gia về Kiểm tra Thực phẩm tại các địa phương, cho biết.

"Biến thể Delta không có nhiều tác động đến lực lượng lao động", bà cho biết, nhưng "Omicron đang bào mòn dần đội ngũ của chúng tôi". Điều này xảy ra vào thời điểm mà lực lượng thanh tra thực phẩm đang thiếu hụt trên khắp nước Mỹ.

Ví dụ, ở tiểu bang Trung Tây Nebraska, các vị trí tuyển dụng cần lấp đầy chiếm tới 35%, Soldner cho biết. Lực lượng thanh tra là không thể thiếu tại các nhà máy sản xuất thịt vì lực lượng này chịu trách nhiệm giám sát cách sản xuất các sản phẩm  từ động vật đã qua chế biến theo luật.

Ngành sản xuất trứng ở Mỹ phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân sự trong khoảng một năm nay do đại dịch. Ảnh: Pixels

Các nhà sản xuất thực phẩm Conagra Brands Inc. và Campbell Soup Co. đang chứng kiến tình trạng công nhân vắng mặt liên quan đến Covid-19. Cả 2 công ty đều cho rằng đây là một sự gián đoạn khác trong số nhiều sự gián đoạn mà các chuỗi cung ứng thực phẩm đang phải hứng chịu. Cả 2 công ty cũng đã rất ráo riết trong khâu tuyển dụng nhân sự.

Các trang trại cũng đang đối mặt với tình trạng tương tự: Omicron đang khiến việc sản xuất thực phẩm trở nên khó khăn hơn.

Egg Innovations, một trong những nhà sản xuất trứng với gà nuôi “thả rông” quy mô lớn nhất của Mỹ, cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân sự trong khoảng một năm nay do đại dịch, theo CEO công ty, John Brunnquell.

Giờ đây, Omicron đang khiến Egg Innovations nói riêng và toàn ngành này gặp khó khăn hơn nữa trong việc giữ chân người lao động.

Minh Đức (Theo Bloomberg, Boston News)