Thế giới

Odessa chuẩn bị phòng thủ trong bối cảnh lo ngại bị Nga tấn công

Không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Ukraine, thành phố cảng Odessa còn giữ một vị trí đặc biệt trong tâm trí của người Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 6/3 cảnh báo rằng Moscow đang “chuẩn bị ném bom Odessa”, nói rằng “Đó sẽ là một tội ác chiến tranh… một tội ác lịch sử”.

Odessa là cảng chính của Ukraine và có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế của nước này, Al Jazeera cho biết.

Thành phố, với dân số 1 triệu dân, nằm sát biên giới Romania và Moldova, cũng giữ một vị trí đặc biệt trong tâm trí của người Nga.

Là một cảng quốc tế trên Biển Đen với kiến trúc tuyệt đẹp của thế kỷ 19, những bãi biển đầy cát và khí hậu Địa Trung Hải, nơi đây có đa số dân nói tiếng Nga.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc điện đàm hôm 6/3 về những lo ngại của ông về một cuộc tấn công có thể xảy ra vào thành phố Odessa của Ukraine, theo một tuyên bố từ Văn phòng Tổng thống Pháp.

70% hàng xuất nhập khẩu của Ukraine đi bằng đường biển và các cảng của khu vực Odessa xử lý 3/4 trong số đó, Bloomberg cho biết.

Bên cạnh xăng dầu và kim loại, phần lớn lượng xuất khẩu ngô và lúa mạch khổng lồ của Ukraine đi qua các cảng trong khu vực này.

Một người lính Ukraine đứng gác trên một con phố ở Odessa. Ảnh: Al Jazeera

Nga đe dọa trả đũa bằng cách cấm vận Nord Stream 1

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, Nga có "toàn quyền" áp đặt lệnh cấm vận đối với việc cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 để đáp lại quyết định của Đức ngừng cấp chứng nhận đường ống dẫn khí Nord Stream 2, DW đưa tin.

Ông Novak cho biết, đường ống Nord Stream 1, dẫn khí đốt của Nga đến Đức qua Biển Baltic, đang "được sử dụng ở mức tối đa 100%".

Phó Thủ tướng Nga cũng cảnh báo rằng, lệnh cấm nhập khẩu năng lượng của Nga sẽ gây ra những hậu quả "thảm khốc" đối với châu Âu.

"Cho đến nay chúng tôi vẫn chưa đưa ra quyết định này. Không ai được hưởng lợi từ việc này", ông Novak nói với đài truyền hình nhà nước Nga.

Hungary cho phép triển khai quân đội NATO ở phía Tây đất nước

Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã ký sắc lệnh cho phép quân đội NATO được triển khai ở miền Tây Hungary và các chuyến hàng vũ khí đi qua lãnh thổ của nước này tới các quốc gia thành viên NATO khác, Al Jazeera cho biết.

Văn kiện này cho phép Lực lượng phản ứng NATO đóng quân ở bờ Tây sông Danube và không phận Hungary được sử dụng để trung chuyển.

Nhưng bất kỳ nhân sự hoặc thiết bị nào đến Ukraine đều chỉ được phép quá cảnh Hungary nếu sau đó nhân sự hoặc thiết bị đó được chuyển đến một quốc gia NATO khác trước khi vào Ukraine.

Chính sách này phù hợp với nỗ lực của Thủ tướng Orban nhằm tuân thủ chính sách của NATO đồng thời “giữ cho Hungary không tham chiến”.

Các lực lượng kiểm soát các khu vực ở Ukraine ngày 7/3/2022. Nguồn: Al Jazeera

Tổng thốngZelensky sẽ phát biểu trước Quốc hội Vương quốc Anh

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ đối thoại với các nhà lập pháp Anh thông qua liên kết video vào chiều ngày 8/3, theo tuyên bố được hãng tin Reuters trích dẫn.

"Mọi nghị sĩ đều muốn nghe trực tiếp từ Tổng thống, người sẽ nói chuyện với chúng tôi trực tiếp từ Ukraine, vì vậy đây là cơ hội quan trọng cho Hạ viện", Reuters dẫn lời Chủ tịch Commons Lindsay Hoyle cho biết.

Đàm phán Nga – Ukraine vòng 3

Hai phái đoàn Nga và Ukraine đã kết thúc vòng đàm phán thứ 3 tại Belarus, DW đưa tin.

Theo thành viên phái đoàn Ukraine, ông Mykhailo Podolyay, hai bên đã đạt được "những tiến triển tích cực nhỏ" liên quan đến vấn đề hậu cần của các hành lang nhân đạo.

Ông cũng cho biết, các cuộc tham vấn chuyên sâu đang diễn ra liên quan đến việc ngừng bắn và đảm bảo an ninh.

Trong khi đó, trưởng phái đoàn Nga, ông Vladimir Medinsky, cho biết những kỳ vọng của Moscow từ các cuộc đàm phán đã "không được đáp ứng".

Ông Medinsky, người từng là phụ tá của Tổng thống Nga Putin, cho biết ông hy vọng rằng các cuộc đàm phán sẽ sớm tiếp tục.

“Chúng tôi hy vọng rằng thời gian tới chúng tôi sẽ có thể đạt được những bước tiến quan trọng hơn”, ông Medinsky nói.

Vòng đàm phán thứ ba giữa Ukraine và Nga, diễn ra ngày 7/3/2022, kết thúc với rất ít tiến triển. Ảnh: Al Jazeera

Lính nghĩa vụ Nga sẽ không chiến đấu ở Ukraine

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, ông sẽ không cử lính nghĩa vụ hoặc quân dự bị đến chiến đấu ở Ukraine và những người lính "chuyên nghiệp" có nhiệm vụ hoàn thành "các mục tiêu cố định" đang trong cuộc chiến.

“Lính nghĩa vụ chưa từng tham gia và sẽ không tham gia vào cuộc giao tranh này. Quân dự bị cũng sẽ không được cử đi”, ông Putin cho biết trong một bài phát biểu trên truyền hình. "Các mục tiêu cố định chỉ được thực hiện bởi những người lính chuyên nghiệp".

EU đồng ý đánh giá đơn xin gia nhập của Ukraine

Cơ quan hành pháp của EU sẽ bắt đầu xem xét đơn xin gia nhập từ Ukraine, Moldova và Georgia, các quan chức EU cho biết hôm 7/3, theo DW.

Ủy ban EU có thể mất nhiều năm để đưa ra ý kiến về các đơn xin gia nhập, với tất cả 27 quốc gia thành viên sau đó cần phải đồng ý bắt đầu quá trình đánh giá kéo dài, phức tạp và có kết thúc mở, thường đòi hỏi ít nhất một thập kỷ cải cách ở quốc gia yêu cầu tư cách thành viên.

Tuy nhiên, động thái xem xét đơn xin gia nhập liên minh của 3 nước thuộc Liên Xô cũ được coi là mang tính biểu tượng khi EU cáo buộc Nga đang cố gắng đưa các nước này trở lại vùng ảnh hưởng của mình, DW cho biết.

EU không thể một sớm một chiều từ bỏ khí đốt của Nga

Các nhà lãnh đạo của Đức, Anh và Hà Lan đã cảnh báo về việc đột ngột cấm nhập khẩu năng lượng của Nga, cho biết rằng không có nguồn cung cấp thay thế ngay lập tức, Al Jazeera cho biết.

Sự phản đối này được đưa ra sau khi Mỹ hôm 6/3 cho biết họ đang trong "các cuộc thảo luận tích cực" với các quốc gia châu Âu về việc ngừng nhập khẩu dầu của Nga như một phần của các lệnh trừng phạt chống lại Moscow.

Thủ tướng Olaf Scholz cho biết Đức và EU đang nghiên cứu các giải pháp thay thế nhưng công việc không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Ảnh: Politico

"Nguồn cung năng lượng cho sưởi ấm, giao thông, sản xuất điện và hoạt động công nghiệp của châu Âu hiện tại không thể được đảm bảo bằng cách khác", DW dẫn lời Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết trong một tuyên bố.

Thủ tướng Scholz cũng cho biết Đức và EU đang nghiên cứu các giải pháp thay thế nhưng công việc không thể hoàn thành trong một sớm một chiều.

Nga đang phải đối mặt với một loạt các biện pháp trừng phạt đối với cuộc tấn công quân sự vào Ukraine. Tuy nhiên, mối đe dọa về lệnh cấm nhập khẩu đối với dầu và khí đốt của Nga đã khiến giá của các mặt hàng này tăng vọt, với giá dầu thô Brent giao dịch ở mức 139 USD/thùng hôm 7/3, mức cao nhất kể từ tháng 7/2008. Giá khí đốt ở châu Âu cũng đã đạt 381 USD/m3 vào hôm 7/3. Giá khí đốt ở mức gần 80 USD trước khi cuộc giao tranh này bắt đầu 12 ngày trước, DW cho biết.

Minh Đức