Tiêu điểm thế giới

Oanh tạc cơ Nga "rợp trời" Syria: Ông Putin "chơi bài Chiến tranh Lạnh", Mỹ dáo dác tìm "cửa thoát hiểm"

Động thái đưa máy bay ném bom đến Syria của Moscow đã "thúc đẩy mối quan hệ theo kiểu Chiến tranh Lạnh với phương Tây ở châu Âu".

 Tu-22M3 đến Syria mang thông điệp gắn bó của Nga.

Moscow đang siết chặt hơn nữa mối quan hệ với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad bằng cách triển khai ba máy bay ném bom tầm xa có khả năng mang hạt nhân tới căn cứ quân sự ở Syria.

Bộ Quốc phòng Nga tuần trước xác nhận, "ba máy bay ném bom Tu-22M3 đã đến căn cứ không quân Hmeimim", nằm ở tỉnh ven biển Latakia của Syria và là "trung tâm chính thực hiện các hoạt động của Moscow trong nước", theo AP.

Hãng tin này cho biết thêm, quyết định triển khai này là một phần trong "nỗ lực tăng cường quân sự của Nga trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây" và "đánh dấu lần đầu tiên kể từ thời Chiến tranh Lạnh, Moscow điều máy bay ném bom hạng nặng trong khu vực".

Canh bạc dấn sâu

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra quyết định tiến hành chiến dịch quân sự ở Syria kể từ tháng 9/2015, cung cấp hỗ trợ trên không giúp chính quyền Damascus giành lại quyền kiểm soát phần lớn đất nước từ tay phiến quân Syria và các tay súng của nhóm khủng bố IS.

Theo nhận định của truyền thông, máy bay ném bom Tupolev Tu-22M3 gửi đến Hmeimim có “phạm vi hoạt động hơn 5.000 km - đủ xa để tiếp cận toàn bộ châu Âu, Scandinavia, châu Phi và các cường quốc hạt nhân khác bao gồm Ấn Độ và Pakistan”.

Sau khi đến Syria, Tu-22M3 đã có các bài tập tuần tra mới trên Địa Trung Hải. Các máy bay này đã trở về Nga khi thực hiện xong sứ mệnh. Giới quan sát nhận định, oanh tạc cơ Nga sẽ sớm trở lại Syria cho các nhiệm vụ trong tương lai.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đề xuất cuộc gặp với Tổng thống Putin ở Geneva vào tháng tới, nhưng động thái tiến vào Địa Trung Hải mới nhất của Moscow đã "thúc đẩy mối quan hệ theo kiểu Chiến tranh Lạnh với phương Tây ở châu Âu", tờ The Times nhận định.

Tờ báo cho biết thêm, việc Nga phô diễn sức mạnh hạt nhân như vậy cũng thúc đẩy “ảnh hưởng quân sự và ngoại giao ngày càng tăng của Nga trên khắp Trung Đông”, vào thời điểm Mỹ đang chuẩn bị rút khỏi khu vực trong bối cảnh “xoay trục sang châu Á”.

"Ảnh hưởng của Nga đã phát triển nhanh chóng" ở Trung Đông, chuyên gia Seth J. Frantzman từ Trung tâm Báo cáo và Phân tích Trung Đông đồng tình trong bài viết trên tờ The Hill.

“Phần lớn sức ảnh hưởng đó đến từ canh bạc dấn sâu hơn vào cuộc chiến Syria”, ông nói. “Thành công được công nhận ở Syria của Nga đã giúp siêu cường tái nổi này trở lại sân khấu thế giới”.

The Times cho biết, quyết định triển khai máy bay ném bom hạt nhân tới Syria “sẽ được Tổng thống Assad đồng ý”, vì chính quyền Damascus sẽ còn cần đến sự hỗ trợ của Nga.

Mỹ tìm đến cửa thoát hiểm

Mỹ đang tìm "cửa thoát" ở Trung Đông.

Quân đội Mỹ và đồng minh NATO sẽ rời Afghanistan “sớm nhất vào khoảng giữa tháng 7”, trước thời hạn rút quân ấn định ngày 11/9 của ông Biden, “trong sự kết thúc của cuộc chiến dài nhất nước Mỹ”, tờ The New York Times đưa tin.

Nhưng “cuộc chạy đua tới các cửa thoát hiểm” đã khiến Mỹ phải “vật lộn với những vấn đề lớn chưa được giải quyết mà các quan chức từng nghĩ rằng họ sẽ có nhiều thời gian hơn để tìm ra”, bao gồm “cách chống lại các mối đe dọa khủng bố như Al-Qaeda từ xa sau khi quân Mỹ rời đi”, tờ báo nhấn mạnh.

Trong khi đó, Nga “đã mở rộng cánh cửa” trong khu vực. “Các đối tác truyền thống của Mỹ như Ai Cập, các quốc gia vùng Vịnh và Israel” hiện đang lắng nghe Moscow “theo cách mà họ sẽ không làm nếu là ở thời điểm cách đây 10 năm”, chuyên gia Frantzman viết trên The Hill.

Theo ông, cuộc xung đột Syria đã mang tính “chuyển biến đối với Moscow”, trong đó “Mỹ đang đứng ngoài lề” khi Nga “ngăn chặn sự sụp đổ của chính quyền Assad” và “nhanh chóng trở thành nhà môi giới quyền lực ở Syria, quan hệ hợp tác với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ”.

Với quyết định triển khai các máy bay ném bom hạt nhân hiện tại, Nga có “vị trí lý tưởng để thực hiện các cuộc tuần tra trên biển và theo dõi các hoạt động hải quân của NATO ở Địa Trung Hải”, tờ The Times đánh giá.

Động thái này cũng là biểu tượng của một sự thay đổi lớn hơn, Frantzman nói thêm. Ông kết luận: “Nếu Mỹ và các nước phương Tây muốn đối đầu thành công với Nga, họ sẽ cần hiểu cách Moscow tận dụng mô hình ảnh hưởng của mình ở Syria, trở thành một nhà môi giới quyền lực ở Trung Đông và xa hơn nữa”.