Đời sống

Ở Haiti, nơi Tổng thống vừa bị ám sát, dân phải ăn... đất để chống đói

Haiti là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Vì giá thực phẩm tăng cao, người dân ở đây phải ăn cả... bùn để sống.

Sự nghèo đói cùng cực là nguyên nhân chính buộc người dân Haiti phải tạo ra những chiếc bánh làm từ bùn để sống sót qua ngày.

Món bánh bùn được người dân Haiti gọi là "Galette".

Bề ngoài bánh màu nâu nhạt, có hình tròn giống như đồ gốm. Nguyên liệu làm bánh là bơ thực vật, bùn vàng khô thêm một ít muối, trộn đều, khuấy thành hình tròn sau đó được đặt trên tấm vải mỏng rồi “nướng” trực tiếp dưới ánh mặt trời. Người dân địa phương gọi món ăn này là "Galette".

Ở Haiti, nơi 2/3 dân số sống với mức dưới 2 USD/ngày, bánh bùn là lựa chọn phổ biến. Chúng trở thành thực phẩm chính cho người nghèo khi giá lương thực toàn cầu tăng đạt đỉnh vào năm 2008. Khi đó hình ảnh những người phụ nữ Haiti phơi món ăn này dưới nắng đã khiến cho dư luận thế giới bàng hoàng.

Vì giá lương thực tăng cao, những con người cùng khổ ở đất nước này chẳng còn cách nào khác là phải tìm tới... bùn đất để giữ cho cái bụng đỡ réo gào vì những cơn đói.

Được biết, bánh bùn từ lâu đã là đồ ăn quen thuộc của những thai phụ ở Haiti. Nó là một nguồn cung cấp antacid (1 chất trung hòa axit) và canxi. Một số người khác thì ăn bánh bùn như một loại thực phẩm bổ sung dinh dưỡng để tăng lượng canxi đưa vào cơ thể. Thế nhưng, đáng buồn là nhiều năm qua người dân Haiti, cả trẻ con lẫn người lớn đều phải nhờ đến món bánh này để tồn tại.

Ở Haiti, bánh bùn là lựa chọn phổ biến với người dân nghèo.

Đất bùn dùng để làm bánh tới từ thị trấn Hinche. Các thương nhân dùng xe tải vận chuyển loại đất này tới chợ La Saline. Tại đây, những người phụ nữ khéo léo sẽ mua lại loại đất này. Họ dùng một chiếc rây để loại bỏ sỏi, đá sau đó trộn thêm một số gia vị và nặn thành bánh, phơi dưới trời nắng rồi đem ra chợ bán.

Tuy nhiên một người bán bánh tiết lộ chẳng ai ăn bánh bùn vì thích hương vị cả. Họ chỉ ăn vì lý do bất đắc dĩ khi không đủ tiền mua các loại thực phẩm, dù là rẻ nhất.

Vào những năm 2007, 2008, giá dầu thế giới tăng cao khiến giá lương thực ở Haiti cũng tăng theo. Vì Haiti gần như dựa chủ yếu vào việc nhập khẩu lương thực nên điều này đã tác động mạnh đến cuộc sống người dân.

Trong khi đó cơ sở hạ tầng vùng nông thôn của Haiti thiếu sự đầu tư, chưa kể việc chặt phá và đốt rừng làm nông và lấy than khiến đất đai trở nên khô cằn, gần như không thể dùng để trồng trọt. Bão lũ dẫn đến mất mùa càng khiến người dân Haiti rơi vào sự cùng cực. Vào năm 2008, bánh bùn là lựa chọn duy nhất của họ.

Trận động đất kinh khủng xảy ra vào năm 2010 cướp đi mạng sống của hơn 200.000 người, phá hủy nhà của hơn 1 triệu người và xóa sổ các nhóm viện trợ khẩn cấp thức ăn cấp cứu. Vì vậy, những chiếc bánh bẩn tiếp tục là nguồn sống chính, tồn tại trong thực đơn hàng ngày của người dân Haiti.

Những người sống sót trong trận động đất, đặc biệt là phụ nữ mang thai và trẻ em chỉ có thể lựa chọn cách chuyển sang dùng bánh bùn để chống lại cơn đói và tăng lượng canxi.

Chú thích ảnh

Theo các nhà nghiên cứu, con người đã ăn một số loại đất sét từ nhiều thế kỷ. Nhưng các bác sĩ cảnh báo đất làm nên bánh bùn có thể chứa ký sinh trùng và những độc tố chết người, dẫn đến sâu răng, táo bón cũng như nhiều bệnh nguy hiểm khác. Bên cạnh đó, bánh bùn chứa ít vitamin và giá trị dinh dưỡng rất thấp nên nếu coi đây là nguồn lương thực chính thì sẽ làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng.

Hơn 10 năm đã trôi qua song tình hình kinh tế ở Haiti vẫn chưa có nhiều cải thiện. Dư âm của động đất, hạn hán vẫn còn hiển hiện rõ trên đất nước này. Đồng tiền mất giá, giá lương thực nhập khẩu leo thang khiến cho tình trạng ăn bánh bùn ở nước này vẫn tiếp tục diễn ra.
"Thực phẩm không đến được với tất cả người dân, và vẫn có người không nhận được đủ sự trợ giúp ở Haiti, điều này là chắc chắn", ông Patrick McCormick, phát ngôn viên quỹ Trẻ em Liên Hiệp Quốc cho biết.

Với vụ việc Tổng thống Haiti và phu nhân bị ám sát tại nhà riêng, người ta lo ngại rằng, tình hình ở Haiti sẽ càng thêm bất ổn. Cuộc sống người dân vì thế cũng càng điêu đứng hơn.

Minh Hoa (t/h)