Góc nhìn luật gia

Nước sạch Sông Đà nhiễm bẩn: Cần khởi tố thêm vụ án để làm rõ trách nhiệm những người liên quan?

Xung quanh vụ nước sạch Sông Đà nhiễm bẩn, theo ý kiến của ĐBQH và luật sư thì ngoài vụ án “Gây ô nhiễm môi trường”, cơ quan công an có thể khởi tố thêm vụ án khác để làm rõ trách nhiệm của những người liên quan.

Pháp nhân cũng có thể bị xử lý hình sự

Liên quan vụ nước sạch Sông Đà nhiễm bẩn, Công an Hòa Bình đã khởi tố vụ án “Gây ô nhiễm môi trường” và bắt giữ các đối tượng liên quan.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần xem xét, khởi tố vụ án liên quan đến trách nhiệm của công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà (VIWASUPCO).

Xung quanh vấn đề này, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ĐBQH Bùi Văn Xuyền, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: “Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Đây là dịch vụ công.

Giữa người dân và doanh nghiệp có hợp đồng cung cấp nước. Trên cơ sở hợp đó để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên.

Khi xảy ra hậu quả phải xác định trách nhiệm của bên nào? Nếu trách nhiệm của bên cấp nước bên cấp nước phải có động thái để khắc phục hậu quả.

Thứ hai, nếu doanh nghiệp gây ra thiệt hại, xác định thiệt hại là bao nhiêu, gồm những gì… trên cơ sở đó thì phải tính đến chuyện bồi thường dân sự.

Nếu người dân và bên cung cấp nước hòa giải được với nhau thì không phải ra tòa. Còn nếu 2 bên không thống nhất được người dân có quyền khởi kiện ra tòa, yêu cầu doanh nghiệp phải bồi thường. Trong đó, phải tính đến thiệt hại về mặt sức khỏe, thiệt hại về tài sản”.

ĐBQH Bùi Văn Xuyền.

Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phân tích: “Trong hợp đồng là nước sạch mà doanh nghiệp lại cung cấp nước không đảm bảo chất lượng thì phải chịu trách nhiệm về việc vi phạm này.

Cần xác định người dân đã dùng “nước nhiễm bẩn” trong bao nhiêu ngày, hậu quả xảy ra, tổn hại sức khỏe như thế nào… để tính toán bồi thường dân sự.

Thậm chí, nếu hậu quả nghiêm trọng, có hành vi vi phạm, đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự phải khởi tố, truy tố”.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền nêu quan điểm: “Ví dụ, trong vụ “nước sạch Sông Đà nhiễm bẩn”, khi đủ căn cứ có thể khởi tố ở phía công ty cung cấp nước, nếu công ty thiếu trách nhiệm, gian dối, không báo cáo để gây ra thiệt hại rất lớn đối với sức khỏe của người dân. Ở góc độ này là hình sự chứ không thể nói câu chuyện chỉ có dân sự.

Dân sự là trách nhiệm bồi thường, 2 bên thỏa thuận với nhau. Nhưng hậu quả xảy ra lớn, nếu công ty thiếu trách nhiệm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe của người dân cũng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đơn vị cung cấp nước sạch nhiễm bẩn.

Theo Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017 pháp nhân cũng có thể bị xử lý hình sự. Đây là điểm mới so với Bộ luật Hình sự trước kia”.   

Nguồn nước của công ty CP kinh doanh nước sạch Sông Đà bị phát hiện nhiễm dầu thải.

Có dấu hiệu của 2 tội danh

Cũng liên quan đến vụ “nước sạch Sông Đà nhiễm bẩn”, luật sư Giang Hồng Thanh (đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: “Theo thông tin trên báo chí đăng tải, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết công ty CP kinh doanh nước sạch Sông Đà phát hiện việc đổ trộm dầu thải từ ngày 8/10 nhưng không báo cáo ai, cũng không có hành động gì liên quan để ngăn chặn số dầu này, cứ để trôi vào nhà máy, dẫn đến nhiễm vào nguồn nước.

Ngoài ra, ông Chung cũng cho biết thành phố Hà Nội đã làm việc với VIWASUPCO và yêu cầu xúc xả toàn bộ nguồn nước ở các chung cư, trạm nước, chi phí do phía công ty chịu.

Với những thông tin bước đầu như vậy, tôi cho rằng hành vi của người có thẩm quyền thuộc VIWASUPCO có dấu hiệu của tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 360 Bộ luật Hình sự hoặc tội Vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo Điều 237 Bộ luật Hình sự”.

Luật sư Giang Hồng Thanh.

Từ lập luận trên, luật sư Giang Hồng Thanh nhấn mạnh: “Về phía người dân sử dụng nước ô nhiễm do VIWASUPCO cung cấp, họ hoàn toàn có thể khởi kiện VIWASUPCO để yêu cầu công ty này bồi thường những thiệt hại mà họ phải gánh chịu do sử dụng nước ô nhiễm gây ra”.

Phân tích dưới góc độ pháp lý, ông Thanh nói: “Khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự quy định về Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau: “1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.

Theo luật sư Giang Hồng Thanh, trong vụ việc này, rõ ràng sức khỏe, tài sản, quyền lợi hợp pháp của người dân đã bị xâm phạm do sử dụng nước máy bị ô nhiễm.

Vì vậy, họ có quyền khởi kiện VIWASUPCO là đơn vị cung cấp loại dịch vụ, hàng hóa này. Tuy nhiên, người dân cần phải chứng minh những thiệt hại cụ thể đối với mình, ví dụ như chi phí phải bỏ ra để mua nước sạch sử dụng, hoặc chi phí khám chữa bệnh phát sinh do sử dụng nước ô nhiễm...