Thế giới

Nước Đức đóng cửa một nửa số nhà máy hạt nhân vào ngày cuối cùng năm 2021

Việc ngừng hoạt động tất cả các nhà máy hạt nhân tại Đức trong năm tới sẽ không ảnh hưởng đến mục tiêu “trung hòa về khí hậu” vào năm 2045 của nước này. 

Vào ngày cuối cùng của năm 2021, nước Đức đã đóng cửa 3 trong số 6 nhà máy hạt nhân đang hoạt động tại nước này.

Ba lò phản ứng này đã hoạt động từ giữa những năm 1980, cùng cung cấp điện cho hàng triệu hộ gia đình Đức trong gần 40 năm qua. Ba nhà máy đóng cửa là Brokdorf (nằm cách Hamburg khoảng 40 km về phía tây bắc), Grohnde (cách Hannover khoảng 40 km về phía nam) và Grundremmingen (cách Munich 80 km về phía tây).

Berlin đang có kế hoạch ngừng hoạt động hoàn toàn năng lượng nguyên tử đã kéo dài hàng thập kỷ vào cuối năm 2022, khi 3 nhà máy cuối cùng ở Neckarwestheim, Essenbach và Emsland đóng cửa.

Sau khi đóng cửa, Công ty sản xuất điện RWE cho biết hơn 2/3 trong số 600 công nhân tại nhà máy điện hạt nhân Gundremmingen của họ sẽ tiếp tục duy trì một số hoạt động cho đến những năm 2030. Các công ty điện hạt nhân của Đức sẽ nhận được gần 3 tỷ USD cho việc đóng cửa sớm các nhà máy.

Chân dung của 31 chính trị gia Đức được chiếu lên tháp làm mát của nhà máy điện than nâu Neurath ở Grevenbroich, ngày 23/7/2021. Ảnh: AFP.

Quyết định loại bỏ dần điện hạt nhân và chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo được khởi xướng lần đầu tiên bởi chính phủ của cựu Thủ tướng Gerhard Schroeder vào năm 2002. Cựu Thủ tướng Angela Merkel cũng đề ra việc loại bỏ hoàn toàn năng lượng nguyên tử sau thảm họa hạt nhân Fukushima tại Nhật Bản năm 2011.

Một số người ở Đức đã kêu gọi xem xét lại quyết định chấm dứt sử dụng năng lượng hạt nhân vì các nhà máy điện hoạt động phát thải tương đối ít khí cacbonic. Những người ủng hộ năng lượng nguyên tử cho rằng các nhà máy có thể giúp Đức đạt được các mục tiêu khí hậu để giảm phát thải khí nhà kính.

Nhưng chính phủ Đức mới đây đã khẳng định việc ngừng hoạt động tất cả các nhà máy hạt nhân vào năm 2022 và tiến tới loại bỏ dần việc sử dụng than vào năm 2030 sẽ không ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của đất nước cũng như việc nước này đạt được mục tiêu “trung hòa về khí hậu” vào năm 2045. 

Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức Robert Habeck cho biết nước Đức sẽ “gia tăng năng lượng tái tạo và thúc đẩy việc mở rộng lưới điện”.

Ông Steffi Lemke, Bộ trưởng Môi trường Đức, đã chia sẻ với nhóm truyền thông Funke trong tuần này: “Các nhà máy điện hạt nhân có nguy cơ tạo ra chất thải có tính phóng xạ cao". Quyết định cuối cùng về địa điểm lưu trữ hàng chục nghìn tấn chất thải hạt nhân được sản xuất trong các nhà máy điện của Đức vẫn chưa được đưa ra. Các chuyên gia cho biết một số chất vẫn tồn tại phóng xạ nguy hiểm kéo dài qua hàng 35.000 thế hệ.

Hà Thanh (theo RT, Aljazeera)