Hồ sơ doanh nghiệp

Nước cờ tài chính của Bamboo Capital

Việc đầu tư vào các công ty và tổ chức tài chính của BCG là phương án sử dụng vốn tốt hơn do dịch Covid-19 đã làm chậm đầu tư bất động sản, năng lượng tái tạo...

Chính thức gia nhập vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm vào năm 2021, Công ty Cổ phần Bamboo Capital (HoSE: BCG) ngày càng mở rộng trong lĩnh vực này với nhiều thương vụ đình đám như BCG Financial, Bảo hiểm AAA, rót gần 1.000 tỷ đồng cho TPBank và mới đây nhất là đưa nhân sự cấp cao vào Eximbank. 

"Tay chơi" mới nổi ngành tài chính

Bamboo Capital từng cho biết tài chính sẽ là mảng kinh doanh chiến lược thứ 5 của doanh nghiệp này, song song với 4 mảng là sản xuất, xây dựng, bất động sản và năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, phải đến tháng 8/2021, doanh nghiệp mới có động thái đầu tiên để gia nhập ngành này.

Đó thương vụ góp vốn thành lập Công ty Cổ phần BCG Financial, trong đó vốn góp của Bamboo Capital là 320 tỷ đồng, tương ứng 80% vốn, vốn điều lệ của BCG Financial là 400 tỷ đồng.

Đến cuối tháng 8, Chứng khoán Thủ Đô (CASC) cũng trở thành "mảnh ghép" với Bamboo Capital khi Bamboo Financial Corp (BFC) - thành viên của Bamboo Capital thông báo hoàn tất việc nhận chuyển nhương 6 triệu cổ phần, tương đương với 20% vốn điều lệ của CASC.

Chứng khoán Thủ Đô (CASC) trở thành "mảnh ghép" của Bamboo Capital trong năm 2021.

Tới tháng 9/2021, Bamboo Capital tiếp tục gây xôn xao khi tham gia góp vốn vào Công ty Cổ phần Bảo hiểm AAA - trước kia được sự vận hành bởi Tập đoàn IAG Insurance của Úc, với tỉ lệ 71% vốn. Ngoài ra, BCG Financial nắm giữ 10,8 triệu cổ phần của Bảo hiểm AAA, tương đương sở hữu 9,64% vốn điều lệ. Đến nay, mảng kinh doanh gốc của công ty bảo hiểm này vẫn chưa tạo ra lợi nhuận dù theo kế hoạch tái cơ cấu trong 3 năm, mục tiêu doanh thu của AAA sẽ đạt 2.000 tỷ đồng vào năm 2024 và IPO đơn vị này.

Nếu như trong thương vụ Eximbank gần đây, Bamboo Capital không hiện diện trực tiếp mà chỉ thông qua các bên liên quan thì nhóm này đã trực tiếp tham gia mua cổ phần phát hành riêng lẻ của TPBank.

Tháng 9/2021, Bamboo Capital và công ty con Tracodi đã mua vào 30 triệu cổ phiếu TPB, trong đó Tracodi mua 29 triệu cổ phiếu và Bamboo Capital mua 1 triệu cổ phiếu, tương ứng tổng tỉ lệ sở hữu là 2,56% cổ phần TPB.

Và mới đây, Bamboo Capital chính thức trở thành "tay chơi" trong cuộc xung đột thượng tầng hơn 2 năm qua tại Eximbank khi nhân sự cấp cao của Bamboo Capital trúng cử vào danh sách thành viên HĐQT của nhà băng này.

Theo đó, ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital được đề cử vào ban quản trị của Eximbank bởi nhóm cổ đông bao gồm ông Nguyễn Hồ Nam (Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital), bà Lê Thị Mai Loan, Công ty Cổ phần Thắng Phương, Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch Helios. Ngoài ra, nhóm cổ đông còn thành công đề cử trưởng Ban kiểm soát nhiệm kỳ VII (2020-2025) là ông Ngô Tony.

Nhân sự cấp cao của Bamboo Capital đã trúng cử vào danh sách thành viên HĐQT của Eximbank trong cuộc họp mới đây.

Ông Phạm Minh Tuấn - Phó Chủ tịch kiêm Phó Tổng Giám đốc điều hành Bamboo Capital trong buổi chia sẻ mới đây với các nhà đầu tư đã cho biết, việc sở hữu cổ phiếu Eximbank là bước đi đầu tiên, Bamboo Capital mong muốn có sự đóng góp tích cực vào sự phát triển, mở rộng của ngân hàng này thời gian tới.

"Riêng về ngành tài chính, ban lãnh đạo Bamboo Capital cũng có kinh nghiệm trên thị trường nhiều năm liền. Và đây cũng là bước đi tất yếu để hoàn thiện hệ sinh thái đa ngành, đồng thời cũng hỗ trợ cho việc huy động vốn của BCG thời gian tới, khi mà hiện tại, đa số các ngành lõi của Bamboo Capital đều là ngành có mức thâm dụng vốn cao" - ông Tuấn nói thêm.

Phó Chủ tịch Bamboo Capital cũng khẳng định, dù phát triển đa ngành, Bamboo Capital tự tin có khả năng kiểm soát rủi ro và nhận định được cơ hội thị trường trong những lĩnh vực tập đoàn đã và đang nắm rất rõ.

Liên tục mở rộng quy mô kinh doanh

Bamboo Capital tiền thân là Công ty Thủ Phủ Tre, thành lập năm 2015 với vốn điều lệ khi ấy vỏn vẹn 43 tỷ đồng bởi ông Nguyễn Hồ Nam - một nhân vật có tiếng trong giới tài chính cùng các cộng sự lâu năm. Ông Nam từng làm Tổng Giám đốc Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín đến năm 2011. Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital cũng từng là Tổng Giám đốc công ty chứng khoán này đến năm 2012.

Ngay trong năm 2015, Bamboo Capital niêm yết trên sàn chứng khoán với mã BCG. 

Cũng trong năm 2015, doanh nghiệp này thâu tóm thành công 68% cổ phần Công ty Tracodi từ Nhà nước, đưa công ty thành viên này lên sàn chứng khoán với mã TCD. Đây là công ty lớn trong lĩnh vực logistics, có quỹ đất đẹp ở miền Nam với tổng tài sản tính đến hết năm 2021 là hơn 5.776 tỷ đồng.

Bamboo Capital thành lập năm 2015 với vốn điều lệ 43 tỷ đồng bởi ông Nguyễn Hồ Nam và các cộng sự lâu năm.

Doanh nghiệp này sau đó liên tiếp thực hiện chính sách M&A (sáp nhật và mua lại) để mở rộng hệ sinh thái đa ngành vào các lĩnh vực. Bamboo Capital được ví như "Thánh Gióng" vì tiềm lực mở rộng mỗi ngày với với 4 trụ cột kinh doanh chính là sản xuất, xây dựng, bất động sản và năng lượng tái tạo. Gần đây tập đoàn đang mở rộng ra mảng thứ 5 là ngành tài chính.

Một số công ty thành viên quan trọng của tập đoàn có thể kể đến như Tracodi, Phát triển Nguyễn Hoàng, Bảo hiểm AAA, BCG Land, BCG Energy, Vinahud... đang nắm giữ hàng loạt dự án tiêu biểu như King Crown Village, Casa Marina Mũi Né, Vinacafe Đà Lạt, Malibu Hội An, Điện gió Khai Long 1... Bamboo Capital hiện có hệ sinh thái hơn 77 công ty thành viên và khoảng hơn 2.000 nhân sự.

Mảng tài chính hỗ trợ 4 mảng còn lại

Trước câu hỏi cổ đông đặt ra liên quan đến việc Bamboo Capital đang mở rộng nhiều mảng, vậy mảng nào là trọng điểm trong tương lai, ông Phạm Minh Tuấn cho biết: "Chiến lược của tập đoàn là trở thành đơn vị hàng đầu về năng lượng tái tạo. Về dài hạn, Bamboo Capital tập trung vào mảng năng lượng tái tạo, đầu tư cơ sở hạ tầng" - ông nói.

Theo ông Tuấn, bất động sản đầu tư dựa trên các cơ hội trên thị trường, Bamboo Capital biến nó thành mảng đem lại lợi nhuận cao do khả năng quản lý và phát triển dự án. Bamboo Capital giữ vững phát triển mảng sản xuất vì lĩnh vực này đã đi vào ổn định, không cần nhiều nguồn lực để phát triển.

"Mảng dịch vụ tài chính sẽ hỗ trợ phát triển các mảng trên" - ông Tuấn nói. 

2021 cũng là năm kinh doanh thành công của Bamboo Capital khi lãi lớn. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn gặp vấn đề lớn với dòng tiền khi lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tiếp tục âm nặng 9.315 tỷ đồng.

Để bù đắp sự thiếu hụt này, Bamboo Capital phải tìm kiếm dòng tiền từ hoạt động tài chính trong đó đi vay là chủ yếu. Thời điểm cuối năm 2021, nợ vay của công ty đã tăng đến 8.591 tỷ đồng so với đầu kỳ lên mức 13.171 tỷ đồng. Trong đó, nợ dài hạn tăng đến gần 10.000 tỷ đồng còn nợ ngắn hạn chỉ giảm khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, tất cả nợ vay đều là nợ vay tại các công ty dự án mang tính chất dài hạn. "Đa phần nợ có lãi suất cố định 1-2 năm trong thời gian xây dựng, đến khi vận hành sẽ thành lãi thả nổi" - ông nói. Bamboo Capital có phương án trả nợ, các khoản nợ đều dùng để đầu tư vào các dự án cụ thể, và về dài hạn cũng đặt chủ trương phải giảm tỉ lệ này để đạt mức phát triển bền vững.

Tham vọng tăng vốn lên 10.000 tỷ đồng

Chiến lược của doanh nghiệp này là trở thành đơn vị hàng đầu về năng lượng tái tạo, tuy nhiên, mảng tài chính lại đang được Bamboo Capital đẩy mạnh. Nhiều cổ đông đặt câu hỏi tại sao không rút khoản đầu tư tài chính trong năm 2021 để phục vụ cho mảng năng lượng, thay vì đi phát hành cổ phiếu cũng như trái phiếu.

Ông Phạm Minh Tuấn cho biết, trong năm 2021, thời điểm đại dịch làm chậm lại nhiều hoạt động kinh tế, Bamboo Capital đã có phương án sử dụng vốn đã huy động một cách hợp lý và tạo ra lợi nhuận.

"Việc đầu tư vào các công ty và tổ chức tài chính là phương án sử dụng vốn tốt hơn do dịch làm chậm đầu tư bất động sản, năng lượng tái tạo, cũng chưa có chính sách giá cụ thể nên phải đầu tư chậm mà chắc" - ông Tuấn nói.

Ông Phạm Minh Tuấn - Phó Chủ tịch kiêm Phó Tổng Giám đốc điều hành Bamboo Capital.

Có thể nói, những động thái lấn sân mảng tài chính trong năm vừa rồi cho thấy Bamboo Capital đang dần ghi dấu trở thành một "tay chơi" mới nổi trong lĩnh vực này. Mới đây, doanh nghiệp cũng vừa thông qua Nghị quyết triển khai phương án chào bán 60 triệu cổ phiếu riêng lẻ tăng vốn điều lệ. Thời gian thực hiện dự kiến vào quý I hoặc quý II/2022, sau khi được Ủy ban Chứng khoán nhà nước chấp thuận.

Nếu đợt phát hành thành công, BCG sẽ thu về 1.200 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ của doanh nghiệp từ hơn 4.400 tỷ lên hơn 5.600 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đây chưa phải con số lớn nhất bởi theo chia sẻ của lãnh đạo Bamboo Capital hồi đầu năm, doanh nghiệp này tham vọng đẩy vốn điều lệ lên con số 10.000 tỷ đồng. Ngoài ra, theo kế hoạch 5 năm, Bamboo Capital kỳ vọng cổ phiếu tham gia vào rổ VN30, giai đoạn 2023-2024.