Tiêu điểm thế giới

"Nước cờ sai" của ông Trump giúp Trung Quốc "vĩ đại trở lại"?

Quan điểm “một mình một phách” của chính quyền Trump đang giúp Bắc Kinh lấp đầy khoảng trống quyền lực và chiếm giữ vị trí ảnh hưởng số một trên toàn cầu của Mỹ.

Trung Quốc đang cải thiện hình ảnh sau những chỉ trích liên quan đến Covid-19.

Vào đầu tháng 10, Trung Quốc đã chính thức tham gia sáng kiến COVAX cuả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để sản xuất và phân phối vắc xin Covid-19 trên toàn thế giới. Sáng kiến ​​này là một phần trong giải pháp của WHO nhằm ngăn chặn đại dịch và phân phối vắc xin trên toàn cầu.

Khoảng 172 quốc gia hiện đang hợp tác trong sáng kiến ​​COVAX, và Trung Quốc hiện đóng vai trò ảnh hưởng nhất trong nhóm. Điều đáng chú ý là Mỹ - siêu cường hàng đầu thế giới - lại thiếu vắng trong nỗ lực quốc tế quan trọng này. Mỹ đã từ chối tham gia COVAX do Tổng thống Donald Trump có quan điểm không coi trọng các tổ chức đa phương và các nỗ lực hợp tác quốc tế.

 

Theo đánh giá của National Interest, quan điểm “một mình một phách” của chính quyền Trump đang giúp Bắc Kinh lấp đầy khoảng trống quyền lực và chiếm giữ vị trí ảnh hưởng số một trên toàn cầu của Mỹ. Bên cạnh đó, đối với Bắc Kinh, đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19 là một bước đi lý tưởng để cải thiện hình ảnh của nước này do bị chỉ trích là nguồn lây lan dịch bệnh.

Uy tín của Trung Quốc đã giảm sút nghiêm trọng thời gian qua khi một cuộc khảo sát gần đây do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện cho thấy cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc ở nhiều quốc gia. Cuộc khủng hoảng dịch bệnh do Covid-19 gây ra đã tàn phá các nền kinh tế thế giới và khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng. Trên khắp thế giới, có nhiều nơi đã bày tỏ sự giận dữ đối với Trung Quốc, bất chấp việc quốc gia này có đáng trách hay không vẫn còn là điều chưa rõ ràng.

Quan điểm tiêu cực này đối với Trung Quốc đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các dự án trong sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) trị giá hàng nghìn tỷ USD đầy tham vọng, dẫn đến hậu quả không nhỏ về kinh tế. Bằng cách đóng góp vào sáng kiến ​​COVAX cùng với nỗ lực “ngoại giao khẩu trang”, Bắc Kinh đặt mục tiêu quảng bá hình ảnh của mình như một “nhà lãnh đạo toàn cầu có trách nhiệm”.

Bắc Kinh tiếp tục vận chuyển vật tư y tế, máy thở và khẩu trang cho các nước đang chống chọi với đại dịch. Với chiến lược này, Trung Quốc sẽ phần nào làm mờ đi hình ảnh tiêu cực và giảm nhẹ ảnh hưởng địa chính trị đối với 2.600 dự án lớn trong BRI. Ở thời điểm hiện tại, mục tiêu của Trung Quốc là lấy lại hình ảnh của mình, nhưng mục tiêu cuối cùng của Bắc Kinh vẫn là trở thành quốc gia định hình quy tắc trong trật tự toàn cầu.

Giới phân tích Mỹ cho rằng, các chính sách của chính quyền Trump đã tạo điều kiện thuận lợi cho Bắc Kinh trong sứ mệnh cải thiện hình ảnh của mình. Sự vắng mặt của Mỹ trong các nỗ lực cứu trợ dịch bệnh quốc tế đã cho phép Trung Quốc nắm vai trò chủ đạo trong sáng kiến ​​COVAX.

Cuộc khủng hoảng này cũng đã đặt ra câu hỏi về khả năng lãnh đạo của các nước trong tương lai. Rõ ràng là việc phát triển và phân phối vắc xin Covid-19 sẽ là thách thức toàn cầu xác định trong vài năm tới. Chính vì vậy, nước nào có vai trò lãnh đạo trong kế hoạch giải quyết đại dịch sẽ nổi lên như một quyền lực thống trị trong thế giới hậu Covid-19. Hiện tại, Trung Quốc đang dẫn đầu nỗ lực toàn cầu trong việc hỗ trợ và giúp đỡ nghiên cứu, trong khi Mỹ vẫn bị phân tâm bởi chính trị trong nước rối loạn và phân cực.

Khi đề cập đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng Covid-19, chính quyền Trump đã quyết định thực hiện phương pháp “sói đơn độc”, bỏ qua thực tế rằng đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm sẽ đe dọa lợi ích quốc gia của Mỹ và sức khỏe toàn cầu.

Các chính quyền của Mỹ trước đây thường nhanh chóng nhận ra những nguy cơ khó lường của dịch bệnh và hợp tác với các tổ chức quốc tế để nỗ lực ứng phó kịp thời.

Trong lịch sử, Mỹ đã coi các tình huống đó là cơ hội để chứng tỏ khả năng lãnh đạo, sử dụng năng lực khoa học, sức mạnh quân sự và sức mạnh kinh tế của mình để củng cố quan hệ vững chãi với đồng minh và gửi tín hiệu tới các đối thủ.

Mỹ là một trong những quốc gia ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh.

Nếu không có những nỗ lực của Mỹ, các cuộc khủng hoảng y tế trong quá khứ như MERS, SARS, virus Zika và virus Ebola sẽ dẫn đến những thảm họa lớn. Tuy nhiên, vào đầu tháng 5, Mỹ đã bắt tay vào chiến dịch bảo đảm vắc xin Covid-19 cho người Mỹ càng sớm càng tốt nhưng tránh mọi nỗ lực hợp tác quốc tế. Thậm chí, để cho vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn, Mỹ còn xúc tiếc việc rút khỏi WHO vào tháng 7/2020, một động thái đi ngược hoàn toàn khi so sánh với những nỗ lực hợp tác trước đây của Mỹ trong các thảm họa toàn cầu.

Hiện tại, dịch bệnh đã bộc lộ thêm các đường đứt gãy trong trật tự quốc tế đã có từ trước. Cách tiếp cận “sói đơn độc” đã làm giảm ảnh hưởng địa chính trị của Mỹ trong quan hệ quốc tế.

Uy tín của Mỹ đã giảm sút trong việc xử lý đại dịch với các đồng minh chủ chốt; vì vậy, các nền kinh tế tiên tiến hiện nay chỉ trích Mỹ nhiều hơn Trung Quốc. Trong khi đó, hầu hết người châu Âu hiện coi Trung Quốc là nền kinh tế hàng đầu toàn cầu chứ không phải Mỹ.

Nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà phát triển và dữ liệu gần đây cho thấy, nền kinh tế nước này đã tăng trưởng 4,9% trong quý III. Trung Quốc đang vươn lên từ vị thế đang suy giảm của Mỹ và đang cố gắng chứng minh vai trò lãnh đạo của mình bằng cách thể hiện rõ rệt hơn trên trường quốc tế. Tờ National Interest nhận định, các chính sách đối nội và đối ngoại thất bại của Tổng thống Trump đã giúp “Trung Quốc vĩ đại trở lại”.

Chính quyền mới nên làm gì?

Để mọi thứ khác đi, chính quyền tiếp theo dù là Tổng thống Trump hay Joe Biden cần phải có một cách tiếp cận khác biệt và mạnh mẽ đối với cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Một đại dịch đòi hỏi sự phản ứng của quốc gia và quốc tế dưới sự lãnh đạo quyết liệt để hướng tới mục đích chung là đánh bại Covid-19. Phản ứng đại dịch theo cách đơn độc như ông Trump được cho là sẽ làm suy yếu nỗ lực của các nhà khoa học và quan chức đang đấu tranh để ngăn chặn dịch bệnh. Ngoài ra, Mỹ cần hiểu rằng, họ không thể đơn độc trong mục tiêu ngăn chặn virus xâm nhập vào đất nước và Mỹ không thể xây dựng một bức tường chống lại bệnh truyền nhiễm.

Để đưa nước Mỹ trở lại dẫn đầu trong trật tự quốc tế, chính quyền mới cần thực hiện ba mục tiêu. Thứ nhất, củng cố vị thế của Mỹ bằng cách tham gia trở lại WHO và sáng kiến ​​COVAX. Thứ hai, bổ nhiệm lãnh đạo y tế có năng lực và uy tín để thiết kế các chiến lược phân phối vắc xin toàn cầu và các phương pháp điều trị liên quan. Cuối cùng, chính quyền mới phải nghĩ xa hơn tầm nhìn trong nước để hướng tới tập thể nhân loại trong mục tiêu chống lại dịch bệnh và cứu vãn danh tiếng đang giảm sút của Mỹ. Mỹ vẫn là cường quốc nghiên cứu và phát triển khoa học, chính vì vậy Washington có thể sử dụng các công cụ quyền lực mềm để nâng cao danh tiếng và làm mới các cam kết toàn cầu.

Hiện tại, Bắc Kinh đang âm thầm tận dụng các chính sách biệt lập của Mỹ và đang nâng cao hình ảnh của mình với tư cách là nhà lãnh đạo toàn cầu tiếp theo. Cho dù đó là ông Joe Biden hay nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump, trọng tâm tiếp theo của chính quyền mới là cần nâng cao uy tín của Mỹ bằng cách làm việc với các đồng minh trong việc đối đầu với đại dịch. Trong ba năm qua, công chúng Mỹ đã thấy rằng chính sách “nước Mỹ trên hết đã khiến nước Mỹ trở nên đơn độc” và đại dịch không thể được kiểm soát nếu không có sự hợp tác và phối hợp toàn cầu.