An ninh - Hình sự

Nữ thầy bói giả danh cán bộ ngân hàng lừa đảo gần nửa tỷ đồng

Mượn danh cán bộ ngân hàng, Dũng đã thành công thuyết phục chị M. mua cổ phiếu giá rẻ với tổng số tiền là hơn 400 triệu đồng.

Ngày 3/11, Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa, Hà Nội cho biết đang tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Ngọc Dung, SN 1986, trú tại Huỳnh Thúc Kháng, quận Ninh Kiều, Cần Thơ, (tên giả Trần Ngọc Dương Minh) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo tài liệu điều tra, tháng 4/2020, qua mạng xã hội, chị Vũ M., ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội quen biết Nguyễn Ngọc Dung - người bán đồ phong thủy và xem bói. Lúc này, Dung tự lấy tên là Trần Ngọc Dương Minh để giao dịch với chị M.. Nhiều lần thấy được “thầy” Minh xem bói đúng nên chị M. tin tưởng, tâm sự với Minh nhiều hơn.

Nữ thầy bói cũng tự xưng là nhân viên một ngân hàng có chi nhánh Tp.HCM và rủ chị M. mua cổ phiếu nội bộ giá rẻ, sau 1 tuần sẽ được hưởng lợi nhuận cao gấp 5 lần… Một phần do tin Minh, phần khác do đang cần tiền trả nợ nên chị M. đã đồng ý với phi vụ làm ăn này.

Số giấy tờ giả được nữ thầy bói sử dụng để đi lừa đảo. Ảnh: An ninh thủ đô. 

Ngày 14/7/2020, chị M. chuyển cho Minh 23 triệu đồng để mua cổ phiếu. Lúc này, nữ thầy bói trong vai nhân viên ngân hàng tiếp tục “rót mật vào tai” chị M., rủ mua nhiều cổ phiếu để hưởng lợi nhuận nhiều hơn và số cổ phiếu này chỉ bán trong thời gian ngắn, thời cơ “ngàn năm có một”.

Chị M. đã chuyển cho Minh tổng số hơn 400 triệu đồng để chớp thời cơ mua cổ phiếu. Tuy nhiên, sau 1 tuần khi chuyển tiền cho nữ thầy bói, chị M. không nhận được tiền lãi. Nhiều lần liên hệ với Minh thì người này viện đủ các lý do để trì hoãn không chuyển tiền. Tháng 6/2021, chị M. gửi đơn trình báo đến cơ quan công an tố cáo Trần Ngọc Dương Minh về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngày 28/10/2021, Nguyễn Ngọc Dung (tức Trần Ngọc Dương Minh) đến cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa đầu thú về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tại cơ quan công an, Nguyễn Ngọc Dung khai vào năm 2016, Dung mất chứng minh nhân dân nên không làm được thẻ ngân hàng. Đến năm 2018, do có nhu cầu sử dụng thẻ ngân hàng nên Dung lên mạng đặt mua 1 giấy chứng minh nhân dân giả mang tên Trần Ngọc Dương Minh với giá 1,5 triệu đồng. Sau đó, Dung mang chứng minh thư giả đi làm thẻ ngân hàng tại Ngân hàng Vietcombank.

Đồng thời, người phụ nữ này lập 1 tài khoản facebook tên Trần Ngọc Dương Minh và đăng các bài viết với nội dung có khả năng xem bói. Và chị M. là một trong số những người đã liên hệ với Dung để xem bói bài. Biết chị M. đang gặp khó khăn tài chính cần 500 triệu đồng nên Dung đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tiền bằng hình thức rủ mua cổ phiếu nội bộ giá rẻ, và chiếm đoạt của chị M. hơn 400 triệu đồng. Số tiền này, Dung đã dùng để chi tiêu cá nhân hết.

Công an quận Đống Đa đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ việc theo quy định.

Trước đó vào trung tuần tháng 7, người dân tỉnh Thái Bình cũng không khỏi xôn xao trước vụ việc một người phụ nữ bị thầy bói lừa cả tình lẫn tiền suốt 5 năm qua mà không hề hay biết. 

Theo đó, từ khoảng năm 2016 đến nay, thấy chị T.T.T.H., 39 tuổi, ở xã Bình Nguyên, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình rất tin vào bói toán, Vũ Đức Hiệp 38 tuổi, trú tại thôn Luật Nội Tây, xã Quang Lịch, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đã tiếp cận làm quen, sau đó tự tạo ra một nhân vật ảo là “bà Lan thầy bói” xem bói rất đúng và nổi tiếng và giới thiệu với chị H.. 

Để thuyết phục chị H. tin vào thầy bói ảo này, Hiệp tìm hiểu hoàn cảnh của chị H. rồi mua sim rác, nhờ người giả làm “bà Lan thầy bói” nhắn tin, gọi điện phán “vanh vách” gia cảnh, tâm trạng của chị H. rồi vẽ ra chuyện bị vong nhập để yêu cầu chị này đưa tiền cho Hiệp làm các thủ tục đi lễ, lễ tạ, đuổi “vong nhập”.

Kết quả, chị H. đã nhiều lần đưa tiền cho Hiệp. Số tiền này được hắn tiêu xài, sử dụng vào mục đích cá nhân.

Thậm chí, Hiệp còn tạo dựng việc y và "bà Lan thầy bói" bị Công an Hà Nội điều tra, phải chi tiền cho công an để “moi tiền” của chị H. Tính đến tháng 7/2021, số tiền Hiệp đã chiếm đoạt của chị H. lên đến hàng tỷ đồng.

Không dừng ở chiếm đoạt tiền bạc, Hiệp còn lợi dụng việc chị H. nhẹ dạ cả tin, tình cảm gia đình lại trục trặc để dụ dỗ, lôi kéo bị hại vào vòng xoáy ái tình với mình. 

Trong quá trình lừa cả tình và tiền nêu trên, Hiệp cũng yêu cầu chị H. phải giữ kín bí mật, không được để người thân, gia đình biết chuyện.

Tuy nhiên, sau đó chị H. và gia đình đã phát sinh nghi ngờ, kiểm tra và phát hiện bị lừa nên đã trình báo cơ quan công an.

Tỉnh táo trước thủ đoạn lợi dụng tâm linh để lừa đảo 

Để không trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không tin vào những điều hoang đường, không cổ súy cho những hành vi cuồng tín, dị đoan, đặt niềm tin không đúng chỗ; góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lợi dụng yếu tố tâm linh để trục lợi, cơ quan chức năng phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ tác hại của các đạo lạ, hoạt động mê tín, dị đoan. Từ đó, huy động sự tham gia của cả cộng đồng xã hội trong công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng tiếp tục định hướng hoạt động tín ngưỡng, tâm linh của người dân theo đúng thuần phong mỹ tục của dân tộc và phù hợp với luật pháp. Khi phát hiện những trường hợp có dấu hiệu vi phạm, lừa đảo người dân cần kịp thời thông báo với cơ quan chức năng, không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Ðối với những đối tượng chủ mưu, cầm đầu các vụ việc vi phạm, cơ quan chức năng sẽ xử lý kiên quyết, kịp thời theo quy định của pháp luật, vạch trần bản chất của chúng trước nhân dân. Để không bị sa vào mê tín, dị đoan, mỗi người dân cần hiểu đúng về tâm linh, đặt niềm tin đúng chỗ và tự bảo vệ mình trước các hành vi trục lợi.

Han (tổng hợp)