Sự kiện

Nữ thẩm phán bị tạt a-xít quyết trở lại nghề

9 năm, 43 ca phẫu thuật vì bị tạt a-xít, nghị lực và niềm tin mãnh liệt đã giúp nữ thẩm phán Nguyễn Thị Kim Loan vượt qua gian nan, đau đớn để trở lại với nghề.

Tai họa bất ngờ

Buổi sáng năm 2005, tai họa bất ngờ ập xuống với nữ thẩm phán Nguyễn Thị Kim Loan. Bà bị một đối tượng tạt a-xít vì bức xúc với kết quả xét xử của toà về vụ án dân sự tranh chấp đất đai do bà làm chủ tọa.

Thời khắc bị ca a-xít giội thẳng vào người, bà Loan thấy mọi thứ như tối sầm lại, trời đất quay cuồng cùng những tiếng la hét thất thanh. Bà Loan nhanh chóng được đưa vào bệnh viện Xanh- Pôn.

Sau những cấp cứu ban đầu bà Loan tiếp tục được chuyển sang viện Bỏng Quốc gia trong tình trạng bị bỏng a-xít toàn bộ vùng mặt, cổ, ngực và tay. Bắt đầu từ đây cuộc sống của bà dường như gắn với giường bệnh.

Sau 61 ngày đêm điều trị tại viện Bỏng, những vết thương dần lành nhưng không chỉ gương mặt mà khắp thân thể bà bị biến dạng, chằng chịt những vết sẹo.

“Đó là chặng đầu tiên với 61 ngày điều trị trong tình trạng mắt không nhắm được, miệng không mở được, phải ăn qua ống xông. Ai cũng thất vọng, chỉ trừ tôi vẫn không tắt hi vọng”, bà Loan kể lại.

Bị bỏng sâu độ 4 và 5, tỉ lệ thương tật vĩnh viễn tới 64%, khuôn mặt thanh tú, trắng hồng của người phụ nữ bị thay bằng khuôn mặt nhăn nhúm, chằng chịt những vết bỏng. Mũi, tai, miệng, đôi mắt đều biến dạng.

Hành trình chiến đấu với nỗi đau

Khi được các bác sĩ cho biết chỉ giữ được đôi mắt nhưng bằng sự lạc quan, nữ thẩm phán bị tạt a-xít vẫn quyết tâm phải giữ được nhiều hơn thế. A-xít không chỉ hủy hoại khuôn mặt mà phần ngực của bà Loan cũng bị cháy xém. Năm 2006, bà Loan quyết định đến viện Bỏng Quốc gia để tiếp tục thực hiện phẫu thuật.

Nữ thẩm phán Nguyễn Thị Kim Loan trước khi bị tạt a-xit

Trong thời gian điều trị, các bác sĩ khuyên chồng bà về nhà đập hết gương đi nhằm mục đích cho bà không có những trăn trở về chuyện xấu - đẹp.

"Nhưng làm sao có thể đập hết được những chiếc gương đời? Mỗi người gặp, mỗi ánh mắt nhìn hàng ngày kia chẳng là một tấm gương sao? Đâu thể sống mà không ló mặt ra ngoài, không giao tiếp với ai, đấy là chưa kể đến những người thân yêu xung quanh", bà Loan nói.

Thời gian đầu điều trị, bà phải thực hiện ca mổ mắt mới có thể nhắm lại như bình thường. Sau đó, những cuộc hẹn của các bác sĩ vẫn tiếp tục được sắp xếp. Qua 9 năm, 43 ca phẫu thuật cứ lần lượt diễn ra tại Việt Nam và Singapore. Ca dài nhất mà bà Loan phải phải nằm bất động trên giường bệnh kéo dài tới 72 tiếng đồng hồ.

“Cuộc chiến” vẫn tiếp tục diễn ra, mỗi ngày bà Loan phải dành ra 10 tiếng để tập các động tác như nhăn nhó, cười, nhíu mày... Phần cổ ghép da cũng đang bị cứng cơ, bà Loan không thể quay đầu thoải mái như bao người.

Niềm tin và hi vọng luôn luôn tồn tại bên trong người phụ nữ can đảm, 9 năm điều trị bà chưa một lần rơi nước mắt vì đau hay tuyệt vọng. Tuy nhiên, một lần duy nhất bà đã khóc khi cô con gái nhỏ tuổi chưa hiểu hết được tai họa mà mẹ đang phải gánh chịu, vào viện mà không nhận ra mẹ.

"Vừa nhìn thấy tôi, con gái thứ hai khóc thét lên. Nó nói cô không phải mẹ Loan xinh đẹp của con. Vài phút sau khi bỏ chạy vào nhà vệ sinh, tôi tự trấn tĩnh, quay lại thủ thỉ nói chuyện để con gái nhận ra giọng mẹ", bà Loan nhớ lại.

Khát khao trở lại nghề

Sau khi những vết sẹo tạm lành, bà Loan đã đăng ký đi học thêm vào năm 2006. Xen kẽ giữa các đợt học, bà đặt lịch với bác sĩ để phẫu thuật, phẫu thuật xong bà lại về đi học. Khó khăn là vậy, nữ thẩm phán vẫn không bỏ một buổi học nào. Để tránh những ánh mắt dò xét của người xung quanh, bà tự thiết kế bộ quần áo theo kiểu phụ nữ Hồi giáo che kín mít. Có lần thầy giáo tưởng chị là người nước ngoài nên hỏi bà nghe tiếng Việt có hiểu không khiến cả lớp cười ồ.

Bà Loan tâm sự: "Tôi chưa bao giờ ngừng nghĩ tôi sẽ trở lại làm việc. Tôi có niềm tin và niềm tin cho tôi sức mạnh. Tôi đi học là để chuẩn bị cho sự quay lại với công việc".

Với tất cả sự đam mê và quyết tâm, bà Loan đã lấy bằng thạc sĩ về đề tài Nâng cao năng lực thẩm phán tòa án nhân dân với kết quả 9,9 điểm. Câu hỏi "Liệu có thể được ngồi xét xử nữa không?" vẫn luôn luôn thường trực trong đầu người phụ nữ ấy.

Trăn trở suốt thời gian dài và rồi đến năm 2014, bà Loan quyết định nộp đơn đi làm trở lại. Đơn xin của bà được lãnh đạo tòa án dễ dàng chấp nhận. Bà được cử về công tác ở viện Khoa học xét xử của Tòa án nhân dân Tối cao. Dù không còn trực tiếp ngồi xét xử, nhưng bà vẫn được làm việc ở lĩnh vực mình quan tâm, say mê. Thời gian ở viện Khoa học xét xử, bà Loan tham gia xây dựng bộ luật Tố tụng dân sự.

Nghị lực phi thường của nữ thẩm phán bị kẻ xấu tạt a-xít không những vượt qua được ranh giới giữa sống và chết mà còn vươn mình như ánh nắng ban mai và là tấm gương khiến bao người phải học hỏi.

THỦY TIÊN