Giáo dục

Nữ sinh vùng cao vượt "định kiến" miệt mài vẽ ước mơ nơi giảng đường đại học

Nhập học trễ so với các bạn cùng khóa gần hai tháng, cô nữ sinh với đôi “mắt biếc” đượm buồn và nụ cười trong trẻo đang miệt mài từng phút giây để bắt nhịp. Phải “đấu tranh” rất nhiều, cô gái dân tộc Lự này mới có cơ hội viết tiếp ước mơ nơi giảng đường đại học.

Chỉ có học vấn mới có thể thoát vòng luẩn quẩn

Đã gần một tháng bước vào môi trường mới, cô tân sinh viên Tao Thị Ón (SN 2001) đang phải “tăng tốc” ngày đêm để có thể “bắt nhịp” với các bạn cùng khóa nhưng không hề cảm thấy mệt mỏi. Với Ón, được đi học là điều hạnh phúc không thể diễn tả.

Sinh ra và lớn lên ở một thung lũng nhỏ, bốn bề là núi tại Nậm Ngập, Nậm Tăm, Sìn Hồ, Lai Châu, cô gái nhỏ nhắn Tao Thị Ón lần đầu tiên xuống Thủ đô vào tháng 9/2019.

Tuy nhiên, trong khi bạn bè cùng trang lứa đi nhập học, Ón lại xuống Hà Nội để đi làm thêm, vì gia đình không đồng ý cho em đi học đại học.

Là con út trong một gia đình có 8 anh chị em, mồ côi cả bố lẫn mẹ từ khi còn thơ bé, cô bé được anh trai, chị gái thay nhau nuôi nấng. Cũng như bao đứa trẻ dân tộc ở vùng cao khác, Ón vừa đi học buổi sáng, vừa tranh thủ buổi chiều phụ chị làm việc nhà. Thậm chí, thương anh chị, nhiều khi, Ón làm việc quá sức khi vẫn còn nhỏ tuổi, nên hay gặp vấn đề về sức khỏe. 

Sức khỏe không tốt, hoàn cảnh khó khăn nhưng Ón vẫn miệt mài đèn sách, cô nữ sinh hiểu rằng, chỉ có con đường học vấn mới giúp mình thoát khỏi vòng luẩn quẩn nghèo khó, lấy chồng sớm như phụ nữ trong bản.

Chỉ vì gia đình khó khăn mà Ón suýt bị nghỉ học mấy lần. Hồi cuối cấp 2, chuẩn bị lên cấp 3, em cũng từng bị anh chị ngăn cản không cho đi học, phải năn nỉ, thuyết phục rất lâu, tìm mọi cách, Ón mới được đi học tiếp.

Con đường học vấn của Ón gặp nhiều trắc trở.

Vượt qua mọi trở ngại khó khăn, Ón đỗ đại học với điểm số cao nhất lớp, Lịch sử 8,5 điểm, Ngữ văn 7 điểm, Địa lý 8 điểm; và chính thức đỗ ngành Quản trị Du lịch, học viện Phụ nữ Việt Nam.

Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, chị gái không đồng ý cho Ón đi học, bởi gia đình không có điều kiện, trong bản lại có nhiều người đi trước, học đại học xong không xin được việc làm. Chị Ón muốn em gái chỉ học hết cấp 3 thì nghỉ ở nhà, kiếm sống và lấy chồng. Đó cũng là một vòng luẩn quẩn hiện hữu của nhiều phụ nữ ở bản Nậm Ngập, nơi Ón sinh sống.

Đôi mắt buồn của em như muốn ngấn lệ khi nhắc đến thời điểm vài tháng trước: “Em đã khóc như mưa suốt mấy ngày liền khi biết mình sẽ không được đi học. Hôm trường gọi nhập học, em còn đang nằm viện cả tuần, vì bị đau lưng, có thể vì từ nhỏ đã phải khiêng đồ nặng gấp mấy lần trọng lượng cơ thể lên đồi cao nên em gặp vấn đề về xương khớp”.

Nhưng dù nước mắt có nhiều hơn mưa, cũng không xóa tan được những rào cản vốn đè nặng trong lòng chị gái, vì “không đủ kinh tế để hỗ trợ việc học và học xong mà không xin được việc thì có đi học nhiều cũng chỉ phí hoài”.

Cầu vồng sau mưa

Nghĩ đến bao năm chị gái như người mẹ đã chăm sóc, Ón “vén màn nước mắt”, quyết định “nén” những mong ước cá nhân lại, để anh chị không phải quá vất vả vì mình.

Đầu tháng 9, Ón xin phép chị gái, thu xếp đồ xuống Thủ đô làm thêm. Ngày nào cũng bắt đầu công việc từ 9h đến 23h, chỉ được nghỉ 2 tiếng chuyển ca, khiến đôi vai gầy bé nhỏ thấm mệt, cứ hết giờ làm là ngủ li bì, không biết trời đất gì.

Cô nữ sinh từng có những ngày "nước mắt nhiều hơn mưa" chỉ vì không được đi học đại học.

Niềm vui bất ngờ xuất hiện, Ón được đi học đại học với sự đồng ý của chị gái. Ánh mắt Ón bỗng nhiên lấp lánh một niềm vui khi nhắc đến chuyện này, cô nữ sinh 18 tuổi thực sự vui mừng vì trước đó không lâu, cô nàng tưởng như đã phải từ bỏ ước mơ nơi giảng đường đại học.

Niềm vui ấy nở bừng sau những nỗ lực “đấu tranh” của Ón, sau sự động viên, can thiệp của trường, của sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu và Ủy ban Dân tộc.

Nhìn nụ cười của Ón, có lẽ ít ai biết được, em đã thực sự nhớ bố mẹ đến mức nào. Nếu xuất hiện trong lễ tri ân và trưởng thành năm học vừa qua tại trường THPT Nậm Tăm, ai cũng có thể mường tượng và cảm nhận đôi ba phần.

Trước hàng trăm giáo viên, học sinh và phụ huynh khối 12, Ón chia sẻ bức thư “Quà tặng mẹ” khiến cả trường sụt sùi. “Em mơ thấy bố mẹ có mặt trong lễ trưởng thành của mình. Khi tỉnh dậy, em biết đó chỉ là giấc mơ nhưng giấc mơ đó cũng là động lực để em phấn đấu trong cuộc sống. Từ khi em nhận thức được, em luôn tự nhủ, phải học thật tốt, lấy kết quả đó như một món quà gửi đến bậc sinh thành…”.

Cô Lê Thị Mai, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Ón nhớ mãi: “Mỗi lần trường, lớp tổ chức sinh hoạt chung có chủ đề liên quan đến bố mẹ, Ón chỉ ngồi lặng một góc, có khi bật khóc”. 

Hiện tại, Ón đã trở thành tân sinh viên, nhưng nhìn các bạn lâu lâu được bố mẹ gọi điện hỏi thăm, em cũng thầm ao ước được nghe giọng nói của bố mẹ, cũng thèm cảm giác được nhớ nhung từ bố mẹ... Nhưng có lẽ, niềm ao ước đó chỉ như một mảnh trăng dưới nước, không thể nắm trong tay.

Nữ sinh học viện Phụ nữ Việt Nam đăng ký học ngành Quản trị Du lịch vì muốn khám phá những vùng đất mới, đồng thời, cô gái cũng hy vọng sau này sẽ mang một nguồn sức sống mới, góp phần xây dựng và phát triển du lịch tại quê hương Lai Châu.

Hiện tại, Ón đang cố gắng học tập thật chăm chỉ để có tương lai tốt hơn.

Thời gian này, cô tân sinh viên muốn tập trung cho việc học, tuy nhiên, cô bé cũng dự định, sang học kỳ sau, khi việc học ổn định, sẽ xin đi làm thêm để trau dồi khả năng giao tiếp và những kỹ năng cần thiết cho công việc sau này.

Nụ cười dịu nhẹ với ánh mắt đượm buồn ngước về một hướng xa xăm, nhưng đong đầy hy vọng của cô nữ sinh như đang chầm chậm đặt những nét đầu tiên vẽ ước mơ giữa Thủ đô.