Văn hoá

Nữ sinh lớp 9 say mê văn hóa dân tộc Brâu

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của người Brâu, cô học trò lớp 9 cho ra đời dự án “Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc”.

Cô học trò dành tình yêu cho văn hoá Brâu

Cô học trò đa tài mà chúng tôi nhắc đến là em Phạm Thị Thùy Trang, lớp 9D1, trường THCS-THPT Liên Việt Kon Tum, Tp.Kon Tum, tỉnh Kon Tum.

Trò chuyện với chúng tôi Trang kể, em không phải là con dân của người Brâu nhưng tuổi thơ của em rất may mắn được sống gần gũi, gắn bó trải nghiệm nét văn hoá bản sắc của người Brâu. Hơn 10 năm là quãng thời gian hạnh phúc, em được cùng bạn người địa phương ra suối mò cua bắt ốc, trải nghiệm ẩm thực, tham gia các lễ hội với những nét văn hoá đặc trưng khác biệt.

Cho đến nay, khi đã chuyển đến nơi ở mới nhưng những ký ức ngày xưa luôn ùa về trong tâm trí. Em luôn ấp ủ trong lòng muốn làm được một điều gì đó để giới thiệu đến đông đảo người dân trong và ngoài nước biết đến nét văn hoá đặc trưng, độc đáo của người Brâu.

Chính vì vậy, sau bao ngày “thai nghén” em Trang đã cho ra đời dự án “Giữ gìn và quảng bá nét đẹp văn hoá dân tộc Brâu”. Với dự án thiết thực này, Trang vinh dự đạt Giải nhất cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm 2022-2023.

Em Trang vinh dự đạt Giải nhất cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm 2022-2023.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, người Brâu trên địa bàn tỉnh Kon Tum là 1 trong 16 dân tộc ít người nhất trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Với dân số khoảng 525 người, cư trú chủ yếu tại xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi. Đặc biệt, tộc người Brâu có phong tục tập quán, sắc thái văn hóa độc đáo nhưng chưa được nhiều người biết đến.

“Với một người từng sống 10 năm ở gần những hộ dân người Brâu của huyện Ngọc Hồi, em cảm nhận rõ những nét văn hóa đặc trưng của họ. Ngoài ra, em còn được tham gia các chương trình giao lưu văn hóa, từ đó hiểu hơn về phong tục tập quán, hoạt động sinh hoạt thường ngày. Khi gia đình chuyển lên Tp.Kon Tum, em đã thực hiện khảo sát và không nhiều người biết đến văn hóa của người Brâu. Từ đó, em ấp ủ sẽ thực hiện một dự án để giữ gìn và quảng bá giá trị văn hóa của dân tộc này đến nhiều bạn trẻ, người dân ở Kon Tum”, Trang chia sẻ.

Tháng 10/2022, khi nhà trường phát động cuộc thi Khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp trường, Trang đã nảy ra ý tưởng và quyết định thực hiện dự án. Chỉ sau gần 3 tháng, với sự giúp đỡ của thầy giáo hướng dẫn, dự án của Trang đã hoàn thành và được nhiều thầy, cô trong trường đón nhận, đánh giá cao.

Thùy Trang cho biết, khi trình bày ý tưởng, được thầy hướng dẫn ủng hộ, em đã ngay lập tức xây dựng các kế hoạch phát triển dự án. Trong đó, khó khăn nhất khi thực hiện dự án là việc khảo sát thực tế tại làng Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi cách Tp.Kon Tum hơn 70 km.

Trang phải trực tiếp xuống đó 4 lần gặp gỡ các già làng, người uy tín của làng để tìm hiểu, nghiên cứu sâu về văn hóa của dân tộc Brâu. Bên cạnh đó, để có kiến thức rộng hơn về dân tộc này, Trang còn tìm tòi trên sách, báo, Internet,…

Sản phẩm của dự án gồm: Kênh Youtube đăng các video tìm hiểu về văn hoá dân tộc Brâu; bộ mã QR mã hoá bộ video để đưa vào các sản phẩm; trang Facebook “Khám phá dân tộc Brâu”; ấn phẩm in và điện tử; bộ thẻ game trải nghiệm; các sản phẩm quảng bá du lịch,…

Tất cả sản phẩm trên đều được sử dụng song ngữ Anh - Việt để bạn bè quốc tế hiểu hơn về văn hoá dân tộc Brâu. Ngoài ra, giúp các bạn trẻ trong nước có thể trau dồi thêm kiến thức tiếng Anh.

Dự án thiết thực

Theo Thùy Trang, ấn phẩm số 4.0 được tích hợp ấn phẩm in và điện tử. Ấn phẩm số 4.0 gồm các mục chính: Văn hóa người Brâu; các lễ hội; những điều thú vị khác về văn hóa Brâu. Mỗi mục của ấn phẩm đều có mã QR dẫn đến đường link video trên Youtube.

Cách làm này giúp người dùng có thể lựa chọn đọc hoặc nghe, xem video. Bên cạnh đó, dự án còn có bộ thẻ game có mã QR để người chơi trải nghiệm những câu hỏi xoay quanh về kiến thức văn hóa của dân tộc Brâu.

Thầy Đoàn Tuấn Anh, giáo viên hướng dẫn cho hay, dự án của Trang nhằm nâng cao hiểu biết về văn hóa truyền thống của người Brâu cho các bạn trẻ, người chưa biết về dân tộc này. Tất cả sản phẩm trong dự án đều được Trang tự dịch sang ngôn ngữ tiếng Anh, trong lời bình của video trên Youtube cũng là Trang tự đọc.

Trong thời gian tới, thầy và trò sẽ tích cực tìm hiểu, bổ sung thêm các thông tin còn thiếu và thiết kế thêm các ứng dụng độc đáo để dự án đạt kết quả tốt nhất trước khi đem đến cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Quốc gia trong năm nay.

Trang tự hào với ấn phẩm 4.0 trong dự án.

Theo thầy Lê Đắc Tường, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Liên Việt Kon Tum cho biết: "Em Phạm Thị Thùy Trang là học sinh giỏi của trường. Không những thế, em còn tích cực tham gia các hoạt động do nhà trường, ngành giáo dục của tỉnh, thành phố tổ chức. Mặc dù, đây là lần đầu tiên Thùy Trang có sản phẩm dự thi nhưng đã đạt giải cao nhất. Giáo viên đánh giá rất cao ý tưởng này. Vì dự án không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Brâu mà còn bổ trợ kiến thức và quảng bá cho người dân ở trong và ngoài tỉnh".