Góc nhìn luật gia

Nữ sinh lớp 5 bị dụ quay clip nhạy cảm: Cha mẹ cần quản lý con chặt chẽ

Một trong những nguyên nhân trẻ bị dụ dỗ, xâm hại là do cha mẹ không quản lý chặt việc con em mình sử dụng các thiết bị điện tử, điện thoại thông minh.

Nữ sinh tiểu học bị dụ dỗ quay clip nhạy cảm

Ngày 12/4, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM cho biết, Hội đã nhận được thông tin vụ việc nữ sinh tiểu học tại TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai nhận các tin nhắn dụ dỗ quay clip nhạy cảm để nhận trà sữa.

Hiện, Hội và bà đang tiến hành các thủ tục liên quan đến pháp lý cũng như việc hướng dẫn, tư vấn, trả lời cho những phụ huynh có con em liên quan đến vụ việc.

Theo đó, ngày 5/4, phòng GD&ĐT TP.Biên Hòa tiếp nhận báo cáo của trường tiểu học K.Đ (TP.Biên Hòa) về việc 1 học sinh khối lớp 5 có dấu hiệu bị lạm dụng tình dục.

Nhà trường cho hay, phụ huynh một học sinh đang học lớp 5 tại trường này trình báo việc thời gian gần đây, học sinh này có những biểu hiện bất thường, cháu đóng cửa phòng và nhắn tin cho ai đó.

Tìm hiểu kỹ từ con, phụ huynh tá hỏa khi phát hiện con gái đang nhắn tin qua Zalo cho một tài khoản lạ, tự xưng là nữ Trung tá công an (có hình đại diện người mặc sắc phục công an).

Nguy hiểm hơn, người này dụ dỗ nữ sinh tự quay và gửi clip khỏa thân cho cô ta để tham gia cuộc thi “người đẹp lứa tuổi 12 – 15…” và được nhận trà sữa miễn phí.

Ngoài ra, tài khoản này còn yêu cầu nữ sinh sau khi gửi clip thì phải xóa sạch các tin nhắn để không ai biết, nhằm đảo bảo tính bí mật của cuộc thi.

Tài khoản Zalo trên còn nói với nữ sinh rằng, sẽ nhận được trà sữa mỗi ngày một ly. “Sẽ có nhân viên shipper mang trà sữa đến tận nhà cho con”, tài khoản này nhắn tin.

Sau khi phát hiện sự việc, phụ huynh đã liên hệ nhà trường để trình báo. Ngay sau đó, sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai ra văn bản trên toàn tỉnh, cảnh báo về sự việc trên và đề nghị tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phòng chống xâm hại và lạm dụng học sinh.

Tin nhắn dụ dỗ nữ sinh từ tài khoản Zalo lạ.

Phụ huynh cần quản lý con chặt chẽ

Liên quan đến vụ việc trên, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ đưa ra lời khuyên, trong trường hợp phát hiện các em giấu việc nhắn tin cho người lạ với nội dung “nhạy cảm”, người nhà phải lập tức báo công an để cơ quan này điều tra truy cập được đường link Zalo hoặc Facebook và xử lý qua mạng trước, sau đó xác minh sự thật.

Ngoài ra, công an sẽ lấy những tin nhắn (nếu có) của những học sinh khác trong lớp để điều tra có phải cùng một đối tượng nhắn tin, dụ dỗ hay không hay đây là những đường dây khác nhau.

Theo luật sư Nữ, những học sinh dù sao cũng là trẻ em, rất thích được ăn uống theo sở thích, đặc biệt theo xu hướng giới trẻ. Ở đây, có thể các em thích trà sữa, nên khi đối tượng dụ dỗ là được uống hằng ngày và miễn phí, các em sẽ thích. Các em ở vào độ tuổi hiếu kỳ, thích học hỏi như người khác nên dễ rơi vào bẫy kẻ xấu.

Luật sư Nữ cảnh báo gia đình, nhất là các bậc cha mẹ phải quan tâm đến con cái. Một điều hết sức quan trọng, khi cho con sử dụng các thiết bị điện tử thông minh (điện thoại smartphone, máy tính bảng, ipad, máy tính…) cha mẹ phải quản lý các con. Hiện nay, mạng thông tin rất “nhạy”, các em lại rất “nhanh”, do đó kẻ xấu có thể rủ rê lôi kéo chỉ trong vòng vài phút.

"Hội chúng tôi đã tiếp nhận rất nhiều thông tin vụ việc, các em nữ bị nhắn tin nhận quà, sau đó bị rủ rê đi chơi, ăn nhậu, uống nước… Sau đó, các bé bị bỏ thuốc mê, bị xâm hại. Điều nguy hiểm, các bé không kể lại sự việc ngay mà sau đó mới nói. Lúc này sự việc đã muộn, khó xử lý.

“Tôi nhấn mạnh là phụ huynh đừng sợ sệt hoặc ích kỷ, đừng vì sĩ diện mà che giấu, như thế là bao che cho kẻ ác, tiếp tay để bọn chúng lừa thêm nhiều nạn nhân khác. Phụ huynh phải mạnh dạn tố cáo”, nữ luật sư chia sẻ.

Luật sư Nữ cho rằng, thời gian gần đây, rất nhiều vụ việc liên quan đến việc quyền trẻ em bị xâm phạm, trong đó có những vụ trẻ bị lạm dụng, xâm hại. Nguyên nhân trước hết là do cha mẹ các em quản lý không chặt việc con em sử dụng điện thoại, thiết bị điện tử thông minh.

“Đã là cha mẹ, khi cho con sử dụng các thiết bị thông minh thì phải quản lý chặt. Ở đây họ cho con vô tư sử dụng, về nhà 10h tối rồi các em vẫn ôm điện thoại. Điều này hết sức nguy hiểm.

Hội chúng tôi từng phản đối việc cho các em sử dụng thiết bị thông minh trong giờ học. Làm sao đảm bảo khi các em đi vệ sinh, khi trên đường về các em không sử dụng. Giáo viên chỉ quản lý được trên lớp, trong giờ học chứ làm sao luôn theo các em được", luật sư Nữ lo lắng.

Phụ huynh phải kiểm soát việc trẻ sử dụng thiết bị điện tử, điện thoại thông minh. 

“Theo tôi, nhà trường đã có thiết bị máy vi tính, laptop (có thể huy động nguồn tự nguyện đóng góp xã hội) thì các em đã có thầy cô quản lý. Tuyệt đối không nên cho các em sử dụng thiết bị điện tử thông minh. Đã có hàng ngàn vụ xâm hại các em qua mạng, hẹn hò trên Facebook, rủ rê đi sinh nhật rồi lôi kéo… Đây là bài học nhãn tiền cho các phụ huynh”, luật sư Nữ nói.

Hiện, hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM đang hướng dẫn những phụ huynh, các em nào là nạn nhân bị kẻ xấu dụ dỗ như trên tập hợp để Hội tư vấn, cảnh báo tập thể một lần.

Điều quan trọng là phụ huynh cần rút ra bài học về quản lý con em mình, đừng để mọi việc quá muộn màng, tương lai các em bị ảnh hưởng nặng nề.