Đời sống

Nữ sinh 12 tuổi khổ sở vì có vòng một “to bất thường”

Cứ nghĩ con gái dậy thì sớm nên bố mẹ P.A (12 tuổi quê Cẩm Sơn, Thái Nguyên) không để ý, chỉ khi phát hiện sự “bất thường” họ mới vội vàng cho con đi kiểm tra.

Báo Tuổi Trẻ mới đây đã đưa tin về câu chuyện của bé P.A (12 tuổi, quê Cẩm Sơn, Thái Nguyên). Đây cũng là lời cảnh tỉnh tới nhiều bậc phụ huynh có con cái đang ở độ tuổi dậy thì.

Trao đổi với báo chí, bố bé P.A cho hay, trước đó gia đình đưa em đến một bệnh viện nhi, bác sĩ kết luận em mắc bệnh tuyến vú khổng lồ và khuyên chờ đến 16-18 tuổi mới có thể can thiệp. Nhưng thấy tình trạng của con bất thường, tuyến vú tiếp tục phát triển, gia đình đã đưa P.A. đến khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai thăm khám.

"Cháu khó thở do bị tuyến vú nặng nề đè vào lồng ngực. Từ ngày mắc bệnh, cháu thường tâm sự với mẹ những mặc cảm do sự bất thường của cơ thể. Cháu cũng dần khép kín hơn", bố P.A. chia sẻ.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, hai bầu vú của P.A. mỗi bên đo được 3.000ml. Tuyến vú phát triển nhanh đến mức bệnh nhân không thể đi lại, khó thở và phải nghỉ học.

TS.BS Phạm Thị Việt Dung (trưởng bộ môn phẫu thuật tạo hình, Đại học Y Hà Nội - hiện phụ trách khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết nguyên nhân là do P.A. mắc u phyllode. Bệnh này phát triển mạnh mẽ, có các khối u rõ ràng, đa số u lành tính nhưng cũng có một tỉ lệ ác tính hóa.

Thực hiện ca mổ là GS Trần Thiết Sơn, khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai. GS Sơn đánh giá đây là ca bệnh khó, P.A. cũng là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất ông từng thực hiện phẫu thuật thu nhỏ vú phì đại.

"Bệnh nhi mới 12 tuổi, đi qua nhiều bệnh viện nhưng không chẩn đoán ra bệnh, kéo dài thời gian điều trị khiến bệnh nặng nề hơn. Khối u lớn cũng ảnh hưởng đến đời sống, gây bất tiện, ảnh hưởng tâm lý người bệnh", GS Sơn thông tin.

Thông tin trên Infonet, GS Sơn đánh giá đây là ca bệnh khó, P.A. cũng là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất ông từng thực hiện phẫu thuật thu nhỏ vú phì đại.

"Đeo bộ ngực lớn có thể gây cong vẹo cuộc sống và kéo toàn bộ hệ thống mạch máu ở cổ bị biến đổi dẫn đến thiểu năng tuần hoàn não kèm biến đổi về tâm lý. Trẻ không dám sinh hoạt, vận động, ngại tiếp xúc với bạn bè. Hệ lụy là nhiều trẻ sống thu mình, bỏ học hoặc không dám đi học. Vì vậy phẫu thuật là phương pháp tốt nhất giúp giải quyết các triệu chứng khó chịu cũng như mang lại hiệu quả thẩm mỹ cho bệnh nhân", ông nói thêm.

Theo TS. BS Việt Dung nếu bệnh nhân đến viện sớm hơn thì bệnh nhân không mất cả năm trời phải chịu đựng hai bầu vú khổng lồ này. Bên cạnh đó, khi bệnh nhân đến sớm, việc giải quyết tình trạng vú to quá khổ sẽ dễ dàng hơn và ít nguy cơ trong mổ cũng như nguy cơ biến chứng hơn.

“Khi bầu vú càng lớn thì nguy cơ mất máu trong mổ càng lớn, nguy cơ hoại tử quầng núm vú cũng cao hơn nhiếu so với khi phẫu thuật cho vú phì đại mức độ vừa. Tuy nhiên, cũng may mà chưa xảy ra các biến chứng, di chứng gì đáng tiếc trong suốt quá trình bệnh lý và phẫu thuật”, TS. BS Việt Dung thông tin.

Được biết, kíp mổ đã tiến hành cắt toàn bộ khối phyllode tuyến vú 2 bên (trọng lượng khoảng 6kg) và tạo hình tuyến vú bằng vạt da, tổ chức dưới da và một phần tuyến (không chứa các khối u) mang quầng núm vú.

Hiện tại hậu phẫu ngày thứ 5, bệnh nhi tỉnh táo, đã có thể đi lại bình thường, thể tích tuyến vú 2 bên giảm đáng kể giúp cho việc đi lại và sinh hoạt hằng ngày tốt hơn.

Tuy nhiên, TS. BS Việt Dung lưu ý dù cắt bỏ toàn bộ khối phyllode tuyến vú 2 bên, tình trạng này vẫn có khả năng tái phát. Trong trường hợp u vú tái phát, phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến vú có thể cần phải tiến hành để điều trị triệt để.

Với tình trạng hiện tại, nếu không có các bất thường khác phối hợp thì tình trạng này không ảnh hưởng gì đến khả năng sinh sản của bệnh nhân, bệnh nhân vẫn có khả năng mang thai bình thường bởi vì hormone, cơ quan sinh dục như tử cung, buồng trứng, âm đạo hoàn toàn bình thường.

 

Theo các bác sĩ, trẻ nhỏ ngại tương tác với người lớn, đặc biệt là những vấn đề tế nhị, vì vậy khi ngực phát triển lớn, gia đình mới phát hiện ra.

Do đó, phụ huynh luôn phải có sự trao đổi với con cái. Bên cạnh đó, khi phát hiện dấu hiệu bất thường của con, gia đình nên đến cơ sở có chuyên môn phẫu thuật tạo hình để đảm bảo an toàn cho trẻ.

 

Lam Anh (Tổng Hợp)