Góc nhìn luật gia

Nữ nhân viên y tế bị tát ở Đà Nẵng: Bất kể là ai cũng cần nghiêm trị

Sự việc nữ nhân viên y tế ở Đà Nẵng bị một Phó Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP.Đà Nẵng tát vào mặt là không thể chấp nhận, cần làm rõ và xử lý nghiêm.

Sự việc nữ nhân viên y tế của trung tâm Y tế quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng bị ông Trần Vinh (Phó Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP.Đà Nẵng) tát vào mặt khi đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 đã khiến dư luận bức xúc. Nhiều ý kiến cho rằng, sự việc xảy ra ở nơi đông người trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 nên  không chỉ làm tổn thương đến cá nhân nữ nhân viên y tế, mà còn làm tổn thương đến lòng tự trọng của “những chiến sĩ áo trắng” nơi tuyến đầu chống dịch. Vì thế, cần làm rõ và xử lý nghiêm vụ việc này.

Xung quanh câu chuyện trên, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhìn nhận: “Trong giai đoạn hiện nay, cả nước đang gồng mình chống dịch Covid-19, với tinh thần chống dịch như chống giặc, xem như thời chiến, vì thế mà công tác phòng, chống dịch cực kỳ quan trọng.

Cho nên giai đoạn này mà có ai đó, đặc biệt là cán bộ công chức, viên chức dùng những lời lẽ, thái độ hoặc có cách hành xử thiếu văn minh, thiếu lịch sự, thậm chí là có hành động quá đáng, chẳng hạn như sự việc một Phó Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP.Đà Nẵng tát vào mặt nữ nhân viên y tế đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 thì không thể chấp nhận được. Đây là hành động đáng chê trách, cần phải xử lý nghiêm, để răn đe, phòng ngừa, làm gương cho những người khác”.

ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Vị Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phân tích: “Phải nói rằng, các lực lượng chống dịch hiện nay, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu rất cực khổ, thậm chí có thể phải hy sinh cả tính mạng, có nguy cơ cao bị nhiễm mầm bệnh… nhưng vì nhiệm vụ, vì Tổ quốc, vì nhân dân, họ sẵn sàng lên đường. Vậy mà ai đó lại có thái độ hành xử không đúng đắn đối với họ, thiếu tôn trọng họ thì tôi cho rằng là phi đạo đức, cần nghiêm trị”.

“Ông Phó Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP.Đà Nẵng không chỉ xin lỗi đối với nữ nhân viên y tế của trung tâm Y tế quận Sơn Trà mà còn phải xin lỗi những chiến sĩ tuyến đầu chống dịch, xin lỗi cộng đồng và người dân về hành động của mình – một hành động phi văn hóa của cán bộ công chức, viên chức. Còn việc lỗi bắt nguồn như thế nào, lỗi do ai trước, ai sau và ra làm sao… thì sẽ được làm rõ và cũng có rất nhiều người dân chứng kiến sẽ làm chứng vấn đề đó. Thế nhưng, chung quy lại, anh làm cán bộ công chức, viên chức mà lại dùng cái tát để hành xử đối với nhân viên y tế thì vẫn là không đúng. Cần phải cầu thị, kiểm điểm nghiêm khắc để rút kinh nghiệm. Còn nếu như anh vẫn ngoan cố thì không thể chấp nhận được”, ĐBQH Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Luật sư Diệp Năng Bình.

Cũng trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, luật sư Diệp Năng Bình (đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh) nêu quan điểm: “Kể từ khi dịch bệnh Covid - 19 xuất hiện tại Việt Nam, những người cán bộ, nhân viên y tế nơi tuyến đầu cùng các lực lượng công an, quân đội... đảm đương trọng trách như tấm lá chắn đầu tiên ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh. Hơn lúc nào hết, xã hội cần họ, những chiến sĩ áo trắng luôn tận tụy vì công việc với ý chí vững vàng, không ngại gian khổ.

Tuy nhiên, thực tế nghiệt ngã cho thấy, nhân viên y tế luôn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong dịch bệnh. Chính vì thế mà chúng ta cần phải tôn trọng và xử lý nghiêm hành bạo lực, xúc phạm lực lượng nơi tuyến đầu này”.

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, vị luật sư cho biết: “Ngày 30/3/2020, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC hướng dẫn về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhằm kịp thời góp phần phòng, chống dịch bệnh hiện nay. Theo đó, người nào có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì bị xử lý về tội Chống người thi hành công vụ, theo quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015. Tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm”.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).