Sức khỏe

Nữ công nhân bị lóc toàn bộ da đầu được cấp cứu thành công

Cô gái bị tai nạn lao động, lóc toàn bộ da đầu được cấp cứu thành công, nhờ bảo quản da ban đầu đúng cách và sự phối hợp nhịp nhàng của các y, bác sĩ .

Lóc toàn bộ da đầu do tai nạn

Chiều ngày 20/2, tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, đã điều trị thành công cho nữ bệnh nhân bị máy cuốn sợi cuốn lóc toàn bộ da đầu khi đang làm việc.

Đây cũng được xem là một trong những ca điều trị ghép toàn bộ da đầu thành công hiếm gặp.

Bệnh nhân được điều trị thành công là Phu Thị K.O. (sinh năm 1996, ngụ Tây Ninh). Được biết, vào khoảng 7h ngày 18/1, trong lúc cúi người về phía trước để làm việc với máy kéo sợi, bệnh nhân bị lực hút của máy kéo hút toàn bộ tóc (bệnh nhân không đội mũ bảo hộ) gây nên vết thương lóc toàn bộ da đầu.

Bệnh nhân được phẫu thuật kịp thời.

Đến 10h sáng cùng ngày, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng lóc toàn bộ da đầu, đứt một phần vành tai bên trái. Phần da đầu bị lóc được công nhân tại công ty bảo quản trong túi nylon, chứa trong thùng đá và chuyển đến bệnh viện ngay sau đó.

Đối diện với tình trạng nguy cấp của bệnh nhân, e-kip trực của Khoa Cấp cứu đã kích hoạt quy trình báo động đỏ với sự tham gia của Khoa Cấp cứu, Phỏng – Phẫu thuật tạo hình và Ngoại Thần kinh...

Sau khi tiến hành hội chẩn và thực hiện một số chỉ định cận lâm sàng, dưới sự hỗ trợ của Khoa Gây mê Hồi sức, e-kíp phẫu thuật đã tiến hành nối vi phẫu mảnh da bị lóc rời với gần 5 giờ đồng hồ. Sau điều trị, vạt da và vành tai đứt rời được ghép tưới máu tốt.

Kết quả tái khám sau 1 tháng cho thấy, vết thương đã phục hồi nhanh và tóc mọc trở lại bình thường.

Đây là ca rất khó

Đánh giá về ca phẫu thuật, TS.BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng – Tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, kỹ thuật vi phẫu là kỹ thuật rất khó trong phẫu thuật ngoại khoa và trong trường hợp này cần phải nối các mạch máu rất nhỏ, phần da đầu bị cuốn vào bị dập nát rất nhiều.

TS.BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Bỏng cho rằng đây là ca rất khó.

Chính vì vậy, dù ca phẫu thuật có nối tốt thì khả năng tắc mạch vẫn rất cao. Qua đó, để tận dụng thời gian vàng cứu sống mảng da đầu và thực hiện thành công ca phẫu thuật, bệnh viện đã chia làm 2 kíp mổ xử lý phần da đầu bị lóc ra và tìm ra các mạch máu nguyên vẹn để nối lại phần da đầu.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bên cạnh trang thiết bị hiện đại và kỹ thuật chuyên môn tốt của các phẫu thuật viên, thì sự sơ cứu tốt của tuyến trước cũng đóng một vai trò quan trọng.

Nếu không có sự xử lý kịp thời thì sẽ dẫn đến hậu quả rất xấu và gây khó khăn trong quá trình phẫu thuật.

Cũng theo bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Việt, mỗi năm Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận từ 8-10 ca lóc da đầu, chủ yếu do tai nạn lao động (trong đó cũng có nhiều ca bị lóc da đầu do té ghe thuyền, bị chân vịt hoặc cánh quạt dưới nước cuốn vào tóc, da đầu).

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Việt cho rằng, đa số bệnh nhân bị như vậy không cứu được vì nhiều nguyên nhân.

“Đa số bệnh nhân từ các tỉnh xa, sơ cứu không đúng cách, đến viện trễ, không phẫu thuật nối được. Trường hợp này, nếu đồng nghiệp của nữ bệnh nhân không giữ được mảnh da đầu và sơ cứu đúng cách như đã làm thì việc điều trị sẽ rất khó khăn, tốn kém, bệnh nhân thêm đau đớn, nguy cơ vĩnh viễn không mọc tóc”, bác sĩ Phạm Thanh Việt cho biết thêm.

Qua trường hợp này, bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Việt cũng có những cảnh báo với cộng đồng, khi làm việc phải lưu ý đến vấn đề an toàn lao động.

Đặc biệt tại những nơi làm việc có sử dụng máy hút, máy cuốn, máy quấn… thì phải trang bị đầy đủ cho bản thân các thiết bị bảo hộ trước khi làm việc, tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

Nguyễn Lành