An ninh - Hình sự

Nữ công nhân bị bắt giam 2 tháng vì tung tin đồn thất thiệt về dịch Covid-19

Một nữ công nhân Campuchia làm trong xưởng sản xuất túi cho hãng Michael Kors và Kate Spade đã nhận bản án tù 2 tháng sau khi đăng dòng trạng thái về Covid-19 gây hoang mang nội bộ.

“Tôi xin lỗi nếu như trông tôi có vẻ rối loạn. Tôi vẫn chưa hoàn toàn trở lại trạng thái bình thường nhất”, Soy Sros vừa nói vừa vuốt vội mái tóc nâu hơi rối của mình.

Dù đã được thả tự do một ngày nhưng Soy vẫn chưa lấy lại sự bình tĩnh, vẻ hoang mang, hoảng loạn vẫn còn tồn tại trong đôi mắt của cô. Soy nói rằng cô bị ám ảnh vê phòng giam nhỏ, chật ních 72 người bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, không nước rửa tay, không đồ ăn hay chỗ trống để nằm trong suốt 2 tháng tạm giam. Hiện tại, Soy đang ngồi trên chiếc ghế nhựa, nhìn chằm chằm vào máy tính và hy vọng câu chuyện của cô sẽ được truyển tải đến Michael Kors, tỷ phú của làng thời trang quốc tế.

Soy Sros

“Tôi không sợ”, Soy khẳng định, “Tôi sẽ được quay trở lại làm việc. Tôi rất mong đợi điều đó”.

Theo câu chuyện được kể, Soy là một người phụ nữ Campuchia làm việc tại nhà máy Superl, một xưởng thiết kế cho hãng thời trang quốc tế Michael Kors và Kate Spade được đặt tại Kampong Speu (Campuchia). Ngày 4/4, Soy bị đưa đến nhà tù vì một bài đăng trên mạng xã hội với nội dung lo lắng cho công nhân nhà máy sẽ bị đuổi việc bởi đại dịch Covid-19.

Một ngày sau, người mẹ đơn thân 30 tuổi đã bị triệu tập đến văn phòng của Superl. Khi cô đến đó, đội ngũ lãnh đạo đã yêu cầu cô kí vào biên bảo và thừa nhận lỗi sai của mình, tuy nhiên Soy đã từ chối và quay trở về làm việc. Sau khi kết thúc ca làm việc của mình, Soy tiếp tục bị gọi lên văn phòng và lần này cảnh sát đã đợi sẵn. Cô đã bị đưa đến một phòng riêng biệt để thẩm vấn trong suốt 48 giờ.

Theo cơ quan điều tra, nhà máy Superl cáo buộc cô đã đăng tải những thông tin xúc phạm danh dự của nhà máy. Trên thực tế, đúng là số lượng hàng hóa bị giảm kể từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra nhưng công việc của công nhân vẫn luôn được đảm bảo, đội ngũ lãnh đạo chưa bao giờ có ý định giảm tải nhân viên như Soy đã đăng trên mạng xã hội. Sau đó, Soy bị đưa đến nhà tù Kampong Speu, một trong những nơi đông đúc, chật chội nhất Campuchia.

Người nhà đến đón Soy ngày cô được trả tự do 

Trước đó, nhà máy Superl đã đệ đơn kiện với khung hình phạt 3 năm với yêu cầu bồi thường 1.500 USD. Tuy nhiên, họ đã rút đơn kiện sau buổi điều trần tại tòa với với Soy. Mặc dù vậy, Superl vẫn chưa lên tiếng về việc có để cô Soy tiếp tục đi làm hay không. Họ cũng không đề cập đến vấn đề tiền bồi thường danh dự như nữ công nhân đã yêu cầu.

Soy chia sẻ bản thân đã bị sốt kéo dài, cô không thể ăn hay ngủ nhiều tuần trong tù. Cô lo lắng liệu mình có thể sống sót sau 2 tháng tại đây để trở về với 2 người con của mình hay không.

Việc Soy bị bắt giữ đã gây tranh cãi rất nhiều trong nội bộ nhà máy. Họ phản ánh số tiền lương không phù hợp với công sức mà công nhân phải bỏ ra để cống hiến cho nhà máy trong khi mỗi năm thương hiệu Michael Kors thu về vô số lợi nhuận. Hiện tại công đoàn và những người hoạt động đấu tranh cho quyền lợi người lao động đang lên tiếng bảo vệ Soy.

Han (theo Buzzfeednews)