Giáo dục

Nữ công nhân 40 tuổi đạt 27 điểm thi THPT sau 21 ngày ôn luyện

20 năm rời xa sách vở, lại chỉ ôn luyện trong 21 ngày nhưng chị Nguyễn Thị Thủy đã đạt được tổng điểm 27 ở bài thi tổ hợp Khoa học xã hội trong kỳ thi THPT năm 2021.

Đang là công nhân làm việc ở Đông Anh (Hà Nội), chị Nguyễn Thị Thủy (sinh năm 1981, huyện Đông Anh) khiến nhiều người ngạc nhiên khi quyết định đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Không chỉ vậy, chị còn đạt được thành tích đáng nể với số điểm các môn lần lượt là: Ngữ văn 7,25; Lịch sử 8,5; Địa lý 9; Giáo dục công dân 9,5. Tổng điểm bài thi tổ hợp Khoa học xã hội của chị là 27, tổng điểm thi theo tổ hợp khối C00 (Văn, Sử, Địa) là 24,75 điểm.

"Quyết định thi lại khi đã 40 tuổi không phải lựa chọn dễ dàng. Kết quả này đã giúp tôi thực hiện ước mơ ngày trước chưa thể làm", chị chia sẻ.

Nhớ lại 20 năm về trước, chị kể khi đó bố mẹ chị đều đã cao tuổi, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn. Ở kỳ thi đại học đầu tiên trong đời, chị lại thiếu chút điểm nên đã không thể đỗ vào ngôi trường như nguyện vọng đăng ký.

“Vào được một trường đại học là mơ ước của tôi từ 20 năm trước. Nhưng khi đó, bố mẹ tôi cũng đã hơn 70 tuổi, nên kể cả có đỗ thì bố mẹ cũng không có đủ tiền nuôi tôi ăn học”, chị Thủy kể. Đứng trước những ngã rẽ của tuổi trưởng thành, chị đành tạm gác lại ước mơ đại học và lập gia đình vào năm 2002.

Cuối năm 2019, biến cố mất người thân xảy đến. Sau thời gian dài đau buồn, chị mới vượt qua và tìm lại được động lực sống. Nhớ về những điều còn dang dở, nuối tiếc trong quá khứ, chị nghĩ đã đến lúc hoàn thành nốt nên quyết tâm thi lại đại học.

“Năm nay cũng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, một phần công ty ít việc nên tôi mới có thời gian để ôn luyện. Mọi năm, mỗi ngày đều đặn làm 12 tiếng nên về nhà chỉ còn thời gian nghỉ ngơi”, bà mẹ 2 con bộc bạch thêm.

Thẻ dự thi của chị Thủy.

Công việc bận rộn, từ khi nộp hồ sơ dự thi hồi tháng 5, chị mới bắt đầu việc ôn tập cho kỳ thi.

Từng là học sinh giỏi cấp trường, học lớp chọn cấp THCS, có phương pháp học hiệu quả, nên chị Thủy nhanh chóng lấy lại kiến thức qua sách giáo khoa và các khóa học online đăng ký trên mạng. Chị cũng cho biết mình thường xuyên theo dõi các gameshow trí tuệ trên truyền hình như Đường lên đỉnh Olympia, Ai là triệu phú,..., khác với sở thích mua bán hàng trên mạng như bạn bè đồng lứa.

Tài liệu ôn thi của chị Thủy có sẵn nhưng không nhiều. Văn là môn duy nhất chị mua một khoá học online giá 1,3 triệu đồng và một số sách tham khảo. Ba môn còn lại, chị chăm chỉ xem các bài giảng online miễn phí đồng thời mượn thêm đề cương của người cháu cũng chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT.

Thế nhưng, chị gặp khó khăn trong việc sắp xếp thời gian học. Làm việc ở một nhà máy sản xuất phụ tùng xe máy ở khu công nghiệp Thăng Long, chị thường xuyên phải luân chuyển giữa 3 ca làm việc với các khung giờ 6-14h (ca 1), 14-22h (ca 2), 22h-6h sáng hôm sau (ca 3).

Những ngày làm ca 1, chị thường đăng ký làm thêm đến 16-17h, về nhà lại lo cơm nước để ngủ sớm, kịp thức dậy lúc 4h30 hôm sau ôn bài. Những khi làm ca 2 và 3, chị tranh thủ đọc qua sách vào ban ngày. Một tháng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, chị mới học được Văn, ba môn còn lại gần như chưa sờ đến. Sau vài ngày suy nghĩ, chị quyết định xin nghỉ không lương từ 16 đến 30/6, sau đó tiếp tục nghỉ phép thêm 1 tuần để hoàn thành kỳ thi.

Mặc dù vậy, ở tuổi 40, chị Thủy nói chỉ học được khoảng 2 tiếng là bắt đầu cảm thấy căng thẳng, phải nghỉ ngơi. Vì thế, ngày nào nhiều thì chị học được khoảng 6 - 7 tiếng, đồng thời vẫn phải quán xuyến việc nhà.

Trong 21 ngày ôn tập nước rút, chị dành thời gian ôn tập môn Văn nhiều nhất. Còn Lịch sử và Địa lý, mỗi môn chị học một tuần. Giáo dục công dân chỉ ôn trong 2 ngày. “Nhưng cứ học môn nào là tôi học liền một mạch để tập trung được cao độ. Trong các sách ôn tập có những đề thi, tôi tự làm và câu nào sai so với đáp án thì lấy bút đỏ đánh dấu để xem lại và bổ sung kiến thức”, chị kể.

Biết thế mạnh của mình không còn là trí nhớ, chị học hiểu, tập trung kiến thức trọng tâm. Hơn nữa, chị xác định học để có thêm kiến thức, kết quả kỳ thi không phải vấn đề quá lớn với chị. Chị chỉ muốn tham dự và hoàn thành kỳ thi một cách hết mình.

Chị Thủy cho biết việc ôn thi khiến chị thấy mình trẻ lại. Ảnh: NVCC/ VnExpress.

Trong thời gian ôn thi, chị thường lên Facebook, tham gia các hội nhóm của học sinh. Nhìn học trò chia sẻ, tranh luận với nhau, chị thấy mình trẻ lại. Bên cạnh đó, chị nhận được sự ủng hộ hết mình của cả gia đình khi chồng thường xuyên động viên, hai con trai đang học lớp 8 và 6 giúp làm việc nhà để mẹ tập trung học bài.

Ngày thi, chị chuẩn bị đẩy đủ giấy tờ, dụng cụ và mang theo chiếc cặp sách của con đến điểm thi. Sự xuất hiện của thí sinh lớn tuổi khiến lực lượng làm nhiệm vụ và cán bộ coi thi bất ngờ nhưng sau đó mọi người đều hỗ trợ nhiệt tình, hướng dẫn chị chi tiết cách ghi thông tin và phiếu trả lời trắc nghiệm.

“Nhiều cháu sinh viên tình nguyện thấy tôi đi vào phía trường thi còn gọi lại hỏi tôi đi đâu, bởi nghĩ rằng là phụ huynh đưa con đi thi chứ không phải là thí sinh. Vào đến tận phòng thi, các cán bộ coi thi cứ nhìn mãi căn cước công dân và giấy báo thi, đặc biệt là năm sinh của mình”, nữ công nhân cười tươi kể.

Lúc nhận đề môn Văn, chị Thuỷ cũng bất ngờ vì "lệch tủ" như nhiều sĩ tử năm nay. “Đề thi của môn Văn không vào đúng bài mà mình ưa thích nên tôi cũng không viết được nhiều. Tuy nhiên tôi cũng rất vui với kết quả mình đạt được. Còn hai môn Lịch sử và Địa lý thì do làm bài thi tốt nên tôi không bất ngờ. Môn Giáo dục công dân do gần gũi với đời sống hằng ngày nên tôi thấy không khó”, chị Thủy cho biết.

Biết mẹ được 7,25 Văn, 8,5 Sử, 9 Địa và 9,5 Giáo dục công dân, hai con chị reo lên "Điểm mẹ cao thế", còn ông xã chị đùa "Tưởng Văn 6 điểm thôi chứ?". Sau khi có kết quả, chị mới chia sẻ lý do xin nghỉ 21 ngày, đồng thời gửi lời cảm ơn đồng nghiệp đã hỏi thăm chị trong thời gian đó.

Với tổng điểm 24,75 khối C, chị Thủy dự định sẽ đăng ký vào ngành Việt Nam học tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Nguyện vọng 2 là Học viện Phụ nữ Việt Nam và nguyện vọng 3 là vào Học viện Thanh thiếu niên.

Với chị, dù kết quả có thế nào thì bản thân vẫn cảm thấy rất vui bởi nỗ lực của mình, cũng là món quà dành tặng cho bố mẹ chị và truyền cảm hứng cho những đứa con của mình. "Tôi mong câu chuyện của mình không chỉ giúp hai con mà còn truyền năng lượng tích cực tới các bạn trẻ. Tôi nghĩ khi có quyết tâm, đam mê, các cháu sẽ làm được rất nhiều thứ, đặc biệt học tập không bao giờ muộn", chị Thủy nói.

Minh Hoa (t/h theo VietNamNet, VnExpress)