Tài chính - Ngân hàng

Nữ CEO 9X bỏ gần 900 tỷ đồng mua công ty nội thất của tỷ phú Trần Đình Long là ai?

Một doanh nghiệp của nữ CEO 9X tại Hưng Yên đã bỏ ra gần 900 tỷ đồng để mua lại công ty nội thất từ tay tập đoàn Hòa Phát.

Theo thông tin mới được công bố, ngày 4/1/2021, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của tập đoàn tại CTCP Nội thất Hòa Phát với giá trị ghi sổ là 398,4 tỷ đồng (tương đương 99,6% vốn điều lệ) cho CTCP Nội thất Eden Việt Nam.

Giá trị chuyển nhượng là 896,4 tỷ đồng, tức là Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận lãi 498 tỷ đồng từ việc thanh lý công ty con. 

Giám đốc công ty CTCP Nội thất Eden Việt Nam là bà Lại Như Loan, sinh năm 1992. Điểm trùng hợp là nữ giám đốc 9X hiện đang sinh sống tại Chung cư Hòa Phát, quận Hoàng Mai, Tp.Hà Nội. Ngoài ra, các thông tin khác về hoạt động doanh nghiệp này cũng như liên quan đến nữ giám đốc 9X trên vẫn là 1 ẩn số.

CTCP Nội thất Eden được thành lập ngày 19/10/2015, trụ sở chính đặt tại xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Vốn điều lệ ban đầu là 8 tỷ đồng. Đến ngày 11/1/2021 (tức một tuần sau khi mua Nội thất Hòa Phát), Nội thất Eden mới tăng vốn lần đầu lên 300 tỷ đồng.

Tổng tài sản tại ngày cuối năm 2019 của Eden là 13,2 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 9,3 tỷ, đều nhỏ hơn nhiều so với Nội thất Hòa Phát.

CTCP Nội thất Hòa Phát có mức tăng trưởng tương đối ổn định. Năm 2019, CTCP Nội thất Hòa Phát ghi nhận doanh thu thuần 19,4 tỷ đồng, lãi sau thuế 1,33 tỷ. Mỗi năm có doanh thu khoảng 1.800 tỷ, lợi nhuận 100 - 200 tỷ, đầu tư vào mảng nội thất chỉ khoảng 400 tỷ đồng, nhưng trong 4 năm gần nhất, Hòa Phát thu lãi về hơn 1.000 tỷ đồng. Bởi vậy, nội thất Hòa Phát được ví như "gà đẻ trứng vàng" với tỷ phú Trần Đình Long và là mơ ước của nhiều doanh nghiệp.

Trên thực tế, hoạt động kinh doanh nột thất của Hòa Phát đã tồn tại được 25 năm. Năm 2015, công ty này đầu tư hàng loạt nhà máy sản xuất trên khắp cả nước. Thời điểm hiện tại, CTCP Nội thất Hòa Phát có khoảng hơn 2.000 nhân sự, 4 chi nhánh và hệ thống phân phối trên cả nước. Bên cạnh đó, sản phẩm cũng được công ty xuất khẩu đi các thị trường Châu Á, Trung Đông và Đông Âu…

Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long rút khỏi mảng nội thất sau hơn 25 năm (Ảnh: Bloomberg).

Hòa Phát quyết định thoái vốn khỏi "miếng cơm ngon" nội thất bởi vì theo tập đoàn, ngành nội thất mang tính chất thủ công, kinh tế gia đình, sử dụng nhiều lao động phổ thông, không phù hợp mô hình sản xuất quy mô lớn, sử dụng dây chuyền máy móc hiện đại tiên tiến của Tập đoàn Hòa Phát.

Về tình hình chung, Hòa Phát đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả nhằm bảo đảm vừa phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định.

Quý II/2021, Tập đoàn Hòa Phát đạt doanh thu 35.400 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 9.745 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Tập đoàn ghi nhận doanh thu gần 66.900 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ.

Đến cuối tháng 6, tổng tài sản của Hòa Phát lên tới gần 160.000 tỷ đồng, tăng gần 30.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm nay. Trong đó, Hòa Phát có gần 32.000 tỷ đồng tiền mặt, tăng gần 10.000 tỷ đồng sau 6 tháng.

Min (Tổng hợp từ Dân Trí/Zing)