Văn hoá

NSƯT Sĩ Tiến: "Chúng tôi quyết tâm 300% để giữ ánh đèn sân khấu"

"Làm thế nào để sân khấu sáng đèn" là trăn trở của NSƯT Sĩ Tiến - Phó giám đốc nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam. Anh bảo, bài toán kinh tế, bán vé cũng có nhiều khó khăn...

Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật về tình hình sân khấu trước những diễn biến của dịch Covid-19, NSƯT Sĩ Tiến - Phó Giám đốc nhà hát Tuổi trẻ cho hay: "Năm 2020 là một năm nhiều vất vả của ngành biểu diễn. Chúng tôi không phải ngoại lệ. Phải nói rằng, trước khi có dịch bệnh, nhà hát Tuổi trẻ là một nơi có lịch biểu diễn dày đặc, chúng tôi làm việc cả tuần, có cả những chuyến lưu diễn ở nước ngoài và các tỉnh nữa.

Những ngày lễ như 1/6 và trung thu, các diễn viên làm việc đến 6 suất chiếu một ngày nhưng ai cũng hạnh phúc vì được phục vụ khán giả, nhưng từ khi có dịch bệnh, mọi việc bị chậm lại. Không nhìn thấy ánh đèn sân khấu, ai cũng buồn. Tuy nhiên, trong thời gian không bán vé, chúng tôi vẫn "âm thầm" làm việc như" chuẩn bị kịch bản, khởi động lại tinh thần để khi trở lại sẽ "lợi hại hơn xưa". Chúng tôi quyết tâm đến 300% để giữ ánh đèn sân khấu luôn sáng, phục vụ khán giả".

NSƯT Sĩ Tiến - Phó Giám đốc nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam.

NSƯT Sĩ Tiến cho biết thêm, trong những tháng được biểu diễn trở lại, việc bán vé của Nhà hát cũng có nhiều điều đáng nói. Để thu hút người xem, Nhà hát phải nỗ lực sáng tạo, đổi mới từ kịch bản, nội dung đến hình thực thể hiện. Anh chia sẻ: "Bài toán kinh tế của Nhà hát nào cũng cần được giải, nhưng chúng tôi quan tâm đến nội dung trước, kịch hay thì sẽ có khán giả xem".

Là một nghệ sĩ đi trước, Sĩ Tiến cho hay, việc khơi gợi tình yêu sân khấu cho các nghệ sĩ trẻ cũng cần có những điều chú ý đặc biệt. "Nhà hát Tuổi trẻ tự hào là cái nôi, nuôi dưỡng nhiều nghệ sĩ, diễn viên trẻ nổi tiếng, có thể kể đến như: Thu Quỳnh, Lương Thu Trang, Thanh Sơn, Đỗ Duy Nam, Phan Thắng... và nhiều diễn viên khác nữa, chúng tôi luôn tạo điều kiện cho các em làm nghề. Một khi đã chọn làm việc ở đây là họ đã rất mê sân khấu rồi, Chúng tôi chỉ cần khích lệ họ thôi, nghệ thuật là tự thân, nếu có tình yêu, diễn viên trẻ sẽ ở lại, gắn bó và cống hiến"- NSƯT bộc bạch.

Một số hình ảnh của buổi tuyển chọn diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ VN.

Phó Giám đốc nhà hát Tuổi trẻ cũng cho hay, anh và các nghệ sĩ luôn vận động và đổi mới, tổ chức nhiều chương trình, vở kịch hay để phục vụ khán giả. Ngày 15/10 tới đây tại Cung Văn hoá Hữu nghị Việt Xô, Nhà hát Tuổi trẻ sẽ công diễn vở nhạc kịch với quy mô lớn.

Ê - kíp sáng tạo cho vở nhạc kịch toàn những tên tuổi lớn như: NSƯT Cao Ngọc Ánh - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, đạo diễn Nhạc kịch Nguyễn Triều Dương, ca sĩ Hiền Soprano - giảng viên Thanh nhạc, nhạc sĩ Minh Đạo,... Để chuẩn bị cho vở nhạc kịch với quy mô lớn từ ngày 24/3, Nhà hát đã tổ chức tuyển chọn diễn viên một cách chuyên nghiệp với tên gọi MACC 2021 (Musical Actor Casting Call 2021) - chương trình tuyển chọn diễn viên nhạc kịch quy mô đầu tiên được thực hiện bởi nhà hát Tuổi trẻ.

Theo NSƯT Sĩ Tiến, vòng sơ tuyển từ 18 - 29/3, xét tuyển hồ sơ trực tuyến. Các ứng viên từ độ tuổi từ 18 tới 40 yêu thích nhạc kịch, đã được đào tạo về nghệ thuật và có ít nhất một trong ba kỹ năng (Ca hát – Nhảy, Múa – Biểu diễn Kịch). Vòng tuyển chọn chính thức sẽ diễn ra vào hai ngày 31/3 và 1/4/2021, dự kiến chọn ra 35 diễn viên nhạc kịch. Ứng viên sẽ trải qua ba nội dung, với hình thức workshop theo nhóm (chuỗi hoạt động chia sẻ, trao đổi). Ngoài việc tuyển chọn những nhân tố mới từ bên ngoài, nhà hát Tuổi trẻ cũng tổ chức casting cho chính nghệ sĩ trong nhà hát.

Đây là hướng mới để các nghệ sĩ có thể thể hiện được tài năng, phong cách diễn đa dạng của mình, các nghệ sĩ từ các đơn vị nghệ thuật khác nếu có thể tham gia nếu phù hợp. Những người tham gia casting sẽ phải giới thiệu bản thân trong 1 phút trước khi thực hiện bài tập luyện kiểm soát năng lượng, độ tương tác trên sàn diễn và một số yêu cầu cụ thể khác từ hội đồng chấm tuyển. Các diễn viên sau đó sẽ được đào tạo toàn diện để nâng cao năng lực diễn xuất, chuyển động và thanh nhạc trong vòng 6 tháng, song song với quá trình dàn dựng vở diễn, thời gian tối thiểu 2 tiếng mỗi ngày.

Thành viên ban giám khảo buổi tuyển dụng của Nhà hát.

"Chúng tôi hy vọng sẽ tuyển được một số nghệ sĩ nhạc kịch phù hợp với vở diễn mới. Tham gia vào dự án nhạc kịch lần này, diễn viên sẽ được làm việc nghiêm túc và rèn luyện theo tiêu chuẩn của Nhà hát. Sân khấu là loại hình nghệ thuật tốn rất nhiều thời gian và thậm chí cực kì mệt mỏi. Nếu bạn muốn đứng diễn được trên sân khấu thì phải tập luyện hăng say mấy tháng trời vì vậy cũng cần tính kiên trì. Tôi hy vọng Nhà hát Tuổi trẻ sẽ là cái nôi đào tạo những nghệ sĩ có niềm say mê đối với sân khấu" - Nghệ sĩ Sĩ Tiến tâm sự.