Văn hoá

NSND Trung Anh: "Bà xã tôi có công lớn lắm!"

Sau hơn 43 năm gắn bó với nghề diễn, NSND Trung Anh vừa nghỉ hưu tại Nhà hát Kịch Việt Nam. Suốt đời, ông luôn biết ơn người vợ của mình...

Chia sẻ với Người Đưa Tin, NSND Trung Anh cho hay: "Khi tôi nghỉ hưu, anh em bảo tổ chức gì đi nhưng tính tôi giản dị nên không muốn tổ chức ồn ào. Chỉ biết rằng, hơn 40 năm đứng trên sân khấu, tôi luôn coi sân khấu là cái nôi nuôi dưỡng mình. 
 
Còn nhớ hồi đầu làm nghề, đó là vào khoảng năm 1978, Nhà hát Kịch Việt Nam tuyển chọn để đào tạo lứa diễn viên đầu tiên. Tôi giấu gia đình, làm hồ sơ đăng ký theo tâm lý "được thì được, không được thì thôi". Tôi mất mẹ từ nhỏ nên tính tình khá trầm lắng, ít nói. Mẹ kế, các anh đều tốt với tôi. Thế nhưng ở tuổi 17, tôi muốn sống độc lập, không phụ thuộc vào ai. Sau khi đỗ vào lớp diễn viên khóa 1 của Nhà hát, tôi theo học bốn năm. Trong thời gian đó, tôi và các bạn được nhiều tên tuổi lớn của nghệ thuật sân khấu lúc bấy giờ như NSND Đoàn Dũng, NSƯT Dương Viết Bát... dìu dắt, truyền lửa đam mê. Khi tốt nghiệp, tôi thực sự yêu và muốn gắn bó với sân khấu kịch. 
 
Cứ thế hơn 40 năm, tôi đã miệt mài vì nghệ thuật. Về hưu nhưng tôi không nghỉ, tôi đã nhận ngay công việc chủ nhiệm một lớp diễn viên của trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Hy vọng với tình yêu với nghệ thuật của mình thì tôi sẽ giúp các diễn viên trẻ nối dài tình yêu với Sân khấu - Điện ảnh".
 

NSƯT Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam trao quyết định nghỉ hưu cho NSND Trung Anh.

Tâm sự về quãng đường nghệ thuật luôn có gia đình giúp đỡ, NSND Trung Anh bộc bạch: "Gia đình luôn ở bên Trung Anh. Bà xã tôi có công lớn lắm. Thú thực, nghệ sĩ đi làm chỉ đủ ăn, mọi thứ là cũng do bà xã quán xuyến. 

Vợ tôi làm kế toán nhưng có hiểu biết sâu sắc về nghệ thuật, đồng cảm với công việc của tôi. Tôi thường xuyên đi đêm về hôm, có những đợt vắng nhà đến vài tháng. Thế nhưng cô ấy vẫn vui vẻ, giúp tôi lo toan chuyện nhà cửa, chăm sóc con cái. Những đợt con ôn thi đại học, chuyển cấp, cô ấy rất vất vả, cả ngày đi lại  nhiều lượt đưa đón hai đứa đi học thêm. Chuyện bếp núc tôi cũng không biết làm, việc vun vén gia đình cũng không phải nghĩ đến. Nếu không có gia đình ủng hộ, sẽ không có NSND Trung Anh ngày hôm nay".

NSND Lan Hương và NSND Trung Anh trong lễ chia tay.

 
NSND Trung Anh cho biết: "Nhiều nghệ sĩ về hưu nhưng vẫn đóng góp cho phim ảnh, có thể kể đến như: NSND Lan Hương, NSND Hoàng Cúc, NSƯT Minh Vượng, NSND Lê Khanh... Chúng tôi chỉ nghỉ hưu trên giấy tờ thôi chứ có cơ hội làm phim, chúng tôi vẫn cống hiến hết mình. Hơn nữa, chúng tôi có một thứ mà người trẻ chưa có, đó là kinh nghiệm, chúng tôi sẵn sàng truyền lại những kinh nghiệm quý báu cho các nghệ sĩ trẻ để nghệ thuật luôn được truyền qua các thế hệ...".
 
NSƯT Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam chia sẻ về người anh đồng nghiệp: "NSND Trung Anh vừa là đàn anh, vừa là bậc thầy trong công việc của chúng tôi. Cách đây không lâu, Nhà hát Kịch Việt Nam đã tổ chức buổi chia tay với NSND Việt Thắng, trước đó nữa là NSƯT Phú Đôn và hôm nay là NSND Trung Anh. Dưới con mắt của thế hệ sau, dù các anh đã nghỉ hưu nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ xa Nhà hát. Qua nửa đời người, các anh đã gắn bó với Nhà hát, với biết bao vai diễn, biết bao đêm diễn, biết bao cống hiến cho Nhà hát Kịch Việt Nam".
 

NSND Trung Anh ghi dấu ấn mạnh mẽ trong phim Về nhà đi con.

Trung Anh sinh năm 1961, tại Đức Thọ - Hà Tĩnh. Ông được khán giả yêu mến khi đóng các phim truyền hình như Những đứa con của làng, Người phán xử, Về nhà đi con. Đặc biệt, với bộ phim Về nhà đi con, Trung Anh đã xây dựng nên hình tượng ông bố quốc dân, thương con vô bờ bến. Khi Về nhà đi con phát sóng, vai diễn ông bố mang cảnh "gà trống nuôi con" của Trung Anh còn gây sốt khắp nơi.

Đối với sân khấu, Trung Anh bén duyên từ năm 1978, khi mới có 17 tuổi. Thời điểm này, Trung Anh chịu cảnh mất mẹ, tính cách lại trầm lắng, ít nói. Dù mẹ kế và các anh trai đều tốt nhưng ông vẫn muốn vào Nhà hát làm việc để sống độc lập, không phụ thuộc ai. NSND Trung Anh thuộc lớp nghệ sĩ cùng lứa với NSND Lan Hương, NSND Trọng Trinh, NSƯT Quốc Khánh.

Năm 1982, Trung Anh cùng một số nghệ sĩ đi bộ đội, lên đường bảo vệ biên giới phía Bắc. Lúc quay về, ông gặp nhiều khó khăn vì bắt nhịp với nhà hát chậm. Có thời gian dài, Trung Anh chỉ đóng vai quần chúng. Vượt qua bao trở ngại, áp lực tâm lý, cuối cùng Trung Anh đứng vững trên sân khấu và được khán giả yêu mến bởi nét diễn dung dị, tự nhiên. Việc NSND Trung Anh nghỉ hưu, dừng công việc ở Nhà hát đã gây tiếc nuối cho nhiều khán giả vì ông có sức diễn rất dồi dào.