Văn hoá

NSND Quốc Hưng: "Tôi không áp lực phải kiếm thật nhiều tiền"

NSND Quốc Hưng hiện là một trong những giọng ca hàng đầu của nghệ thuật Opera Việt Nam. Anh chia sẻ, mình từng hát nhạc tình nhưng NSND Quang Thọ không thích.

Nhắc đến NSND Quốc Hưng là khán giả nhớ đến giọng ca hàng đầu của nghệ thuật Opera Việt Nam. Vì có giọng nam trầm đặc biệt nên nhiều người gọi NSND Quốc Hưng là người sở hữu giọng bass (là một loại giọng hát nam nhạc cổ điển có âm vực thấp nhất trong tất cả các loại giọng - PV) quý hiếm và trầm nhất Việt Nam.

Anh hiện đang là trưởng khoa Thanh nhạc, Học việc Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Nghệ sĩ này từng đạt giải nhất Cuộc thi Hát thính phòng nhạc kịch toàn quốc lần thứ II năm 2000, cúp vàng Liên hoan âm nhạc quốc tế Mùa xuân tại Bình Nhưỡng (Triều Tiên) năm 2004.

Bên cạnh đó, anh cũng từng thể hiện aria trong các vở nhạc kịch nổi tiếng của Charler Gound, Weber, Mozart... Rồi những ca khúc nhạc đỏ mang âm hưởng hùng tráng.

Mới đây, anh đã có những chia sẻ với Người Đưa Tin về việc chuyển từ hát opera sang nhạc tình và cuộc sống của mình.

NSND Quốc Hưng hiện đang là trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Người Đưa Tin (NĐT): Chào NSND Quốc Hưng, được mọi người gọi là "nghệ sĩ có giọng bass quý hiếm", anh có áp lực không?

NSND Quốc Hưng: Tôi không gặp áp lực gì cả. Vì đó là giọng hát trời cho, mình lại đang giảng dạy thanh nhạc nên hàng ngày vẫn được luyện thanh. Tôi không lo chuyện mình có giữ được giọng hay không. Như NSND Quang Thọ, năm nay thầy đã 75 tuổi nhưng giọng thày vẫn sang sảng, vì thầy vẫn dạy sinh viên, hát thị phạm cho các em.

Có một điều thú vị là nhiều chương trình ở Tp.HCM cần giọng bass thì họ vẫn mời tôi. Tôi nhận lời để giúp họ vì muốn chương trình thành công và cũng muốn giọng hát của mình phát huy tác dụng, nhưng không bao giờ đòi giá cát -xê. 

NĐT: Thời gian gần đây, nhiều giọng ca opera có xu hướng hát nhạc trẻ, nhạc tình nhiều hơn, vì sao vậy anh?

NSND Quốc Hưng:  Có lẽ vì nhu cầu cuộc sống. Tôi đi hát nhạc tình vì muốn mình cũng mềm mại hơn trong âm nhạc. Bên cạnh đó, nhạc tình ca giúp ca sĩ có nhiều khán giả hơn và thu nhập cũng tốt hơn. Bản thân tôi trước đây hát nhạc thính phòng, cách mạng… dù mất rất nhiều năng lượng để khổ luyện nhưng cuộc sống vẫn tương đối khó khăn, đến khi chuyển qua hát tình ca thì thu nhập đỡ hơn rất nhiều.

Nói như thế nghĩa là khi ca sĩ hát những gì mà số đông công chúng yêu thích và mong muốn thì cơ hội biểu diễn cũng nhiều hơn, thu nhập cũng tốt hơn.

NĐT: Chuyển từ hát thính phòng sang nhạc tình, anh có phải tiết chế nhiều cảm xúc của mình không?

NSND Quốc Hưng: Phải nói thật là trước khi hát nhạc tình, tôi thường uống vài ly rượu để hồi tưởng lại những ký ức xưa, một thời thanh xuân với những mối tình lãng mạn. Tôi tìm chất lãng mạn ở trong những câu chuyện xung quanh và cả những chuyện tình của bản thân mình.

Hát nhạc tình hay nhạc thính phòng thì người nghệ sĩ đều cần cân bằng giữa học thuật và cảm xúc. Nhiều ca khúc nhạc tình rất giàu nhạc tính và chất liệu nghệ thuật ẩn chứa trong đó rất cao nên thể hiện ra chất những tác phẩm này không hề đơn giản, đòi hỏi người hát phải có cảm xúc âm nhạc tràn đầy, phải có tâm hồn lãng mạn, phải biết biến âm nhạc thành một cuộc rong chơi do chính mình chủ động.

NĐT: Cát-xê của anh có tăng lên nhiều không khi anh chuyển sang hát nhạc tình ca?

NSND Quốc Hưng: Khi tôi chuyển sang hát tình ca, khán giả chấp nhận ngay. Bầu sô cũng mời đi các sự kiện. Trước kia khi tôi hát opera, luyện tập và diễn cả tháng, cát-xê cũng chỉ được từ 5-10 triệu là cao. Hát nhạc trẻ, nhạc tình thì cát-xê cao hơn. 

Hồi còn là sinh viện, tôi cũng đi hát ở nhiều tụ điểm ở Hà Nội, được đón nhận mạnh mẽ. Các thầy cũng không thích sinh viên hát cho lắm, nhưng thôi cứ cố gắng. Học sinh lúc đó nghèo, đi hát có thu nhập cũng kha khá, nuôi bản thân mình. Nhưng ngoài ra vẫn phải tập trung học ở Nhạc viện.

Sau đó thì tôi chững lại đến khi lên đại học thì không đi hát mà tập trung thính phòng, cổ điển. Rồi tôi được giữ lại làm giảng viên thì tập trung dạy học, trau dồi kiến thức để truyền đạt lại cho các thế hệ học sinh sinh viên.

Khi đến một độ tuổi nào đó, tôi lại muốn quay trở lại hát những tác phẩm ngày xưa để tìm cho mình cảm xúc mới. Còn để đi theo con đường này không, thì tôi quan điểm "hữu xạ tự nhiên hương", nếu hát hay thì nhiều người sẽ ủng hộ mình.

NĐT: Anh có áp lực phải kiếm thật nhiều tiền từ việc chạy show không?

NSND Quốc Hưng: Đến tầm tuổi tôi rồi, mình chỉ làm những gì mình thấy thích tôi. Tôi không áp lực phải kiếm thật nhiều tiền. Tiền thì tôi cũng không có nhiều, đủ cho cuộc sống gia đình và chuyện học hành của 2 con. Tôi không có nhu cầu phải chạy nhiều show, ra sản phẩm mới nhiều hơn. Nếu người tổ chức sự kiện mời thì tôi đi chứ không phải thể hiện mình tài năng để được mời đi hát.

NSND Quốc Hưng chia sẻ, anh  không áp lực phải chạy show, kiếm tiền.

NĐT: Vì sao thầy anh là NSND Quang Thọ lại không thích anh hát nhạc tình?

Các thầy như NSND Trần Hiếu, NSND Quang Thọ muốn sinh viên tập trung học kỹ thuật thanh nhạc tốt nhất thì mới đi hát chứ các thầy không cấm. Nếu có kinh nghiệm, kỹ năng và bản lĩnh sân khấu, thì sinh viên cứ đi hát thôi.

Khi được giữ lại làm giảng viên khoa Thanh nhạc thì tôi đầu tư nhiều hơn cho việc trau dồi các kiến thức về âm nhạc nhạc thính phòng, cổ điển để truyền dạy cho các thế hệ học trò. Nếu các em muốn hát nhiều loại nhạc, tôi cũng khuyên các em, hãy nắm tốt kỹ thuật thì sẽ biểu diễn được.

NĐT: Thời điểm cuối năm anh có bận rộn chạy show như các nghệ sĩ khác không?

NSND Quốc Hưng: Cũng có một vài sự kiện, chương trình mời tôi hát. Tôi chuẩn bị vào Vũng Tàu để hát tác phẩm của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Đây là ca khúc tôi từng hát trong phim Côn Đảo ngày trở về. Bên cạnh đó, nhiều chương trình cuối năm cũng mời, nếu sắp xếp được, tôi sẵn sàng tham gia. Hiện tại thì tôi vẫn miệt mài truyền dạy cho các em sinh viên các kiến thức về thanh nhạc. 

NĐT: Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

Mới đây, NSND Quốc Hưng đã giới thiệu album nhạc tình Gửi dĩ vãng đây là tập hợp 10 tác phẩm về tình yêu đã quen thuộc với công chúng yêu nhạc nhiều năm qua. Trong đó, NSND Quốc Hưng chọn thể hiện 3 tác phẩm của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên là Bài tình ca cho em, Tình khúc buồn (Thơ: Phạm Quang Duy), Áo lụa Hà Đông (Thơ: Nguyên Sa); 3 bài của nhạc sĩ Vũ Thành An gồm Bài không tên số 4, Bài không tên cuối cùng, Một lần nào cho tôi gặp lại em. Ngoài ra, album còn có các ca khúc: Anh còn nợ em (nhạc Anh Bằng, thơ Phạm Thành Tài), Mắt lệ cho người (Từ Công Phụng), Nửa hồn thương đau (nhạc Phạm Đình Chương, thơ Thanh Tâm Tuyền).