Văn hoá

NSND Công Lý: “Chúng tôi đã nghĩ đến chuyện gõ cửa từng nơi để… bán vé”

Sau 4 tháng lên chức Phó giám đốc nhà hát Kịch Hà Nội, NSND Công Lý cho hay, anh đã quen công việc, tuy nhiên với nhiệm vụ mới, anh và Ban giám đốc đang nỗ lực để đưa chất lượng Nhà hát đi lên…

"Không thể ngồi 1 chỗ để “chờ sung” được"

Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, NSND Công Lý – Phó giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội cho hay: “Từng ngày, từng giờ chúng tôi nỗ lực để cải thiện chất lượng các vở kịch nói, Liên hoan Sân khấu Thủ đô tổ chức tới đây là cơ hội để chúng tôi giao lưu, cọ xát với các Nhà hát khác. Nhà hát Kịch Hà Nội hiện nay có sân khấu quay hiện đại nhất Việt Nam sẽ làm các vở kịch thăng hoa hơn, đó là một ưu thế... Trước kia, ở cung Văn hoá Hữu nghị Việt Xô cũng có một sân khấu quay như vậy nhưng đã bị cháy từ năm 2019, sân khấu ở Nhà hát lớn Hà Nội thì chỉ nâng lên hạ xuống được thôi. Nếu không có sân khấu quay, các vở diễn sẽ có nhiều hạn chế về sức tưởng tượng không gian và thời gian, sức hấp dẫn của từng phân cảnh”.

NSND Công Lý - Phó giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội.

Khi được hỏi, xu thế chung hiện nay của các Nhà hát là phải tự chủ mọi thứ, vậy Nhà hát Kịch Hà Nội đã chuẩn bị như nào với chủ trương này? NSND Công Lý cho hay: “Chúng tôi phải chủ động mọi thứ, có thể cắt giảm hợp đồng nhân sự. Nghe thì đơn giản, nhưng việc tự chủ rất khó, chúng tôi đã hình dung đến việc mình phải gõ cửa tận nơi, đến các đơn vị để… bán vé. Chúng tôi xác định, mình không thể ngồi 1 chỗ để “chờ sung” được, mọi người đều phải làm việc, phải vận động. Muốn khán giả đến rạp phải đến tận nơi mà bán vé chứ. Chúng ta đang trong thời đại 4.0, khán giả có nhiều lựa chọn, họ có thể nghe nhạc, xem phim trên HBO, vì thế kéo khán giả đến rạp là cần có một chiến lược lâu dài…”.

Những đêm sáng đèn

Trong khuôn khổ Liên hoan sân khấu Thủ đô, tối 23/9, Nhà hát Kịch Hà Nội ra mắt vở diễn Trương Chi - Mị Nương dựa trên cốt truyện cổ tích dân gian Việt Nam. Đây là vở diễn chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2020). Tác phẩm vẫn bám theo câu chuyện về Trương Chi và Mị Nương - hai con người ở hai thế giới khác biệt, tưởng như sẽ không gì có thể xóa nhòa. Nhưng, với tiếng sáo tuyệt diệu, giọng hát trời ban, cùng sự xô đẩy của Đoàn gia - công tử con quan thượng thư, Trương Chi đã gặp Mị Nương, có cơ hội kết duyên cùng nàng.

Đây là lần đầu tiên chuyện tình Trương Chi - Mị Nương lên sân khấu kịch nói.

Vai Trương Chi do Ngọc Quỳnh thể hiện và vai Mị Nương do Thùy Dương đảm nhận đều là thách thức đối với mỗi diễn viên và họ đã làm khá tròn vai. Song, ấn tượng nhất là Thiện Tùng trong vai Đoàn gia với nhiều biến hóa giữa thiện và ác, tạo nên sự mạch lạc, gắn kết trong vở diễn. Bên cạnh đó, NSƯT Quang Thắng cùng các diễn viên Mạnh Kiên, Diễm Hương, Hồng Liên, Duy Hưng, Xuân Hồng, Xuân Hiển... với nhiều màn "tung hứng", khiến vở diễn thêm thú vị.

Sân khấu quay của Nhà hát Kịch Hà Nội tạo hiệu ứng tốt cho vở diễn.

Đạo diễn Phùng Tiến Minh chia sẻ, sân khấu kịch nói có ưu thế thể hiện hiện thực tâm lý mạnh mẽ, phê phán trực diện nên dễ đưa những câu chuyện cổ đến với khán giả hiện đại.

Đạo diễn đã sử dụng nhiều thủ pháp hiện đại trong âm thanh, ánh sáng, âm nhạc, vũ đạo để tác phẩm hấp dẫn hơn. Là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như Đi qua bóng tối, Vệt nắng cuối trời, Con đường hạnh phúc... chính vì thế khi lên ý tưởng cho vở diễn Trương Chi - Mị Nương, Tiến Minh đã tuyển chọn, sàng lọc kỹ càng. Âm nhạc trong vở diễn mang đậm chất thơ, chất lãng mạn, sử dụng âm nhạc Ngũ Cung nhưng được thổi vào đó những hơi thở đương đại ấn tượng.