Giải trí

NS Lê Mai hạnh phúc vì được đề nghị tặng danh hiệu NSƯT ở tuổi 83

Mới đây, sở Văn hoá - Thể thao Hà Nội công bố danh sách các nghệ sĩ được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10/2021 trong đó có NS Tấn Minh, Lê Mai...

Theo đó, Thường trực Hội đồng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT thành phố Hà Nội đã nhận được 48 hồ sơ, trong đó có 16 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, 32 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT từ các Hội đồng cấp cơ sở như: Sở VH-TT Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Múa rối Thăng Long…

NSƯT Tấn Minh được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND lần này.

Ở danh sách nghệ sĩ được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND đặc biệt có NSƯT Tấn Minh - Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long. NSƯT Tấn Minh (sinh 1972) là ca sĩ tân nhạc duy nhất được đề nghị tặng danh hiệu NSND đợt này. Nam ca sĩ được nhiều người biết đến và yêu mến khi còn là sinh viên Nhạc viện Âm nhạc Quốc gia. Tên tuổi của Tấn Minh gắn liền với hàng loạt ca khúc đã hằn sâu trong ký ức của nhiều thế hệ như: Phượng hồng, Mối tình đầu, Em và tôi, Bức thư tình đầu tiên… 

Ngoài ra, các nghệ sĩ như: NSƯT Hoàng Công Tạo, NSƯT Thanh Tú, NSƯT Trần Đức – Nhà hát Kịch Hà Nội; NSƯT Phạm Ngọc Ánh, NSƯT Nguyễn Thị Thu Huyền, NSƯT Trần Thị Loan, NSƯT Trần Thị Thu – Nhà hát Chèo Hà Nội; NSƯT Bùi Xuân Hanh, NSƯT Trần Thị Mai Hương – diễn viên Nhà hát Chèo Hà Nội (nghỉ hưu); NSƯT Đỗ Văn Hiền – biên đạo múa, nghệ sĩ tự do; 

NSƯT Nguyễn Tất Ngọc – hoạ sĩ, nghệ sĩ tự do; NSƯT Nguyễn Đạt Tăng – hoạ sĩ thiết kế (tự do); NSƯT Nguyễn Huỳnh Tú – đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long (nghỉ hưu), NSƯT Nguyễn Thanh Tùng – diễn viên Nhà hát Cải lương Hà Nội (nghỉ hưu) và Nguyễn Lê Văn – đạo diễn (nghỉ hưu) cũng được đề nghị xét tặng NSND đợt này.

Nghệ sĩ Lê Mai có 20 năm công tác tại nhà hát Kịch Hà Nội.

Trong số 32 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT từ các Hội đồng cấp cơ sở chú ý có nghệ sĩ Lê Mai, Kim Xuyến.

Nghệ sĩ Lê Mai sinh năm 1938, là mẹ đẻ của cá nghệ sĩ: Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi. Bà là một trong những nghệ sĩ gạo cội của Nhà hát Kịch Hà Nội. Bà tham gia Đoàn kịch Trung ương (nay là Nhà hát Kịch Việt Nam) từ năm 1954. Sau đó, bà chuyển qua Đoàn kịch Hà Nội. Bà từng thể hiện thành công nhiều dạng nhân vật trong các vở diễn: Những người ở lại, Cái máy chém, Lam Sơn tụ nghĩa... Nghệ sĩ Lê Mai còn xuất hiện trong những bộ phim truyền hình và phim truyện như: Vui buồn sau luỹ tre, Hoa đắng, Hoàng hôn dang dở, Chập cheng, Tình yêu không hẹn trước... Vì sự "phủ sóng" dày đặc của bà nên nhiều người vẫn tưởng bà được phong NSƯT từ lâu. 

Nghệ sĩ Kim Xuyến cũng là gương mặt quen thuộc của Nhà hát Kịch Hà Nội. Trong mấy chục năm hoạt động nghệ thuật, bà xuất hiện trên sân khấu lẫn trên màn ảnh với hàng trăm vai diễn khác diễn khác nhau. Dù không nhiều lần đảm nhận vai chính nhưng những vai phụ của bà vẫn để lại những dấu ấn đối với khán giả. Một số phim bà từng tham gia như: Đông Ki ra phố, Nửa vầng trăng còn lại, Con sẽ làm cô chủ, Tình yêu sau song sắt… Các vở kịch Canh bạc, các tiểu phẩm hài của Gặp nhau cuối tuần và hàng loạt phim hài Tết…

Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, nghệ sĩ Lê Mai cho biết: "Tôi hạnh phúc khi biết mình được xét tặng danh hiệu NSƯT. Tôi từng công tác ở nhà hát Kịch Hà Nội, nơi đó có nhiều nghệ sĩ gạo cội thành danh, sự ghi nhận này khiến những nghệ sĩ già như chúng tôi vui lắm".

Nghệ sĩ Lê Mai tâm sự thêm: "Tôi làm ở nhà hát Kịch Hà Nội gần 20 năm. Sau 3 lần sinh nở, sức khoẻ yếu còn có 34kg. Với lý do mất sức không làm diễn viên được, cơ quan đề nghị tôi làm thủ quỹ. Tôi nghĩ, thôi cũng đành nước mắt chảy ra và gật đầu. Nếu đi diễn thì có tiền bồi dưỡng thanh sắc, thêm cân bơ, vài hộp sữa hàng tháng. Sang giữ quỹ là không có gì nhưng dù sao vẫn còn có lương, có công việc.

Hàng ngày, tôi thu tiền diễn hàng đêm rồi sáng mai lại đạp xe mang ra ngân hàng ở bờ Hồ gửi, hay tháng đi rút tiền về phát lương cho mọi người. Vì còn vất vả, tôi cũng đi làm thêm. Tôi nhận đồ ở chợ Đồng Xuân về may để kiếm thêm. Cái bếp ngày ấy thấp, trời lại nắng, phải đội khăn ướt lên đầu rồi đội thêm cái nón để chống nóng mà ngồi làm. Sau đó, tôi về hưu và nhận lời làm phim truyền hình. Làm phim với các em trẻ vui lắm, đi làm phim, tôi vẫn đi xe máy. Mình còn khoẻ thì không muốn phiền đến con cháu...".

Nghệ sĩ Kim Xuyến vẫn miệt mài làm nghệ thuật dù tuổi đã cao.

Còn nghệ sĩ Kim Xuyến thì cho hay: "Nhiều năm làm nghề, chúng tôi vẫn biết ơn khán giả vì họ đã làm nên tên tuổi của mình. Ngày trước đi làm chỉ nghĩ diễn sao cho tốt, cho khán giải yêu chưa không bao giờ nghĩ đến giải thương hay danh hiệu. Bản thân tôi có cả Huy chương kháng chiến chống Mỹ, Huy chương Vì sự nghiệp văn hoá… và làm nghề bền bỉ trong hơn 60 năm qua nhưng không hiểu sao người ta không xét tặng danh hiệu cho tôi dù tôi đã nhiều lần làm hồ sơ. 

Lần này được đề xuất lên NSƯT thì tôi vui quá. Vì cống hiến của mình được khán giả và Nhà nước ghi nhận".

Bên cạnh đó, các nghệ sĩ như: Lưu Lan Hương, Ngọc Quỳnh, Thiện Tùng, Hoàng Sơn, Đỗ Thanh Tùng – Nhà hát Kịch Hà Nội; Phạm Đình Dũng – Nhà hát Múa rối Thăng Long; Nguyễn Thị Hải Hà, Cao Duy Tùng, Bùi Xuân Hoà – Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long; Lê Văn Ghi, Nguyễn Tiến Hiệp, Đinh Trọng Nguyên, Lê Thị Hồng Nhung, Bạch Quang Tuấn – Nhà hát Cải lương Hà Nội; Nguyễn Thị Hoài Anh, Phạm Hùng Cường, Trần Thị Thu Hoà, Bùi Văn Phòng, Nguyễn Văn Hùng, Bùi Tất Trọng – Nhà hát Chèo Hà Nội,... cũng được đề nghị xét tặng lần này.