Xu hướng thị trường

Novaland: 290 triệu USD vốn ngoại có thể được giải ngân trong năm 2020

Novaland đã giải ngân 310 triệu USD từ nguồn 600 triệu USD vốn ngoại được huy động thành công trong năm 2019. 290 triệu USD có thể được giải ngân vào năm 2020.

Chia sẻ tại Đại hội cổ đông thường niên vào sáng 5/6/2020, Lãnh đạo Tập đoàn Novaland cho biết, sẽ tiếp tục duy trì quan hệ với các đối tác, tổ chức tín dụng hàng đầu trong nước để huy động vốn.

Ban lãnh đạo Novaland cho rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách thắt chặt tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng thương mại có nhiều sự lựa chọn hơn trong hoạt động cho vay. Theo đó, Novaland được hưởng lợi từ chính sách này vì các ngân hàng sẽ tập trung hơn vào việc cho vay đối với các Công ty bất động sản có uy tín, quy mô lớn.

Về kế hoạch vốn, đối tác và thị trường, đại diện Novaland cũng cho biết, Tập đoàn đã xây dựng các kịch bản từ xấu đến tốt. Novaland là tập đoàn số ít tại Việt Nam triển khai tốt việc huy động vốn. Trong nước, Novaland tiếp tục duy trì mối quan hệ tín dụng tốt với VPbank, Vietinbank vàokhoảng 400-500 triệu USD trong năm 2020.

Đồng thời, Novaland tiếp tục tìm hiểu phát hành trên thị trường tài quốc tế, năm 2019 đã huy động 600 triệu USD, trong đó đã giải ngân được 310 triệu USD năm 2019 và năm 2020 có thể giải ngân 290 triệu USD, ngay trong mùa dịch đã giải ngân 100 triệu USD. Trong gói 300 triệu USD, cơ bản là trái phiếu chuyển đổi. Hiện đang đàm phán và cấu trúc, để đảm bảo lợi ích của công ty và cổ đông.

Chiến lược kinh doanh tập trung vào 3 dòng sản phẩm chủ lực

Chia sẻ với cổ đông trong ĐHCĐ sáng nay, Lãnh đạo Tập đoàn Novaland cho biết, năm ngoái, công ty đã hoàn thành 100% kế hoạch bán hàng với 6.500 sản phẩm. Trong năm nay, kế hoạch sẽ bán ra 8.000 sản phẩm. 2020 là một năm đầy thách thức, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong bối cảnh kinh tế vi mô và vĩ mô có nhiều thay đổi, nhưng Novaland vẫn được kỳ vọng sẽ hoàn thành các mục tiêu đề ra, thông qua những biện pháp quyết liệt để ứng phó, thích nghi. Novaland đặt kế hoạch kinh doanh với mục tiêu đạt doanh thu thuần 14.877 tỷ đồng, tăng 36% so với thực hiện năm trước; lợi nhuận sau thuế 3.650 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2019. 

Doanh thu và lợi nhuận năm nay dự kiến sẽ đến từ 10 dự án BĐS mà Novaland có kế hoạch bàn giao. Các dự án bàn giao chủ yếu là chung cư cao cấp ở quận 2, quận 7, Nhà bè,… và một phần dự án NovaHills Mũi Né, NovaWorld Hồ Tràm.

Cũng theo đại diện Novaland, năm trước tập đoàn cũng như nhiều doanh nghiệp BĐS khác gặp khó khăn về vấn đề rà soát pháp lý. Trên thực tế, hiện đã được tháo gỡ nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc. Năm 2020, Novaland bước vào năm thứ 3 phát triển giai đoạn 2 với định hướng chiến lược vào 3 dòng sản phẩm: BĐS nhà ở trung tâm, BĐS sinh thái đô thị vệ tinh và BĐS nghỉ dưỡng tại những thị trường tiềm năng.

Nhìn chung, chiến lược dài hạn vẫn không thay đổi. Về trung hạn và ngắn hạn, tập đoàn sẽ tập trung vào những dự án có những sản phẩm có nhu cầu thiết thực, phù hợp với khả năng chi trả của khách hàng. Novaland cũng sẽ hợp tác với nhiều đối tác, triển khai nhiều giải pháp tài chính, tiết giảm chi phí hoạt động, quản trị dòng tiền chặt chẽ…

Chiến lược kinh doanh tập trung vào 3 dòng sản phẩm chủ lực

Bước vào giai đoạn 2 phát triển, tập đoàn Novaland đang kiên định với chiến lược kinh doanh "kiềng 3 chân" dựa vào việc phát triển 3 dòng sản phẩm. Ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc công ty cho biết quỹ đất của Novaland khoảng 5.000 ha, đảm bảo cho đà tăng trưởng từ 10 – 15 năm tới.

Ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Novaland chia sẻ về chiến lược kinh doanh của Novaland tại Đại hội cổ đông thường niên vào sáng 5/6/2020.

Lãnh đạo Novaland đánh giá, du lịch đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng theo các chuyên gia đó chỉ là những khó khăn ngắn hạn, du lịch Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trở lại sớm ngay khi dịch bệnh được kiểm soát. Theo khảo sát của CBRE, ngành du lịch Việt Nam có 82,5% là khách hàng nội địa. Hiện nay du lịch nội địa đã bắt đầu hồi phục sau thời gian dài thực hiện dãn cách xã hội. Nhu cầu trong nước là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng của BĐS Nghỉ dưỡng sau đại dịch.

Đặc biệt đối tượng du lịch chính tại Việt Nam trong thời gian qua là khách du lịch nội địa (chiếm 82,5% số lượng khách du lịch năm 2019), và khách du lịch quốc tế từ Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ giúp thị trường du lịch Việt Nam hồi phục nhanh vào thời điểm dịch Covid-19 được kiểm soát.

"Novaland đã xây dựng các kịch bản và mô hình tài chính stress test tối đa trong trường hợp Covid-19 kết thúc vào thời điểm tháng 6, tháng 9 và tháng12/2020. Thông qua đó cho phép Ban Lãnh đạo Tập đoàn đánh giá tính ổn định của tình hình kinh doanh, dòng tiền và khả năng đáp ứng các nghĩa vụ nợ đến hạn trong năm 2020 và 2021.

Song song đó, chiến lược thoái vốn tại một số dự án đã đạt kỳ vọng lợi nhuận để đầu tư vào các dự án mới có IRR cao hơn. Đồng thời,Tập đoàn đã chủ động rà soát và cắt giảm chi phí nhằm tối ưu hóa hiệu quả công việc và đảm bảo tính liên tục trong vận hành và hoạt động kinh doanh của Novaland". Ông Huy chia sẻ.

Tại Đại hội, cổ đông cũng thông qua việc bầu bổ sung một thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ứng viên trúng cử là ông Lê Quốc Hùng, sinh năm 1950. Ông Hùng từng làm Giám đốc Sở Ngoại vụ TP HCM (2001 - 2008), Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco (2008 - 2011), Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Pháp TP HCM (2013 - 2016). Ông Hùng cũng đã làm cổ vấn cho Novaland từ 2014 đến 2015. Hiện, ông làm Ủy viên Ban chấp hành Quỹ Hòa Bình Phát triển Việt Nam.

Ông Lê Quốc Hùng, chính thức trở thành thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ 2016 - 2021

Sau khi bổ sung, Novaland có 6 thành viên HĐQT, bao gồm 3 thành viên độc lập. Kết thúc Đại hội, cổ đông thông qua nội dung các tờ trình, Novaland đặt kế hoạch kinh doanh với mục tiêu đạt doanh thu thuần 14.877 tỷ đồng, tăng 36% so với thực hiện năm trước; lợi nhuận sau thuế 3.650 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2019. 

Thu Hà