Tài chính - Ngân hàng

Nông sản rơi vào điểm "nóng", cung đang vượt cầu

Nhiều mặt hàng nông sản có sản lượng đăng ký tăng đột biến, gặp nhiều khó khăn trong công tác tiêu thụ.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại phía Nam, tính đến đến cuối tuần qua, đã có 388 đầu mối đăng ký cung cấp nông sản, thủy hải sản với khả năng cung cấp lớn.

Trong đó bao gồm 85 đầu mối rau củ, 102 đầu mối trái cây, 157 đầu mối thủy hải sản, 24 đầu mối lương thực và 20 đầu mối thuộc các mặt hàng khác.

Một số mặt hàng rau củ như khoai lang tím và dứa có sản lượng đăng ký tăng đột biến, dưa leo, …

Nguồn cung nhiều nhóm hàng thiết yếu ở phía Nam đã vượt cầu (Ảnh ANTĐ)

Dự báo những ngày sắp tới, các mặt hàng dưa leo, nhãn xuồng, nhãn, khóm, chanh, chuối, khoai lang, gà lông trắng, cua và tôm nước mặn sẽ cung vượt cầu bởi khả năng cung ứng nông sản của các tỉnh rất lớn và còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản, Thứ trưởng bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã có văn bản gửi các địa phương đề nghị chủ động rà soát kế hoạch sản xuất và cụ thể hóa danh mục vật tư nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19. Cụ thể, UBND các tỉnh, TP cần rà soát tình hình, kế hoạch sản xuất các loại nông sản trên địa bàn để có phương án cụ thể, phù hợp đối với các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản bảo đảm thúc đẩy sản xuất.

Những khó khăn của ngành nông nghiệp trong mùa dịch Covid-19 hiện nay đã làm khó bà con nông dân.

Bên cạnh đó, Tổ công tác 970 cũng phát hiện có dấu hiệu thiếu hàng hóa cục bộ trong hệ thống các chuỗi siêu thị tại một số tỉnh do đứt gãy vận chuyển từ các kho tổng; một số siêu thị, như ở Bến Tre tăng rất lớn lượng rau mua từ các tỉnh khác.

Trong bối cảnh dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, các đơn vị vận tải, chở hàng hóa nông sản gặp nhiều khó khăn khi đi qua các chốt kiểm dịch. Nhất là những khâu vận chuyển, phân phối sản phẩm; vận chuyển cây giống, con giống, thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

Tổ công tác 970 đề nghị chính quyền các địa phương bên cạnh tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 cần cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, các loại vật tư nông nghiệp xuất, nhập tỉnh được lưu thông thuận tiện; đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa, vật tư do khó khăn trong lưu thông.

Các doanh nghiệp có công suất giết mổ lớn có điều kiện đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 có các phương án, chuẩn bị kế hoạch giết mổ lượng lớn gia súc, gia cầm nếu các cơ sở chế biến giết mổ ở các tỉnh lân cận gặp sự cố dịch Covid-19.

"Đề nghị các doanh nghiệp chia sẻ, khắc phục khó khăn ngắn hạn để thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 trong thời hạn quy định nhằm nhanh chóng khống chế dịch bệnh, hướng tới mục tiêu ổn định dài hạn", đại diện Tổ công tác 970 kiến nghị.

Min (Tổng hợp từ NLĐ/Công thương)