Sự kiện

Nông sản hữu cơ mở ra một thị trường rộng lớn

Tình hình dịch bệnh Covid-19 dần được kiểm soát, khí hậu thuận lợi là những hứa hẹn thành công khi vải thiều Bắc Giang đang vào vụ thu hoạch chính.

Sáng 20/6, buổi Tọa đàm "Mở rộng diện tích vải chứng nhận hữu cơ, GlobalGAP" đã được tổ chức, ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp thiết thực cho công tác sản xuất hữu cơ và đẩy mạnh tiêu thụ đối với quả vải Bắc Giang.

Tiếp cận và tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ là xu hướng chung của toàn thế giới, tuy nhiên, diện tích vải đáp ứng được tiêu chuẩn Global GAP, hữu cơ của tỉnh Bắc Giang còn khá khiêm tốn. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để đẩy mạnh diện tích trồng vải đạt yêu cầu xuất khẩu vào các thị trường tiêu chuẩn cao như Hoa Kỳ, EU, Úc….

Nhiều khó khăn còn hiện hữu

Vải thiều là một nông sản xuất khẩu chủ lực của Bắc Giang trong những năm gần đây. Mặc dù chính quyền Tỉnh đã có nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng diện tích trồng vải đạt tiêu chuẩn hữu cơ, đáp ứng đủ điều kiện xuất khẩu nhưng tiến độ vẫn chưa được như kỳ vọng.

Đánh giá về những khó khăn hiện nay, ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang cho biết,

Diện tích trồng vải hiện nay của Bắc Giang khoảng trên 28 nghìn ha, cho sản lượng hàng năm từ 180 đến 200 nghìn tấn. Trong đó, vải chín sớm khoảng 6.700 ha, sản lượng ước đạt 60 nghìn tấn. Vải chính vụ có diện tích trên 22 nghìn ha, sản lượng từ 125 đến 135 nghìn tấn.

Bên cạnh thị trường tiêu thụ nội địa, nhu cầu thu mua của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cũng tăng cao, nhất là với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn Global GAP để có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản.

Ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang (ảnh chụp màn hình)

Mặc dù diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn chiếm gần 70% tổng diện tích vải toàn tỉnh, tuy nhiên, diện tích được cấp chứng nhận Global GAP và sản xuất hữu cơ còn rất khiêm tốn. Một trong những nguyên nhân lớn nhất là, sản xuất hữu cơ đòi hỏi phải chuyển hoàn toàn sang sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh và các thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thảo mộc…điều này khiến chi phí sản xuất còn tương đối cao.

Bên cạnh đó, người dân cần thời gian để học hỏi và thích nghi với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, công tác cấp chứng nhận cũng đang trong giai đoạn chuyển tiếp.

Một nguyên nhân nữa, thời gian hiệu lực của chứng nhận hữu cơ, Global GAP lại rất ngắn (12-24 tháng) khiến gia tăng thêm gánh nặng chi phí cho người dân, gây nhiều khó khăn trong quá trình thực hành sản xuất..

Do vậy, Bắc Giang đang tập trung xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ để đủ điều kiện được cấp chứng nhận.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu rau quả, Bộ NN-PTNT chỉ ra, sản xuất hữu cơ là xu hướng tất yếu để có các sản phẩm tốt, đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, xuất khẩu vào các thị trường lớn.

Trong đó, yếu tố quan trọng nhất để đủ điều kiện cấp chứng nhận hữu cơ, Global GAP là phải quản lý được đất đai, nguồn nước và không khí. Đảm bảo an toàn tuyệt đối không có nguy cơ ô nhiễm bởi các nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện…xung quanh.

Tạo được một vùng đệm để cách ly sự xâm nhập của các yếu tố bên ngoài. Nghiêm cấm sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ có nguồn gốc hóa học, các hóa chất bảo quản và kích thích sinh trưởng. Song song với đó là khuyến khích người dân sử dụng phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học khác trong quá trình sản xuất.

Những chính sách hỗ trợ thiết thực, hứa hẹn tương lai tươi sáng

Để đẩy mạnh công tác nâng cao chất lượng vải thiều, kích thích sản xuất hữu cơ phù hợp với các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP và nhân rộng diện tích vải đạt chuẩn, , Đặng Văn Tặng cho biết, tỉnh Bắc Giang đã tiến hành xây dựng đề án sản xuất cây ăn quả bền vững giai đoạn 2021-2025 trong đó có mục tiêu, đến năm 2025, diện tích trồng vải đạt tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP chiếm 70% diện tích toàn tỉnh. Tập trung xây dựng 4 mô hình với quy mô 40 ha sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ, cấp chứng nhận cho 120 ha vải đạt tiêu chuẩn Global GAP để phục vụ xuất khẩu vào các thị trường tiêu chuẩn cao.

Theo ông Tặng, chính quyền Bắc Giang đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực cho người dân như hỗ trợ 50% giá phân bón trong ba năm, hỗ trợ 100% chứng nhận sản xuất hữu cơ, Global GAP, hỗ trợ công tác số hóa, cấp mã số vùng trồng phục vụ cho công tác truy xuất nguồn gốc…khi các hộ đăng ký tham gia vào các mô hình sản xuất đạt chuẩn.

Trước mắt, tỉnh sẽ lựa chọn vùng, các hộ sản xuất đủ điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ về trình độ thâm canh, đất đai, nước tưới…để thúc đẩy phát triển.

Đẩy mạnh công tác phối hợp với các Viện nghiên cứu, các doanh nghiệp để hoàn thiện quy trình sản xuất hữu cơ. Đặc biệt là công tác sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để phòng trừ sâu bệnh, áp dụng các biện pháp đồng bộ như canh tác, bón phân tưới nước, chế phẩm sinh học để phòng trừ có hiệu quả bệnh sâu cuống quả.

Giao cán bộ chuyên môn hướng dẫn, trợ giúp người dân thực hành quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

Về mặt tiêu thụ, Bắc Giang cũng đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp chủ động ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ các sản phẩm hữu cơ, giúp người dân yên tâm tập trung vào sản xuất. Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang chia sẻ thêm,

“Tiêu thụ nội địa chiếm 60-65% phần còn lại là xuất khẩu. Hiện vải Bắc Giang đã thành công xâm nhập đến trên 30 nước và vùng lãnh thổ. Ngoài thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, tỉnh vẫn đang tập trung triển khai kế hoạch mở rộng thị phần tại các thị trường mang lại giá trị cao như Mỹ, EU, Nhật Bản…”

Cho đến nay, công tác cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vẫn đang được tỉnh triển khai quyết liệt. Cơ bản, sản lượng toàn tỉnh đáp ứng đủ yêu cầu trong nước và xuất khẩu.

Cần nhiều hơn nữa các chính sách hỗ trợ người dân

Bàn về các giải pháp hỗ trợ sản xuất, tăng cường công tác phối hợp giữa khoa học và thực tiễn, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu rau quả, Bộ NN-PTNT phân tích.

Trong tương lai, xu hướng tiếp cận và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ đã và đang mở ra một thị trường đầy tiềm năng cho nông sản Việt.

Vấn đề đặt ra hiện nay là cơ chế chính sách để hỗ trợ bà con sản xuất và tiêu thụ. Khó khăn lớn nhất mà bà con phải đối mặt là thói quen với tập quán canh tác lâu đời, truyền thống sẽ khiến cho việc tiếp xúc với quy trình sản xuất hữu cơ gặp nhiều khó khăn. Cần phải có phương pháp đào tạo, tập huấn và tuyên truyền giúp người dân nắm bắt chắc kỹ thuật sản xuất. Bên cạnh đó, cần minh bạch hóa các thông tin sản phẩm hữu cơ, tiêu chuẩn hóa các quy trình sản xuất để giúp đẩy mạnh công tác tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

“Kinh phí cấp chứng nhận hữu cơ và các tiêu chuẩn khác hiện đang là một gánh nặng trong sản xuất của người dân khi thời gian hiệu lực của chứng nhận ngắn (12-24 tháng- PV). Đây cũng là một rào cản lớn cản trở việc sản xuất hữu cơ, cần phải có nhiều chính sách hỗ trợ kinh phí cho công tác này”, Tiến sĩ Dũng nhấn mạnh.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu rau quả, Bộ NN-PTNT (ảnh chụp màn hình)

Chỉ rõ tầm quan trọng của công tác lựa chọn giống trong sản xuất, những thành tựu thiết thực từ công tác phối hợp hiệu quả giữa nhà nông và nhà khoa học, Tiến sĩ Dũng cho biết thêm,

Giai đoạn 2016-2021, Viện nghiên cứu rau quả đã phối hợp chặt chẽ với Sở NN-PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang để đánh giá và tuyển chọn ra được giống vải Phúc Hòa. Đây là một giống vải ưu việt, thời gian thu hoạch sớm, có khả năng rải vụ, đã được Bộ NN-PTNT công nhận là giống vải chính thức. Diện tích giống vải Phúc Hòa hiện nay đạt khoảng 1.300 ha.

Trong năm 2021, Viện nghiên cứu rau quả đã hoàn thiện được quy trình sản xuất thâm canh vải theo tiêu chuẩn Global GAP, chú trọng sản xuất vải an toàn, tập huấn cho khoảng 900 cán bộ khuyến nông.

Viện cũng đã thành công xây dựng mô hình khuyến nông, ứng dụng đầy đủ gói kỹ thuật thâm canh vải theo Global GAP với quy mô trình diễn khoảng 150 ha. Xây dựng mô hình sơ chế, bảo quản 150 ha. Kết hợp với nhiều doanh nghiệp tiêu thụ hơn 1.000 tấn quả thành phẩm.

 

Rút kinh nghiệm từ những tranh chấp trước đây, năm 2021, Viện nghiên cứu rau quả (Bộ NN-PTNT) đã phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang để tư liệu hóa, mô tả đặc điểm…khẳng định quyền sở hữu cho nhãn hiệu vải thiều Lục Ngạn, xuất khẩu thành công sang thị trường Nhật Bản.

Sắp tới, Viện nghiên cứu rau quả sẽ phối hợp với nhiều địa phương để thực hiện các mô hình sản xuất hữu cơ. Hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước để ứng dụng các chất xử lý đất, phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học giúp xây dựng thành công mô hình, chuyển giao công nghệ sản xuất và nhân rộng diện tích trồng vải hữu cơ.