Sự kiện

Nông nghiệp xanh sẽ chi phối thị trường nông sản toàn cầu

Bên cạnh những thành tựu, nông nghiệp Việt Nam còn nhiều tồn tại cần khắc phục, thay đổi để hòa nhập vào xu hướng chung của thế giới.

Ngày 13/4/2022, “Diễn đàn trao đổi về vai trò của khu vực tư nhân trong phát triển Hệ thống thực phẩm và nông nghiệp xanh, giảm phát thải khí nhà kính” đã được Bộ NN-PTNT phối hợp với Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam tổ chức.

Những tồn tại cần khắc phục ngay của nông nghiệp Việt Nam

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, trước bối cảnh tác động sâu sắc của đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, nông nghiệp Việt Nam một lần nữa khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực và giảm nghèo, góp phần ổn định xã hội và sinh kế. Năm 2021, giá trị xuất khẩu toàn ngành đạt 48,6 tỷ USD, đóng góp khoảng 15% GDP của quốc gia.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị (ảnh: Lê Tuấn)

Bên cạnh những thành tựu, Thứ trưởng cũng chỉ ra nhiều tồn tại và thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam, từ nội tại cho đến khách quan như nguồn tài nguyên cạn kiệt, suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, biến động thị trường và sự biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới. Nông nghiệp không chỉ là ngành chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu mà còn là nguồn gây phát thải khí nhà kính đáng kể. Theo số liệu kiểm kê khí nhà kính năm 2016, sản xuất nông nghiệp chiếm 13,9% tổng lượng phát thải khí nhà kính của quốc gia.

“Chuỗi cung ứng của nền nông nghiệp thời gian qua chưa được chú trọng. Năm 2021, “cơn bão” giá vật tư đầu vào, từ phân bón, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y đều tăng cao, còn nhiều lệ thuộc vào nhập khẩu. Do vậy, thăng dự thương mại của ngành sụt giảm mạnh, chỉ còn 4,5 tỷ USD trong khi năm 2020 là 10,4 tỷ USD”, Thứ trưởng chỉ ra những vấn đề tồn tại.

Phát triển bền vững, sản xuất và tiêu dùng xanh, ít phát thải

Nhận định về những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, tháng 1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050” với mục tiêu “Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính…Sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững. Phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, ít phát thải, thân thiện với môi trường và thích ứng với khí hậu...”.

Bên cạnh đó, tại các hội nghị, hội thảo quốc tế như COP 26, Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc về Hệ thống lương thực thực phẩm, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ Việt Nam cũng đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững. Cam kết, đến năm 2050 sẽ đưa phát thải ròng về 0, tham gia sáng kiến “Giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu” và cam kết thực hiện “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”.

Hiện nay Bộ Nông nghiệp và PTNT đang triển khai xây dựng Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, bao gồm Kế hoạch “Giảm phát thải khí mê-tan trong lĩnh vực nông nghiệp đến 2030”.

Toàn cảnh Hội nghị (ảnh: Lê Tuấn)

Để thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn và các cam kết quốc tế nói trên, Việt Nam cần phải có những nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ, mà cả khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia thực hiện ở các quy mô khác nhau để khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội.

Chuyển đổi từ mô hình sản xuất đặt nặng tư duy sản lượng, năng suất nhưng sử dụng nhiều đầu vào, thâm dụng tài nguyên sang mô hình tăng trưởng nông nghiệp xanh, ít phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng nhấn mạnh về vai trò hạt nhân của khối doanh nghiệp trong tiến trình phát triển mới, giúp thúc đẩy nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, ứng dụng khoa học-kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản.

“Tuy nhiên, hiện nay số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp hiện chỉ chiếm 8% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, trong đó số doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản chiếm 1%. Tình hình thu hút các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao (CNC) còn rất hạn chế, do lĩnh vực này vốn chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết, dịch bệnh; thị trường tiêu thụ chưa ổn định; quy mô, nguồn lực của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hạn chế khi phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiệu quả chưa cao”.

Chuyển đổi từ tư duy sản lượng, thâm dụng tài nguyên sang mô hình tăng trưởng nông nghiệp xanh, ít phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Khẳng định, cùng với phát triển bền vững, xu hướng sản xuất và tiêu dùng xanh, ít phát thải sẽ chi phối thị trường nông sản và thương mại toàn cầu. Thứ trưởng cho rằng, để thành công tham gia vào sân chơi chung của thế giới, Việt Nam cần phải có những bước đi táo bạo và có tầm nhìn để chuyển đổi sang hệ thống lương thực thực phẩm xanh, ít phát thải và bền vững.

Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp; thực hiện đồng hành và tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp đầu tư, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số, sạch, hữu cơ.

“Với “Tư duy đổi mới” và “Cùng hành động”, tôi tin rằng với những nỗ lực của Chính phủ và toàn dân, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững. Tiến tới một nền nông nghiệp xanh, giảm phát thải”, Thứ trưởng kết luận.