Kinh tế vĩ mô

Nông nghiệp Việt Nam đang “đốt đèn đi trong sương”

Cơ quan quản lý Nhà nước là phần ngọn, căn cơ gốc rễ để giải bài toán ùn tắc xuất khẩu phải đến từ chính các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và người nông dân.

Ùn tắc xuất khẩu, không phải câu chuyện của riêng năm 2021

Phát biểu tại buổi Tọa đàm “Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?” diễn ra chiều ngày 4/3, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, cách đây 3 đến 5 năm cũng đã diễn ra tình trạng tắc biên đối với hàng hóa xuất khẩu nhưng năm 2021, do tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến cho tình hình trở lên nghiêm trọng hơn.

Thời điểm đó, dư luận cũng đã đặt ra những câu hỏi, những giải pháp mang tính căn cơ nhưng khi tình trạng tắc biên được giải quyết, những vấn đề then chốt lại bị lãng quên, không được kiên trì theo đuổi và hoạch định một cách có chiều sâu.

“Những giải pháp vừa qua của các cơ quan quản lý Nhà nước chỉ là phần ngọn bởi, nếu nông sản không ùn ứ tại cửa khẩu thì đương nhiên sẽ tắc ngay từ vùng sản xuất. Quan trọng nhất vẫn là phần “gốc” là chính từ người nông dân, từ các doanh nghiệp”, Bộ trưởng chỉ ra.

Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan

Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, dịch bệnh là nguyên nhân khách quan nhưng tình trạng tắc biên đến từ chính tâm lý cầu may của một bộ phận người dân và doanh nghiệp.

“Thôi thì cứ đưa hàng lên, biết đâu lại xuất khẩu được còn hơn phải chứng kiến cảnh công sức mình bị rơi sông đổ biển ngay trước mắt”, Bộ trưởng nói về tâm lú "cầu may" của 1 số doanh nghiệp.

Đó chính là sự “mù mờ’ của nông nghiệp Việt Nam hiện tại, “mù mờ” từ cung cho đến cầu bởi chưa được vận hành theo một quỹ đạo chung, chưa có sự hợp tác và kết nối bài bản giữa sản xuất và thị trường. Người nông dân cần phải nắm bắt được thông tin để làm chủ thị trường, từ đó đưa ra những kế hoạch sản xuất phù hợp, hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro.

Nền kinh tế kế hoạch tập trung trước đây kiểm soát từ cung- cầu đến phân phối khiến sản xuất khó bắt kịp thị trường và để lại nhiều tồn dư khi Việt Nam chuyển mình sang giai đoạn kinh tế thị trường.

“Nông dân mang tư duy thời vụ, doanh nghiệp mang tư duy thương vụ, chính quyền mang tư duy nhiệm kỳ, đó chính là những tư duy sai lầm cần phải thay đổi để hoạch định lên những chiến lược phát triển dài hạn”, ông Hoan bày tỏ.

Cần phải thay đổi tư duy sản xuất

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của thông tin trong thời đại ngày nay, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, một bộ phận các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn thiếu tính năng động, chưa ý thức hết tầm quan trọng của mình trong công tác dẫn dắt thị trường, sớm hài lòng với thành tích hiện tại, thờ ơ trong việc cập nhật thông tin, cập nhật những thay đổi của thị trường để từ đó điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp. Hệ lụy tất yếu là người nông dân, lực lượng sản xuất trực tiếp cũng không kịp thời thay đổi để thích ứng với các quy định mới.

“Doanh nghiệp đi buôn có thể chuyến lời, chuyến lỗ nhưng bà con nông dân sẽ gần như mất trắng nếu thua lỗ trong một vụ mùa. Như vậy, vai trò dẫn dắt sản xuất của Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp là vô cùng quan trọng trong công cuộc cơ cấu lại nền nông nghiệp”, Bộ trưởng cảnh tỉnh.

Một nguyên nhân nữa được người đứng đầu ngành nông nghiệp chỉ ra là sự chậm chạp trong việc chuyển từ tư duy sản xuất, tập trung phát triển sản lượng sang tư duy kinh tế nông nghiệp, thiếu nhạy bén trong công tác tìm kiếm và mở rộng thị trường để đưa ra kế hoạch sản xuất phù hợp khiến sản xuất và thị trường chưa thể gặp nhau.

“Quyền lực Nhà nước không phải là tối thượng, không phải có thể điều chỉnh kế hoạch sản xuất đến tận từng người nông dân. Chính nhu cầu thu mua của doanh nghiệp, chiến lược phát triển của các Hiệp hội ngành hàng đóng vai trò quyết định trong sản xuất của người dân”.

Tổ chức lại hệ thống các ngành hàng, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch

Đề cập đến những giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, cần phải tổ chức lại các hệ thống ngành hàng, tổ chức lại từ khâu sản xuất cho đến thị trường. Một yếu tố quan trọng nữa là cần đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, hoàn thiện hệ thống hạ tầng logictics.

“Mọi sự thay đổi đều khó khăn nhưng nếu không thay đổi sẽ càng khó khăn hơn nữa”.

Theo Bộ trưởng, trong chiến hoạch dài hạn sắp tới, cần phải cắt đặt rõ ràng và cụ thể các khối lượng công việc, phân cấp từ trung ương đến địa phương, cho đến các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp.

Bộ NN-PTNT đã trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương thí điểm, xây dựng một trung tâm kết nối nông sản theo hình thức xã hội hóa tại tỉnh Quảng Ninh, bước tiếp theo sẽ triển khai tại Lạng Sơn, tỉnh có nhiều cửa khẩu thông thương quan trọng với Trung Quốc.

Các trung tâm này sẽ đóng vai trò là trung tâm sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm tại chỗ trong trường hợp xuất hiện tình trạng ùn tắc xuất khẩu. Nếu xảy ra dịch bệnh, các trung tâm này sẽ như một “vùng xanh”, đảm bảo chất lượng sản phẩm hoàn toàn phù hợp với các quy định phòng chống dịch.

Trong cơ chế đặc thù được Quốc hội phê duyệt cho thành phố Cần Thơ cũng có nội dung xây dựng một trung tâm kết nối, tiêu thụ nông sản cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh lân cận. Khu vực Tây Nguyên sắp tới cũng sẽ tiến hành xây dựng một trung tâm nông sản tương tự, kinh phí được lấy từ nguồn vốn đầu tư công.

“Đó là sự quan tâm, đầu tư từ phía Chính phủ nhưng quan trọng nhất, cần phải tổ chức lại sản xuất, hệ sinh thái ngành hàng để đáp ứng nhu cầu chuẩn hóa cho từng thị trường. Củng cố lại các liên minh xuất khẩu để tăng cường công tác chia sẻ thông tin”.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, sắp tới Bộ NN-PTNT sẽ xây dựng đề án phát triển cho từng thị trường riêng biệt, theo đúng đặc thù và đặc điểm của thị trường đó.

“Trước mắt sẽ là đề án phát triển tại thị trường Trung Quốc. Trong tương lai, sẽ mở rộng ra các thị trường quan trọng khác như Mỹ, EU…”.