Tiêu điểm

Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái cho rằng, qua hai năm dịch bệnh Covid-19, chúng ta cảm nhận rõ nét và khẳng định vai trò của nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế.

Tự chủ về nguồn nguyên liệu cho ngành nông nghiệp

Thảo luận về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 sáng 30/10, ĐBQH Chu Thị Hồng Thái (Đoàn Lạng Sơn) quan tâm đến vai trò của nông nghiệp, đại biểu Thái cho rằng qua 2 năm dịch bệnh Covid-19 hoành hành trên toàn thế giới và trong nước, chúng ta cảm nhận rõ nét và khẳng định vai trò của nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn. Khu vực nông thôn lại trở thành chỗ dựa vững chắc, sẵn sàng "dang tay" đón lao động từ các khu công nghiệp, các thành phố lớn quay trở về như thời gian vừa qua. Nhưng qua đây cũng nhận thấy rằng ngành nông nghiệp cũng cần phải thay đổi, phải cơ cấu lại để thích ứng với hiện thực nhiều biến động và đòi hỏi ngày càng tăng của thị trường.

“Tôi đồng tình và nhất trí cao với mục tiêu, các chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp như báo cáo đã nêu. Có thể nói các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đưa ra đã cơ bản giải quyết những tồn tại, hạn chế của ngành nông nghiệp hiện nay là thiếu bền vững, kinh tế còn nhỏ lẻ, ruộng đất sản xuất manh mún và thị trường tiêu thụ thiếu ổn định”, đại biểu Thái nêu.

ĐBQH Chu Thị Hồng Thái cho rằng ngành nông nghiệp cần có giải pháp tự chủ về nguồn nguyên liệu sản xuất.

Theo đại biểu Thái, Chính phủ đưa ra các giải pháp về kinh tế số, kinh tế xanh và giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp. Các giải pháp đưa ra đã bám sát các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, đại biểu vẫn còn một số băn khoăn về nhập khẩu các nguồn nguyên liệu.

Từ những dẫn chứng như trên, đại biểu cho rằng ngành nông nghiệp cần phải có giải pháp tự chủ về nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón, các nguyên liệu khác phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Cùng với việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, hỗ trợ người nông dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, giảm giá thành, từ đó tăng khả năng cạnh tranh với thị trường quốc tế. Tuy nhiên, trong mục tiêu chưa đề cập đến việc tự chủ của ngành nông nghiệp từ việc chưa đưa ra mục tiêu ghi trong báo cáo, cũng chưa nêu nhiệm vụ, giải pháp về vấn đề này.

“Tôi đề xuất với Chính phủ, nghiên cứu, xem xét đưa nội dung tiến tới tự chủ về nguyên liệu sản xuất vào trong mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp…”, đại biểu Thái mong muốn.

“Đẩy mạnh hiệu quả liên kết giữa 4 nhà”

ĐBQH Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) đồng tình với nhiệm vụ và giải pháp tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, xanh - sạch - hữu cơ để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản gắn với phát triển công nghiệp chế biến và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Tuy nhiên, theo đại biểu Yên với đặc thù điều kiện địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán canh tác và bản sắc văn hóa đậm nét của vùng Trung du miền núi phía Bắc, trong đó có Tây Bắc và tỉnh Điện Biên, với đặc trưng của kinh tế đồi rừng nên rất cần có những cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp để tạo ra động lực mới, tạo điều kiện và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư và phát triển các mô hình sản xuất tiên tiến có hiệu quả.

Theo đại biểu, đẩy mạnh hiệu quả liên kết giữa 4 nhà, bao gồm nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp nhằm gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, kết nối với hệ thống tiêu thụ để Tây Bắc phấn đấu theo kịp và cùng với cả nước, hướng tới nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại như văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ.

ĐBQH Tạ Thị Yên đồng tình với việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, xanh - sạch - hữu cơ.

Cho ý kiến về nhiệm vụ, giải pháp, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ĐBQH Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) bày tỏ: "Nông nghiệp luôn luôn thể hiện vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế. Cơ cấu lại nông nghiệp trong kế hoạch của Chính phủ đã tiếp cận theo hướng này”. 

Về mục tiêu của kế hoạch đã được xác định trong cơ cấu lại, đó là cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nền nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản, bảo vệ môi trường sinh thái. Theo đại biểu Tám, mục tiêu xác định như vậy là đúng và chính xác.

Trong kế hoạch có đề cập đến xây dựng nông nghiệp, hướng tới nông nghiệp thịnh vượng, khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh - sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ... Nhưng mô hình cơ cấu lại nông nghiệp như thế nào thì chưa được rõ. Đại biểu Tám cho rằng, nên làm rõ thêm mô hình cơ cấu lại nền nông nghiệp trong giai đoạn 2021-2025 như thế nào, phải có mô hình cụ thể.

Vần đề xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam cũng được đại biểu Tám quan tâm, đại biểu nêu ví dụ: “Mới đây, chúng tôi thấy có một thông tin là giống lúa ST2, ST25 là do các nhà khoa học của nước ta nghiên cứu, sản xuất thành công nhưng hiện tại đã có 40 doanh nghiệp nước ngoài đang đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25. Họ đăng ký được thì chúng ta rõ ràng rất thiệt thòi. Tôi nghĩ rằng, vấn đề xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản cho Việt Nam cũng là vấn đề hết sức quan trọng và tôi đề nghị cũng nên xác định rõ ở trong kế hoạch này”.