Xu hướng thị trường

Nông dân trồng sầu riêng vẫn mắc vào “cái bẫy" đã được dự báo trước

Hiện tượng tranh mua, tranh bán, loạn giá đã tạo ra ảnh hưởng lớn đến chất lượng, uy tín và thương hiệu sầu riêng Việt Nam trên thị trường xuất khẩu.

Sáng 11/9, Diễn đàn “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam” đã được tổ chức.

Sầu riêng thành "sầu chung"

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Ngọc Thạch - Tổ trưởng Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 cho biết, cách đây đúng 1 năm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan đã đưa ra một số cảnh báo bên cạnh những tín hiệu đáng mừng nhân sự kiện lô hàng sầu riêng đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. 

Toàn cảnh sự kiện.

Dẫn lời Bộ trưởng Lê Minh Hoan: “Nếu chúng ta làm đúng, làm đủ, tuân thủ luật chơi, thì trái sầu luôn là trái ngọt, trái thơm; còn ngược lại, trái sầu phút chốc trĩu nặng nỗi buồn thành “trái đắng”, ông Thạch cho biết, tròn 1 năm sau, “sầu riêng” đã thực sự trở thành niềm vui khi 7 tháng đầu năm 2023 đem lại hơn 1 tỷ USD và dự báo có thể đạt trên 2 tỷ USD trong năm nay.

Tuy nhiên, ông Thạch nhấn mạnh, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận, ngành hàng này đã rơi vào “cái bẫy” mà Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã cảnh báo 1 năm trước, đó là: “Khi giá cả lên, một bộ phận người nông dân sẽ tăng sản lượng bằng mọi cách, lạm dụng các chất kích thích tăng trưởng, tự phát mở rộng vùng trồng...”.

Thực tế, trong thời gian qua, việc tăng giá quá nóng mất kiểm soát là hiện tượng tranh mua, tranh bán, loạn giá, bẻ cọc sầu riêng, tạo ra nguy cơ và hệ lụy rất lớn, ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín và thương hiệu sầu riêng Việt Nam trên thị trường xuất khẩu.

Ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk.

Thông tin về thực trạng sầu riêng hiện nay, ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, đến nay cả nước có hơn 112 ngàn ha sầu riêng, diện tích đã tăng nhanh trong những năm gần đây. 

Bình quân mỗi năm tăng gần 25% trong 5 năm gần đây, với tổng sản lượng hiện nay khoảng 900 ngàn tấn; trong đó tập trung ở một số vùng chính như: Tây Nguyên, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Vùng Đông Nam bộ và một số địa phương khác. Riêng tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 23 ngàn ha, trong đó có khoảng 50% diện tích đã cho thu hoạch với sản lượng năm 2023 ước tính trên 200 ngàn tấn.

Thời gian vừa qua, sau khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào Trung Quốc được ký kết giữa Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc, giá sầu riêng đã tăng cao. Dự kiến, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng cả nước sẽ đạt trên 1,6 tỷ USD, chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Dương cho biết, bên cạnh những yếu tố tích cực, thuận lợi thì việc phát sinh, đối mặt với những khó khăn, thách thức, rủi ro, thậm chí là tiêu cực do tăng trưởng nóng.

“Sầu riêng muốn đi xa, tạo thị trường bền vững, thì mọi chủ thể trong chuỗi giá trị cần phải chung sức chung lòng, hợp tác gắn bó để cùng đi lên. Nông dân, doanh nghiệp, địa phương có vùng trồng và cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học cần đi cùng nhau trong tổng thể không gian liên kết phát triển ngành hàng”, ông Dương nói.

Hợp tác - liên kết - thị trường

Trước thực trạng trên, gợi mở các định hướng trong thời gian tới , Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, người dân trồng sầu riêng, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương bên cạnh sự háo hức khi có cơ hội xuất khẩu sầu riêng chính ngạch cũng cần lường trước những khó khăn, thách thức trong ngành hàng này. 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu chỉ đạo diễn đàn.

Theo Bộ trưởng, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn thể hiện qua “hợp tác - liên kết - thị trường”. Do đó, muốn ngành hàng sầu riêng nói riêng, các ngành hàng khác nói chung phát triển phải tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững. Trong đó, phải có sự hiện diện của cả sản xuất và tiêu thụ, nghĩa là có nông dân và doanh nghiệp. Tổ chức lại sản xuất không đơn thuần chỉ là cải tiến kỹ thuật gieo trồng mà là tạo ra không gian để nông dân, doanh nghiệp ngồi lại với nhau.

Muốn ngành hàng phát triển hiệu quả phải bắt đầu từ sản xuất, nghĩa là doanh nghiệp đến với người dân ngay từ khi xuống giống để hướng dẫn, tạo niềm tin. Còn nếu liên kết từ khâu tiêu thụ, thì lại rơi vào mối quan hệ thuận mua vừa bán.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần thấm nhuần tư tưởng kinh doanh, buôn bán sầu riêng không chỉ vì lợi nhuận mà còn là trách nhiệm với nền nông nghiệp quốc gia. Từ đó, chuyển từ quan hệ thuận mua vừa bán sang quan hệ hợp tác. Nông nghiệp của chúng ta là manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Do đó, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội phải tham gia từ đầu cùng nông dân để người dân có đầy đủ thông tin để điều chỉnh sản xuất.

Song song với đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định, mã số vùng trồng mới dừng ở việc khuyến khích mà chưa bắt buộc, nên tiến tới đây sẽ là yêu cầu bắt buộc. Tất cả phải đi vào tiêu chuẩn, quy chuẩn, không còn tình trạng tự phát.

Muốn làm được điều này, trước tiên chính quyền địa phương phải thay đổi tư duy. Bởi lẽ, cơ quan quản lý nhà nước địa phương là người gần nhất với doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất; phải đưa họ vào không gian chung, tổ chức chung để truyền thông, thông tin, thống nhất trong sản xuất theo đúng yêu cầu thị trường. 

Các địa phương có thể áp dụng cách tiếp cận mới với người dân thông qua các tổ khuyến nông cộng đồng, Chi cục trồng trọt, BVTV, Hội nông dân, doanh nghiệp… Từ đó, khoanh vùng trồng để quản lý, hướng dẫn cho người dân sản xuất tránh những rủi ro.