Tiêu dùng & Dư luận

Nông dân điêu đứng vì ngô lai

Đi giữa cánh đồng bạt ngàn ngô tại Ninh Thuận, PV chỉ nghe những tiếng thở dài, rồi những lời hỏi nhau: “Vụ này ông (bà) thua lỗ bao nhiêu?”.

Clip: Nông dân Ninh Thuận điêu đứng vì ngô lai mất mùa.

Những bắp ngô trơ lõi

Ngày 19/3, PV báo Người Đưa Tin đến xã Mỹ Sơn (huyện Ninh Sơn) để ghi nhận thực tế về tình hình sản xuất ngô lai F1 của bà con. 

Khác với những năm trước, niên vụ ngô lai F1 Đông Xuân 2018 – 2019, bà con tại xã Nhơn Sơn đa số thua lỗ nặng. Hộ nào may mắn thì vớt vát lại được tiền vốn đầu tư, hộ nào kém may thì mất trắng tiền đầu tư. Niềm vui, phấn khởi của mọi năm nay được thay bằng những nét mặt buồn bã, u sầu.

Anh Nguyễn Văn Hiệp buồn bã khi ngô lai không có hạt. (Ảnh: Duy Quan).

Tình cờ gặp ông Nguyễn Văn Hiệp (ngụ thôn Mỹ Hiệp, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn) đang chăm sóc ngô tại rẫy thuộc khu vực Đồng Cây Sung, ông Hiệp kể: “Vụ này gia đình tôi đầu tư 2,2ha ngô lai giống F1. Đến bây giờ, ngô đã hơn 3 tháng nhưng đến 80% diện tích không đạt năng suất. Thậm chí có nhiều cùi bắp không có hạt”.

“Tiền đầu tư đến bây giờ hơn 90.000.000 đồng, nhẩm tính nếu khi thu hoạch xong là tôi cầm chắc thua lỗ”, ông Hiệp buồn bã nói.

Thửa ruộng ngay kế bên là của gia đình anh Võ Thành Nguyên (ngụ xã Mỹ Hiệp, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn), tình trạng không khá khẩm hơn là bao. Mặc dù cây ngô lai giống F1 phát triển rất tốt nhưng các cùi ngô lại rất thưa hạt, thậm chí không có hạt.

Để minh chứng cho lời than vãn của mình, anh Nguyên chọn ngẫu nhiên 3 bắp ngô rồi tách cho PV tận mắt chứng kiến, cả ba bắp đều chỉ có nguyên lõi, đôi chỗ có lưa thưa vài hạt.

Anh Võ Thành Nguyên dẫn PV đi thực tế tại rẫy ngô nhà mình. (Ảnh: Duy Quan).

Anh Nguyên buồn rười rượi: “Ngô nhà tôi xuống giống từ khoảng tháng 11/2018, đến nay đã hơn 3 tháng nhưng chất lượng ngô rất kém. Thiệt hại gần như 70 – 80%”. Nói đến đây anh Nguyên im lặng khoảng 10 giây rồi lắc đầu nói tiếp: “Hơn 20.000.000 đồng đầu tư cho 7 sào giờ tôi cầm chắc thua lỗ”.

“Những năm trước với thời tiết thuận lợi, năng suất ngô của bà con nông dân có thể đạt từ 8 – 10 tấn ngô/ha/vụ. Năm nay, cũng kỹ thuật trồng và chăm sóc như mọi năm nhưng lại lỗ nặng”, anh Nguyên nói thêm.

Theo anh Nguyên, niên vụ ngô Đông Xuân 2018 - 2019 khi xuống giống thì gặp ngay những trận mưa lớn kéo dài khiến cây còi cọc chậm phát triển. Cây trổ cờ thụ phấn lại tiếp tục gặp mưa làm cho trái ngô không có hạt.

Những bắp ngô còi cọc, lưa thưa vài hạt trên cánh đồng hàng chục ha tại Ninh Thuận (Ảnh: Duy Quan).

Tương tự, PV cũng đã tìm đến gia đình ông Mai Nháy (ngụ thôn Mỹ Hiệp, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn). Gia đình ông Nháy cũng vừa thu hoạch 6 sào ngô lai F1 nhưng chỉ được 2 tấn thành phẩm.

Hiện nay, giá bán ngô lai dao động ở mức 8.500 đồng/kg, tổng số tiền thu hồi được từ 6 sào ngô nhà ông Nháy chỉ được 17.000.000 đồng, trong khi số vốn ông đổ vào đây đã trên dưới 20.000.000 đồng.

Gần 50ha đất nông nghiệp bỏ trắng

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, đại diện hợp tác xã (HTX) sản xuất Dịch vụ tổng hợp Nông nghiệp Mỹ Sơn cho biết, từ năm 2018 đến nay đã có khoảng 50ha đất trồng ngô lai F1 của bà con nông dân xã Mỹ Sơn bị bỏ trống hoặc chuyển đổi sang trồng cây hoa màu khác.

Nhiều diện tích ngô lai của bà con xã Mỹ Sơn đều trong tình cảnh ít hạt, thậm chí nhiều cùi bắp không có hạt. (Ảnh: Duy Quan).

Lý giải về nguyên nhân nông dân bỏ đất, bà Nguyễn Thị Thu Phượng, Giám đốc HTX sản xuất Dịch vụ tổng hợp Nông nghiệp Mỹ Sơn cho biết: “Từ cuối tháng 9/2018, HTX đã làm đầu mối ký kết xuống giống ngô lai F1 trên diện tích 200ha/170 hộ với 3 công ty là: Công ty Cổ phần giống cây trồng Đông Nam, trung tâm Giống cây trồng Nha Hố và công ty Cổ phần giống cây trồng Miền Nam để xuống giống ngô lai F1. Tuy nhiên, sau đó do ảnh hưởng của 3 cơn bão 8, 9, 10 năm ngoái, nhiều diện tích ngô bị ảnh hưởng nặng làm năng suất giảm chất lượng. Khi thu hoạch bà con chỉ thua lỗ”.

Sau hơn 3 tháng xuống giống, nông dân Ninh Thuận chỉ thu về các cùi bắp không hạt. (Ảnh: Duy Quan).

“Như mọi năm nếu thời tiết thuận lợi thì 1ha ngô lai bà con có thể thu được 8 tấn, nhưng năm nay chỉ có 2tấn/ha. Chi phí trung bình cho 1ha từ đầu vụ đến khi thu hoạch khoảng 50.000.000 đồng. Năm nay giá bán dao động 8.500 đồng/kg thì 1ha của bà con chỉ thu về tầm 15.000.000 -17.000.000 đồng. Như vậy bà con thua lỗ hơn 35.000.000 đồng/ha”, bà Phượng phân tích.

Càng trồng càng lỗ, nên bà con nông dân bỏ đồng hoang cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu không tái sản xuất thì mỗi ha đất ruộng cũng bị mất trắng 20.000.000 đồng.

Từ cuối tháng 9, đầu tháng 10/2018 khi bà con xuống giống gặp phải mưa nhiều, nhiều diện tích gieo đi gieo lại đến lần thứ ba nên tiền đầu tư càng đội lên. Cụ thể, tiền cày, bừa, xới đất rồi thuê công gieo hạt, phân bón cho 3 lần, mỗi khâu, mỗi công đoạn đều tốn nhiều chi phí khiến nhiều người nản lòng.

Do ảnh hưởng của thời tiết năng suất ngô lai năm nay của bà con bị hư hại nhiều. (Ảnh: Duy Quan).

“Mặc dù, các hộ nông dân cũng đã tích cực chăm sóc nhưng cây sinh vẫn trưởng kém, trái bắp nhỏ, nhiều cây không ra bắp. Đặc biệt đến tháng 12/2018, khi ngô trổ cờ lại tiếp tục gặp mưa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thụ phấn, tỷ lệ kết hạt giảm rõ rệt”, bà Phượng nói thêm.

Trước những khó khăn nói trên, không chỉ riêng nông dân mà HTX sản xuất Dịch vụ tổng hợp Nông nghiệp Mỹ Sơn cũng đang rất mong ngành chức năng tỉnh Ninh Thuận cũng như các công ty giống cây ngô lai F1 sớm quan tâm có những hỗ trợ cho bà con để tái sản xuất trong mùa khô hạn này.