Tâm sự

Nơi tôi muốn gắn bó suốt cuộc đời

Đời sống & Pháp luật trong tôi là một điều gì đó rất thiêng liêng khó có thể diễn tả bằng lời. Đây là nơi dạy cho tôi những bài học vỡ lòng về nghề báo.

Người thầy và các anh chị ở VPMT đã truyền cho tôi ngọn lửa đam mê để say nghề. Trải qua 8 năm gắn bó, tôi xem đây là ngôi nhà thứ hai của mình.

Cuối năm thứ 4 đại học, tôi lo lắng vì ra trường không biết sẽ đi đâu về đâu khi trong đầu toàn một mớ kiến thức từ trong sách vở về nghề báo. Suốt 4 năm học đại học, trong khi các bạn đi cộng tác khắp nơi thì tôi vẫn mơ hồ về nghề báo. Tôi mơ hồ bởi tôi đến với nghề lúc đó không phải vì đam mê mà vì “oai”.

Ngày ấy tôi chỉ là một đứa con nông dân, đầu óc vẫn mang nặng tư tưởng xin việc phải có mối quan hệ và tiền. Thậm chí, bố mẹ tôi cũng lo lắng không biết khi con ra trường lấy đâu ra tiền để xin việc. Nhưng tôi không nghĩ rằng với nghề này, nếu không có năng lực thì thì dù có “chạy” vào được “ấm chỗ” thì cuối cùng cũng bị đào thải.

May mắn cho tôi, kỳ thực tập năm cuối, nhờ một đứa bạn giới thiệu tôi xin vào Văn phòng miền Trung báo Đời sống & Pháp luật để thực tập. Trong văn phòng ai cũng gọi anh Phan Xuân Hồng - Trưởng văn phòng - bằng Thầy. Mãi sau này tôi mới hiểu vì sao mọi người gọi anh như vậy. Anh không chỉ là lãnh đạo mà còn là người thầy hướng dẫn và truyền đam mê cho chúng tôi về nghề báo. Tuần đầu tiên về thực tập, anh Hồng yêu cầu tôi lôi báo cũ ra đọc. Anh bảo nếu muốn viết báo, trước tiên phải hiểu “gu” của báo như thế nào. Anh bảo những bài viết của báo của chúng ta xuất bản, nhưng 2 năm sau đọc lại thông tin vẫn hay mà không cũ. Anh còn chỉ cho chúng tôi cách phát hiện và tiếp cận đề tài, về đạo đức nghề báo,…

Phóng viên tác nghiệp trong chuyến đi các huyện miền Tây xứ Nghệ.

Sau một thời gian, tôi được phân công theo anh Lê Văn Giáp, nay là Phó Trưởng Văn phòng miền Trung, để học việc. Bước đầu, tôi cũng tìm những đề tài nhẹ nhàng để viết. Tuy nhiên, số lượng bài được đăng chỉ được 2 bài. Khi bài được đăng tôi cũng chỉ hí hửng nhìn tên bút danh chứ không hề đọc lại bài được sửa như thế nào. Thấy tôi viết mãi không tiến bộ, anh Giáp khuyên tôi đọc lại bài mình trên báo xem mình mắc những lỗi gì để còn rút kinh nghiệm mà tiến bộ. Thậm chí, đọc cả bài của các anh chị để học hỏi  các viết và triển khai đề tài. Sau 1 tháng thực tập ở báo, nhờ các anh truyền cảm hứng tôi có đam mê hơn đối với nghề báo.

Tốt nghiệp xong, tôi về Nghệ An mạnh dạn nộp hồ sơ xin vào làm việc ở báo. Thực ra, tôi rất lo lắng bởi vì hoàn cảnh gia đình cũng khá khó khăn, mối quan hệ không có nên cũng không biết xin việc ở đâu. Khi được anh Hồng đồng ý, tôi mừng đến rơi nước mắt vì ít ra cũng có chỗ để tiếp tục học nghề. Tuy nhiên, đến với nghề báo cũng không phải là điều dễ dàng. Những bài viết của tôi thời điểm đó phải viết đi, viết lại rất nhiều lần mới được đăng. Thời điểm đó, anh Giáp còn bảo biên tập bài của em còn khổ hơn tự đi viết một đề tài. Bài viết của tôi được anh sửa từ tít, nội dung và nắn nót từng câu chữ. Cũng có thời điểm tôi nản chí định bỏ ngang chuyển sang ngành nghề khác. Nhưng nhờ anh Hồng và các anh chị trong Văn phòng động viên, truyền lửa niềm đam mê tôi lại tiếp tục cố gắng.

Điều quan trọng, các anh chị trong Văn phòng tạo điều kiện hết mức để cho tôi làm việc.  Rồi dần dần, tôi cũng được anh Hồng tin tưởng giao đề tài đi viết. Đi nhiều, trải nghiệm nhiều, viết nhiều khiến tôi càng thích thú và đam mê hơn với nghề. Thậm chí, thời điểm đó, tôi chạy một ngày qua 3 huyện, tìm hiểu nhiều đề tài, tối đến miệt mài viết đến tận sáng để kịp gửi bài lên trang. Thời đó, không có lương, hàng tháng về xin bố mẹ tiền tiêu nhưng chỉ cần có bài được đăng lên báo là tôi cảm  thấy vui rồi.

Năm 2014, sau 2 năm nỗ lực phấn đấu, cuối cùng tôi cũng trở thành thành viên chính thức của báo. Đằng sau những bài báo được lên trang là mồ hôi, nước mắt, hy sinh và cả những nụ cười hạnh phúc. Cũng có đôi lần tôi ngất xỉu khi đi tác nghiệp ở vùng lũ, bố mẹ, bạn bè đều khuyên tôi từ bỏ nghề vất vả và nguy hiểm này. Tuy nhiên, khi nhìn những tấm ảnh chân thực, câu chữ nói lên nỗi khổ và những mất mát của người dân miền Trung gồng mình chống chọi cơn “thịnh nộ” của thiên nhiên, tôi càng có thêm động lực để cố gắng.  

Bây giờ tôi đã lập gia đình, có con nhỏ ngoài niềm đam mê tôi còn phải nghĩ đến thu nhập duy trì cuộc sống. Mặc dù áp lực kinh tế, đặc biệt là thời điểm báo quy hoạch chuyển sang tạp chí và đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng tôi cố dặn lòng phải “giữ lửa” và niềm đam mê. Cả tòa soạn đang gồng mình vượt qua khó khăn này. Tôi nghĩ rằng mọi sự dấn thân, cống hiến hết mình cho tòa soạn rồi sẽ nhận lại quả ngọt. Ở giai đoạn này, quy hoạch báo chí, từ báo chuyển sang tạp chí tôi hiểu rằng phải thay đổi liên tục, hoàn thiện mình để thích ứng với cách làm mới, cơ chế mới.

Tôi cảm thấy may mắn khi có những người anh, người chị tận tình dẫn dắt tôi trong quá trình làm nghề. Vì vậy, Đời sống & Pháp luật đối với tôi là ngôi nhà thứ hai. Tôi thường bảo với đồng nghiệp, bạn bè, báo đối với tôi là cả ân tình. Tôi nguyện cống hiến hết mình cùng các anh chị trong cơ quan vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Hà Hằng