Cộng đồng mạng

“Nổi sóng” mạng: Thông điệp chung tay thu thập 100 nghìn chữ A giúp đỡ trẻ tự kỷ được dân mạng lan tỏa

Mới đây, người dùng mạng xã hội Việt Nam chia sẻ mạnh mẽ những thông điệp ý nghĩa liên quan đến trẻ tự kỷ, nhằm nhanh chóng gom đủ 100 nghìn chữ A ủng hộ trẻ tự kỷ.

Theo báo Thanh niên đưa tin, những ngày gần đây, cộng đồng mạng kêu gọi người dùng mạng xã hội Facebook đăng bài viết kèm hashtag bắt đầu bằng 3 chữ A như hướng dẫn để nhà tài trợ tặng 200 triệu đồng tổ chức các khóa tập huấn cho phụ huynh có con tự kỷ.

Những dòng hashtag #autism, #awareness, #a365 xuất hiện trên mạng xã hội.

Báo VTC News thông tin, chương trình 100 nghìn chữ A  ủng hộ tự kỷ có nội dung như sau: "Đăng lên Facebook những bức hình đẹp, lạc quan (ưu tiên hoạt động thể thao), gắn 3 hashtag bắt đầu bằng chữ A là #autism, #awareness, #a365. Mỗi lần đăng như vậy được tính 3 chữ a. Mỗi người có thể đăng nhiều lần, và đủ 100 nghìn chữ A nhà tài trợ sẽ tặng 200 triệu tổ chức các khoá tập huấn cho phụ huynh có con tự kỷ".

Về ý nghĩa của 3 chữ A trong hoạt động, đại diện mạng lưới Tự kỷ Việt Nam cho biết, đó là A trong Autism - chứng tự kỷ chưa thể chữa khỏi nhưng có thể can thiệp tiến bộ; A trong Awareness - nhận thức là điều quan trọng trong quá trình phát hiện và can thiệp, giúp thay đổi cuộc đời người tự kỷ; và A365 là chương trình hướng dẫn cha mẹ hoàn toàn miễn phí trong việc phát hiện sớm, can thiệp sớm tự kỷ tại nhà và tại cộng đồng. 

Dân mạng lan tỏa thông điệp ý nghĩa liên quan đến trẻ tự kỷ.

Để câu chuyện được rõ ràng, báo Pháp luật TP.HCM đã liên lạc với chị Phạm Thị Kim Tâm, Chủ tịch Mạng lưới tự kỷ Việt Nam (VAN), về vấn đề này.

Chị Phạm Thị Kim Tâm, cho biết: “Nguồn kinh phí 200 triệu đồng GCC đã có sẵn để hỗ trợ cho hoạt động của VAN thông qua Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP),  tức A365. A365 sẽ chịu trách nhiệm thống kê lượng chữ A.

Đây là trung tâm hoạt động nhiều lĩnh vực và chúng tôi đã từng hợp tác một số dự án liên quan đến tự kỷ. Mục đích chính của việc chia sẻ 100.000 chữ A lần này là truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng chứ không có gì liên quan nhà tài trợ. Thật sự từ ban đầu khi chia sẻ thông tin vào ngày 10/3, chúng tôi không nhắc đến nhà tài trợ và nhà tài trợ cũng không yêu cầu điều đó. Tuy nhiên, sau một thời gian đăng tải, nhiều người lại nghi ngờ tính xác thực của đơn vị tổ chức, nhà tài trợ… nên chúng tôi mới phải ghi rõ”.

Theo lời chị Phạm Thị Kim Tâm, Mạng lưới tự kỷ Việt Nam không nhận trực tiếp số tiền từ nhà tài trợ mà sẽ là nơi thực hiện chương trình để sử dụng số tiền đó. A365 sẽ là đơn vị chi tiền cũng như báo cáo với nhà tài trợ.

“Trong 200 triệu được tài trợ lần này dùng để hướng dẫn tập huấn cho phụ huynh, mở rộng mạng lưới tự kỷ ở các tỉnh, thành… thông qua việc thực hiện video, mời chuyên gia tập huấn, thậm chí các chi phí hậu cần tổ chức cho việc tập huấn ở địa phương.

Bên cạnh đó, một phần tiền hỗ trợ sẽ được dùng cho việc đầu tư ứng dụng (app) A365 nhằm cung cấp thông tin, hướng dẫn trực tuyến… cho phụ huynh.

Chúng tôi vận hành VAN và thực hiện các chương trình theo mô hình từng gói tài trợ, chứ từ trước đến nay phụ huynh đến với VAN chưa bao giờ phải đóng góp bất cứ chi phí gì. Nhiều năm hoạt động của VAN chúng tôi từng gặp rất nhiều dư luận lùm xùm và thực tế một việc làm chẳng thể có đồng thuận tất cả bao giờ nhưng mình vẫn cứ phải làm thôi” - chị Phạm Thị Kim Tâm chia sẻ.

Hiện thông điệp ý nghĩa liên quan đến trẻ tự kỷ vẫn liên tục được cư dân mạng chia sẻ.

Phong Linh (tổng hợp)