Sức khỏe

Nội soi can thiệp lấy 4 chiếc răng giả “lạc” vào dạ dày

Trong lúc ăn cơm, một nữ bệnh nhân nuốt tụt hàm răng giả vào đường tiêu hóa nên nhập viện cấp cứu. Ê-kíp bác sĩ đã lấy dị vật là 4 chiếc răng giả ra ngoài.

4 chiếc răng giả “lạc” vào dạ dày

Ngày 12/3, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, Bs.CK2 Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc chuyên môn bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ khoa Nội soi bệnh viện vừa nội soi tiêu hóa can thiệp thành công một trường hợp dị vật là 4 chiếc răng giả trong dạ dày với thời gian 3 phút.

Bệnh nhân V.T.T., nữ, 61 tuổi, ngụ Ninh Kiều TP.Cần Thơ nhập viện lúc 20h ngày 11/3 trong tình trạng huyết áp tăng cao, không khó thở, không đau ngực.

Hình ảnh răng giả qua nội soi.

Bệnh nhân cho biết, đang gắn hàm răng giả sử dụng được 10 ngày. Cách thời điểm nhập viện 2 giờ, trong lúc ăn cơm với rau, bệnh nhân nuốt tụt răng giả vào đường tiêu hóa. Bệnh nhân tự sử dụng 3 viên thuốc xổ đường tiêu hóa nhưng không hiệu quả.

Ngay sau khi nhập viện, các bác sĩ xử trí tình trạng tăng huyết áp và tiến hành nội soi tiêu hóa can thiệp cấp cứu. Ê-kíp can thiệp do Bs.CK2 Nguyễn Thị Quỳnh Mai - Trưởng khoa Nội soi bệnh viện - BS Thạch Thành Tây nội soi can thiệp thành công, dùng dụng cụ lấy dị vật là 4 chiếc răng giả trong dạ dày với thời gian là 3 phút.

Có thể tử vong do sốc nhiễm trùng

Theo Bs.CK2 Nguyễn Thị Quỳnh Mai, nuốt phải dị vật vào đường tiêu hóa là 1 tai nạn thường gặp. Trong phần lớn các trường hợp, dị vật bị nuốt vào sẽ tự trôi qua ống tiêu hóa trước khi được đào thải ra ngoài qua phân.

Tuy nhiên, đôi khi các dị vật không tiếp tục di chuyển mà bị tắc lại ở một chỗ hẹp gây ra viêm, loét, thậm chí thủng đường tiêu hóa dẫn đến nhiều biểu hiện lâm sàng đa dạng, có thể ảnh hưởng tới tính mạng của bệnh nhân.

Bệnh viện thường tiếp nhận các ca nuốt răng giả buộc phải nội soi cấp cứu như trên. Khi nuốt răng giả, thông thường móc cài của răng giả sẽ bị mắc kẹt tại vùng hẹp của thực quản nằm gần ngực, nơi có nhiều mạch máu lớn.

Bệnh nhân có thể tử vong bất kỳ lúc nào nếu móc sắt này chọc trúng mạch máu lớn gây chảy máu ồ ạt. Ngoài ra, nếu bệnh nhân nhập viện trễ, móc sắt có thể gây tổn thương, nhiễm trùng vùng giữa ngực. Bệnh nhân có thể tử vong do sốc nhiễm trùng nặng nề.

Răng giả trong dạ dày được lấy ra thành công.

Cũng theo Bs Mai, những bệnh nhân có lắp răng giả cần cẩn trọng nhai kỹ, uống chậm, không vội vàng trong quá trình ăn uống để tránh nuốt sặc dễ khiến dị vật rơi lọt vào thực quản và dạ dày, nhất là với những người đeo răng giả có thể tháo rời.

Nên kiểm tra răng giả định kỳ tại các cơ sở y tế vì theo thời gian, khuôn nhựa hàm giả lão hóa, mòn, không còn chặt, dễ rơi ra khỏi hàm thật khi ăn vội, nhai thức ăn cứng… Ngoài ra, lúc ngủ cũng nên tháo bỏ răng giả để tránh răng giả vô tình rớt ra mà lọt vào đường thở hay đường ăn thì càng nguy hiểm.

Khi phát hiện mắc phải dị vật, người bệnh cần đến khám và điều trị can thiệp ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa, không nên tự ý điều trị tại nhà hoặc điều trị mẹo theo dân gian rất nguy hiểm và làm bệnh phức tạp thêm, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Thanh Lâm