Gia đình

Nỗi sợ của mẹ chồng: Ám ảnh những chuyến “buôn dưa” khắp thiên hạ

Nếu có một nàng dâu vô cùng ít nói, cả ngày cạy miệng không hé răng nửa lời thì gia đình sẽ trở nên thật đơn điệu, buồn tẻ. Nhưng nếu trong gia đình có một nàng dâu “mồm năm miệng mười”, ngồi lê khắp xóm, cũng có thể khiến mẹ chồng phải đau đầu phiền muộn quanh năm.

“Trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã thông”

Thời nay, không chỉ có chuyện mẹ chồng nói xấu con dâu, mà có nhiều nàng dâu cũng đem chuyện gia đình đi phát tán khắp xóm, khắp làng.

Người ta vẫn thường nói: “Đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại”, tuy nhiên, hiện nay, các nàng dâu khó lòng kiềm chế những “câu chuyện làm quà” cho tập thể hội “buôn dưa” hàng xóm, hoặc cho hội chị em, hay hội bỉm sữa trên mạng xã hội phân tích, mổ xẻ.

Nhiều nàng dâu thích "tám" về chuyện riêng tư trong gia đình với bạn bè, hàng xóm, hay thậm chí trên cả mạng xã hội.

Chị Nguyễn Thị Bích Nụ (Lào Cai) chia sẻ một câu chuyện về mẹ chồng - nàng dâu khó hòa hợp: “Gần nhà tôi, có gia đình chị T. thường xuyên xảy ra mâu thuẫn với mẹ chồng. Nguyên nhân lớn nhất, có lẽ là do chị T. luôn luôn kể lể những chuyện không hợp nhau giữa chị và mẹ chồng về việc chăm con, chăm cháu với tất cả hàng xóm xung quanh, giữa hai thế hệ khác nhau có quan điểm, suy nghĩ và hành xử khác nhau. Từ đó, cái gọi là bằng mặt không bằng lòng rồi dần dần chuyển sang không bằng lòng ra mặt luôn.

Bao nhiêu bức xúc dồn nén, chỉ cần một “tia lửa” phóng qua cái là nó “bùng cháy”. Chị T. luôn cảm giác mẹ chồng rất ghét chị và bản thân chị cũng không hợp tính mẹ chồng. Chính từ miệng chị T. mà cả xóm đều biết tường tận những chuyện xảy ra trong nhà. Bà S. (mẹ chồng chị T.) cũng nhiều phen “muối mặt” vì bị con dâu “vạch áo cho người xem lưng”. Không khí trong gia đình lại trở nên căng thẳng vì mẹ chồng - nàng dâu xích mích”.

Chị Nguyễn Thị Bích Nụ chia sẻ một câu chuyện mẹ chồng - nàng dâu khó hòa hợp.

Bà Lương Thị Xuân (Lào Cai) cũng buồn rầu vì cô con dâu tên Vàng Thị Inh “quá thật thà” với cả khu phố, bất kể chuyện gì trong gia đình cũng sẽ trở thành đề tài của chị Inh với hàng xóm.

Bà Xuân kể: “Ngay hồi mới về làm dâu, chuyện tôi tặng đồ cưới, sinh lễ ra sao, con dâu tôi cũng đem kể tường tận bên ngoài. Thời điểm đó, gia đình còn khó khăn hơn bây giờ nên tài sản không được bao nhiêu, có món còn phải đi vay mượn, nhưng con dâu tôi thì cứ kể “vanh vách” không ngần ngại. Nhiều người tỏ ý cười gia đình tôi, khiến tôi mất thời gian khá dài không dám tiếp xúc với hàng xóm”.

Cũng không ít lần đau đầu với cô con dâu út tên Đ.A.N., bà N.T.M. (Quảng Trị) cho rằng trong lòng con dâu vẫn luôn có nhiều mâu thuẫn với bà. Chị N. từng than thở với nhiều người rằng: “Từ lúc về làm dâu đến giờ, gia đình chồng coi chị chẳng khác nào osin, đi làm cả tuần bận rộn, thứ 7 ở nhà phục vụ cả ngày thế mà Chủ nhật xin về ngoại, vừa chuẩn bị dắt xe ra, bị mẹ chồng kêu ngược trở lại, “vẽ” thêm việc cho làm, cứ như dì ghẻ không cho cô Tấm đi hội không bằng”.

Theo bà M., chính vì những câu chuyện lan ra từ miệng con dâu khiến nhiều người đánh giá bà là mẹ chồng “hắc ám”, tự nhiên đến tai bà M. và càng tô đậm thêm vai diễn “mẹ chồng khó tính” của bà.
Chẳng những kể lể với một vài người hàng xóm, có những nàng dâu vì bất mãn với mẹ chồng mà mang những chuyện không mấy hay ho vào mấy nhóm tâm sự kín trên các trang mạng xã hội, nhờ chị em phụ nữ vào bênh vực.

Chị Lâm Ý A. (Đà Nẵng) từng chia sẻ những dòng trạng thái khá giận hờn: “Có mẹ chồng nào mà chỉ vào mặt con dâu nói: “Nhà này mà chọn dâu không bao giờ lấy như cô”, trong khi tôi chưa từng một lần làm gì có lỗi với nhà bà suốt bao nhiêu năm, chỉ thấy hùng hục như một con osin chính hiệu…”. Chị A. còn kể tường tận những tồn tại trong gia đình nhà chồng để chờ đợi lời lẽ cùng phe, không quan tâm đến hậu quả danh dự cả gia đình.

Trong thực tế, có hàng tá lý do để khiến mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu bế tắc và nặng nề, nhưng một trong những tác nhân kéo khối tình cảm này đi xuống nhiều nhất chính là do thói quen buôn chuyện không kiểm soát, không chọn lọc của nàng dâu.

Cẩn trọng để giữ hạnh phúc gia đình

Chị Đoàn Hoài Thương (Hải Dương) phân tích: “Trên đời ai chả có lúc đúng lúc sai, ngay cả bố mẹ ruột còn có lúc tranh luận, huống chi mẹ chồng. Khi hai người phụ nữ yêu một người đàn ông kiểu gì chả có lúc không hợp. Dù sao đó cũng là mẹ chồng, người sinh ra chồng mình, thì nên tôn trọng. Chuyện trong gia đình, càng giữ kín được bao nhiêu, thì hạnh phúc càng bền chặt bấy nhiêu”.

Chị Mai Tr. (Hà Nội) lại gặp vấn đề với chị dâu chồng. Vốn ghét kiểu sống giả tạo và ích kỷ, thấy chị dâu giả tạo lấy lòng bố mẹ chồng, chị chia sẻ: “Tôi làm gì cũng nghĩ đến mẹ chồng, ngược lại, bà chỉ hướng về chị dâu nhiều vì chị khéo miệng”.

Tuy nhiên, chị cũng không vì thế mà lôi những chuyện xấu của gia đình ra để xem xét, thẩm định cùng “bàn dân thiên hạ”. Chị Mai Trang cho biết: “Dù tôi không khéo nịnh được như chị dâu, nhưng vẫn sống thật tốt để sau không phải hối hận. Sau này khi hoạn nạn, mẹ chồng sẽ biết được tấm lòng ai thực ai giả”.

Chị Mai Tr. gặp chút vấn đề với chị dâu của chồng, được lòng mẹ chồng hơn.

Có hai nàng dâu khá ưng ý, bà Nguyễn Thị Bắc (Hưng Yên) chia sẻ: “Chỉ cần con dâu biết ý, biết chăm lo gia đình và không dành thời gian than thở với những người không liên quan đến gia đình, cuộc chiến mẹ chồng - nàng dâu sẽ không tồn tại, cuộc sống vì thế cũng sẽ “dễ thở” hơn.

Tôi may mắn có hai cô con dâu đảm đang tháo vát mà cũng rất hiểu chuyện, chưa bao giờ “ngồi lê đôi mách” chuyện gì, cho dù hồi đầu tôi cũng khá khắt khe, nếu không muốn nhận là mẹ chồng khó tính”.

Không nên có thói quen “bà tám”, gặp ai cũng kể lể những bất mãn về mẹ chồng và gia đình chồng, thái độ này không giúp nâng cao giá trị mà còn trở thành con người thiển cận, so đo trong mắt mọi người.

Không phải ai cũng có thể may mắn ngay từ đầu gặp một mẹ chồng ân cần, dịu dàng, nhưng là một nàng dâu, đã không thể vun vén cho gia đình thì cũng không bao giờ được tự tay cầm dao phá nát những sợi dây tình cảm ấy. Việc công khai tường tận mọi chuyện trong cuộc sống chỉ biến bản thân và gia đình thành trò vui cho người khác, chân thành đối đãi mới là cách để xây dựng một gia đình hạnh phúc.

Bài 4: Nỗi sợ của mẹ chồng: Cao tay neo giữ hạnh phúc bằng tình thân được đăng tải trên báo điện tử Người Đưa Tin vào 8h ngày 14/2, mời quý vị và các bạn đón đọc.