Hồ sơ điều tra

Nỗi lòng của người đàn ông bị hàm oan 103 ngày

Bị cáo buộc tội Vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai, ông Triều bị khởi tố, bắt giam 103 ngày.

Ông bị đưa ra xét xử nhưng thiếu chứng cứ kết tội nên được trả tự do ngay tại tòa. Từ đó, ông Triều miệt mài suốt hơn 20 đi tìm công lý.

Nhận gần nửa tỷ bồi thường nhưng không đủ trả nợ

Sau hơn 1 năm được nhận hơn 452 triệu đồng tiền bồi thường oan sai từ cơ quan CSĐT Công an quận Cái Răng, TP.Cần Thơ, cuộc sống gia đình ông Nguyễn Văn Triều, SN 1959, ngụ Khu vực 5, phường Ba Láng, quận Cái Răng dần ổn định. Hằng ngày, ông Triều vẫn miệt mài giăng lưới bắt cá góp thêm thu nhập cho gia đình. Còn người vợ đồng cam cộng khổ, đồng hành cùng ông suốt khoảng thời gian đi tìm công lý vẫn với công việc nội trợ và chăn nuôi gà, vịt tại gia thường ngày của mình.

Ông Triều đang trao đổi với PV ĐS&PL. (Ảnh: Thanh Lâm).

Tiếp PV Người Đưa Tin Pháp Luật tại nhà riêng, ông Triều cho biết, số tiền mà cơ quan CSĐT Công an quận Cái Răng bồi thường không đủ để ông trả nợ vay mượn làm kinh phí đi kêu oan khắp nơi từ suốt hơn 20 năm liền.

“Nhà nước tính toán thì mình nhận bấy nhiêu thôi, bởi những việc đi lại bằng xe ôm, hay thuê người làm đơn từ,… thì làm gì có hóa đơn chứng từ để chứng minh được”, ông Triều nói.

Ngày ông Triều bị cáo buộc tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai, cũng thời điểm gia đình rơi vào cảnh cùng cực. Ông Triều kể, năm 1979, ông nhập ngũ sang nước bạn Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế. Đến năm 1984, ông Triều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vẻ vang trở về địa phương.

Năm 1988, ông Nguyễn Văn Năm, ngụ khu vực Yên Hạ, phường Lê Bình, quận Cái Răng tranh chấp đất với ông Nguyễn Văn Tuân. Việc tranh chấp được chính quyền địa phương hòa giải thành công. Sau đó, ông Năm ký đơn nhận 500 m2 đất, cam kết không khiếu nại nữa.

Ông Triều cho biết, thời điểm này, ông cũng được người chú là ông Nguyễn Văn Tuân cho ở khoảng 500 m2 đất, nguồn gốc đất của ông nội để lại. Em gái ông Triều ở và sử dụng từ năm 1975 đến năm 1984. Ông Triều phục viên về ở và sử dụng liên tục, không xảy ra tranh chấp. Hàng năm, ông Triều đóng thuế đất cho Nhà nước đầy đủ.

Năm 1994 – 1995, UBND quận Cái Răng ra Quyết định 65 và 70/QĐUB buộc ông Triều dỡ nhà giao đất cho ông Năm. Ông Triều làm đơn khiếu nại gửi đến các cấp. Ngày 10/3/1996, Công an quận Cái Răng ra quyết định khởi tố vụ án vi phạm các quản lý đất đai rồi bắt giam ông Triều 103 ngày. Sau đó, ông Triệu bị đưa ra xét xử, nhưng vì thiếu chứng cứ kết tội ông Triều được trả tự do ngay tại tòa.

23 năm hành trình giải oan

Được trả tự do, ông Triều liên tục gửi đơn yêu cầu cơ quan tố tụng minh oan, giải quyết bồi thường oan sai. Ngày 28/2/1997, cán bộ điều tra chuyển toàn bộ hồ sơ cho Văn phòng UBND huyện Châu Thành tiếp nhận, giải quyết theo thẩm quyền. Đến năm 2001, huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ (cũ) chia tách thành huyện Châu Thành và Châu Thành A. Lúc này, ông Triều gửi đơn khiếu nại về việc bị khởi tố, bắt giam oan nhưng không được giải quyết.

Quyết định giải quyết bồi thường oan sai đối với ông Triều. (Ảnh: Thanh Lâm).

Ngày 19/12/2007, ông Triều mới nhận được quyết định số 2 của Công an quận Cái Răng đình chỉ vụ án do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn ông Tuân (chú ông Triều) cũng bị khởi tố oan về tội danh trên đã lâm bệnh và mất vào năm 2005.

Cơ quan tư pháp địa phương kiểm tra, phát hiện hồ sơ thất lạc tại UBND huyện Châu Thành, do công tác bàn giao hồ sơ sau khi chia tách không chặt chẽ nên không có cơ sở xử lý. Ngày 10/5/2016, cơ quan CSĐT Công an quận Cái Răng ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với ông Triều và ông Tuân, theo điểm b khoản 2 Bộ luật Tố tụng Hình sự do hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can có tội.

Ngày 7/11/2019, Công an quận Cái Răng tổ chức bồi thường tổn thất về tinh thần, thu nhập thực tế bị mất đối với ông Triều là 452 triệu đồng. Do ông Tuân đã qua đời, con trai là Nguyễn Văn Chính, đại diện gia đình ông Tuân nhận 461 triệu tiền bồi thường oan sai.

Bà Phan Thị Thủy, SN 1963, vợ ông Triều nhớ lại, những tháng ngày chồng bị bắt giam, bà vừa đi kêu oan cho chồng, vừa gồng gánh nuôi 2 con nhỏ.

“Hành trình kêu oan lắm gian nan, suốt 3 tháng ròng, tôi ngược xuôi giải oan cho chồng vẫn không mang lại kết quả. Đến ngày chồng được trả tự do tại tòa, ông ấy bắt đầu làm đơn gửi đi khắp nơi để kêu oan và cuối cùng, ông trời cũng không phụ lòng người”, bà Thủy thuật lại.

Ông Triều vinh dự được Chủ tịch nước thưởng Huân chương chiến công hạng Ba. (Ảnh: Thanh Lâm).

 

Được Chủ tịch nước Thưởng Huân chương

Từng tham gia làm nhiệm vụ Quốc tế tại chiến trường Campuchia và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vẻ vang, Thiếu úy Nguyễn Văn Triều vinh dự được Chủ tịch nước Lê Đức Anh thưởng Huân chương chiến công hạng Ba vào năm 1996.

 

Thanh Lâm