Hồ sơ điều tra

Nỗi khổ tâm của khách hàng khi đầu tư vào sàn vàng "ảo" IG

Nhiều bị hại đã tin tưởng vào sự quảng cáo, mời chào chắc như đinh đóng cột từ phía nhân viên công ty IG nên cắm cả sổ đỏ đề đầu tư kinh doanh vàng để rồi nhận lại...cái kết đắng.

Phiên xét xử vụ án sàn vàng ảo xảy ra tại công ty CP Kinh doanh trang sức vàng quốc tế IG (công ty IG) ngày càng nóng với phần tranh luận. Trong khi 10 trên tổng số 11 bị cáo thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố thì riêng Phạm Đức Tài (SN 1979) - nhân viên công ty IG, thực chất là người điều hành công ty IG, vẫn quanh co chối tội.

Các bị cáo tại phiên tòa

Trước sự thiếu thành khẩn, chưa tỏ ra ăn năn hối cải của Tài, hầu hết các bị hại đều bức xúc và đề nghị tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt thật nặng bị cáo Tài mới đủ sức răn đe, giáo dục.

Tuy vậy, mục đích của những người bị hại có mặt trong phiên tòa đều chung một nguyện vọng duy nhất là yêu cầu công ty IG phải hoàn trả cho họ số tiền đã nộp vào công ty đế kinh doanh vàng.

Trước đó, cơ quan điều tra đã làm rõ: Để lôi kéo nhiều khách hàng tham gia kinh doanh vàng trên tài khoản, công ty IG yêu cầu các nhân viên tư vấn thường xuyên gọi điện thoại cho khách hàng, giới thiệu, tư vấn về hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản; Quy định mức thưởng nhân viên được hưởng căn cứ vào khối lượng giao dịch của khách hàng mà mỗi nhân viên quản lý. Ngoài ra, công ty quy định trong thời gian từ 2 đến 3 tháng, nếu nhân viên kinh doanh không có khách hàng tham gia giao dịch thì sẽ bị công ty cho nghỉ việc.

Với mánh khóe trên, hàng trăm khách hàng sập bẫy của Phạm Đức Tài và đồng bọn. Căn cứ vào các tài liệu điều tra thu thập được, tổng số tiền thiệt hại của các khách hàng là gần 3 triệu đô la mỹ, tương đương với trên 65 tỷ đồng.

Với số lượng bị hại trong vụ án lên tới 500 người, sự việc xảy ra quá lâu nên nhiều người xác định “tiền mất tật mang”.

Con số bị hại theo vụ án đến tận bây giờ cũng rơi rớt đi khá nhiều. Trong 3 ngày TAND TP Hà Nội đưa vụ án ra xét xử, số người bị hại có mặt theo giấy triệu tập của tòa cũng chỉ còn khoảng 20 - 30 người.

Tâm lý chung của những người bị hại đều tỏ ra mệt mỏi, lo lắng. Có bị hại chia sẻ, bao nhiêu vốn liếng, vay mượn thêm của người thân, bạn bè họ đều dồn hết vào đầu tư kinh doanh vàng. “Lãi chưa thấy đâu, đến nay ngay cả số tiền gốc cũng khó lấy lại được. Cuộc sống của chúng tôi hiện tại rất chật vật. Vợ chồng bất hòa, gia đình lục đục cũng chỉ vì hiện không có tiền trả nợ”, một bị hại chia sẻ.

Nạn nhân trong vụ án của trùm sàn vàng ảo Phạm Đức Tài cũng đủ các thành phần. Từ những người trí thức về hưu, cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước đến những người nông dân.

Một bị hại (khoảng 42 tuổi), xin giấu tên, mếu máo tâm sự: "Tôi ở nhà có mấy sào ruộng, cộng với chăn nuôi thêm con lợn, con gà. Nghe người trong làng đồn nhau đầu tư tiền vào công ty vàng ở nước ngoài nhận lãi cao, cũng muốn kiếm thêm một khoản phòng trừ sau này lo cho con cái ăn học nên dồn hết tiền bán gia súc, vay mượn thêm người thân để gửi vào công ty kinh doanh vàng, nào ngờ giờ mất trắng".

Nhiều người đến phiên tòa này vẫn hy vọng “còn nước còn tát”. Họ đều có nguyện vọng duy nhất là mong muốn tòa cấp sơ thẩm sẽ đòi lại quyền lợi cho mình.