Đời sống

Nơi hầu như không có nguy cơ lây truyền SARS-CoV-2

Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy các bề mặt trong môi trường bệnh viện hầu như không có nguy cơ trở thành nguồn lan truyền virus SARS-CoV-2 một cách gián tiếp.

Theo một nghiên cứu tại Bệnh viện Đại học Duke, Mỹ, các phòng bệnh nơi F0 đang được điều trị có rất ít hoặc không có bất kỳ cơ hội nào cho sự lan truyền virus SARS-CoV-2.

Phát hiện được công bố trên tạp chí Clinical Infectious Diseases (Bệnh truyền nhiễm lâm sàng) kết luận các bề mặt trong môi trường bệnh viện không có khả năng là nguồn lây thứ cấp truyền nCoV sang cho người lành.

“Ở thời kỳ đầu của đại dịch, đã có những nghiên cứu cho rằng virus SARS-CoV-2 có thể lưu lại trên các bề mặt nhiều ngày sau khi người mang mầm bệnh tiếp xúc các bề mặt này. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là virus còn “sống” (có khả năng lây nhiễm). Chúng tôi nhận thấy hầu như không có virus “sống” trên các bề mặt mà chúng tôi đã kiểm tra", ông Deverick Anderson, Giáo sư Khoa Y thuộc trường đại học Duke cho biết.

Giáo sư Anderson và cộng sự tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã thử nghiệm nhiều loại bề mặt khác nhau trong phòng bệnh của 20 bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị ở Bệnh viện Đại học Duke. Thời gian kiểm tra tính từ ngày thứ 1, 3, 6, 10 và 14 sau khi F0 nhập viện.

Các mẫu được thu thập từ thành giường, bồn rửa mặt, khu vực chuẩn bị y tế, máy tính trong phòng bệnh, tay nắm cửa ra vào của phòng bệnh và máy tính của phòng điều dưỡng bên ngoài phòng bệnh.

Xét nghiệm rRT-PCR cho thấy 19 trong số 347 mẫu thu thập được cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, bao gồm 9 mẫu từ thành giường, 4 mẫu từ bồn rửa, 4 mẫu lấy từ máy tính trong phòng, 1 mẫu từ khu vực chuẩn bị y tế và 1 mẫu từ tay nắm cửa ra vào. Tất cả các mẫu lấy từ máy tính của phòng điều dưỡng đều âm tính với virus SARS-CoV-2.

Trong số 19 mẫu dương tính, hầu hết (16/19) có kết quả vào ngày đầu tiên hoặc thứ 3 sau khi F0 nhập viện. Nhóm nghiên cứu đã lấy 19 mẫu virus đem nuôi cấy tế bào. Chỉ một mẫu được lấy từ tay vịn cửa của một F0 có khả năng lây truyền virus. Mẫu được lấy vào ngày thứ 3 kể từ khi bệnh nhân nhập viện và người này có triệu chứng tiêu chảy, sốt.

“Ngay cả khi được dọn dẹp thường xuyên, chúng ta chắc chắn không có môi trường nào vô trùng tuyệt đối. Câu hỏi đặt ra là liệu lượng nhỏ các hạt virus được phát hiện trên bề mặt có khả năng lây truyền hay không. Kết quả cho thấy đây không phải phương thức lây truyền có nguy cơ cao”, ông Anderson nói.

Theo vị chuyên gia, phát hiện này củng cố thêm khuyến cáo về việc SARS-CoV-2 chủ yếu lây lan qua các giọt bắn hô hấp trong không khí khi người với người tiếp xúc trực tiếp. Do đó, theo ông, để đề phòng nguy cơ lây nhiễm, ngoài việc tiêm vắc-xin, mọi người nên duy trì các chiến lược thông thường như đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tiếp xúc với người đối diện.

Minh Hoa (t/h theo Zing, Vietnam+)