Tiêu điểm

Nội hàm của khái niệm phán quyết trọng tài theo Luật TTTM còn hẹp

Với tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành địa điểm, trung tâm trọng tài lớn trong khu vực, xa hơn nữa là vươn tới quốc tế, Luật TTTM rất cần phải sửa đổi.

Sáng 29/11, tại Tp. Hồ Chí Minh, Hội Luật gia Việt Nam, Tạp chí Đời sống và Pháp luật tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài thương mại (Luật TTTM).

Chia sẻ góp ý tại phiên thảo luận của hội thảo, TS Lê Nguyễn Gia Thiện - Phó Trưởng khoa Luật Trường Đại học Kinh tế – Luật (Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Nếu trong kinh tế có “bẫy" thu nhập trung bình thì trong nhận thức về pháp luật nói riêng cũng có “bẫy" nhận thức pháp luật trung bình. Tức là các quy định pháp luật sẽ được coi như đầy đủ, an toàn”.

TS Lê Nguyễn Gia Thiện - Phó Trưởng khoa Luật Trường Đại học Kinh tế – Luật (Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).

Theo ông Thiện, nếu để giải quyết một số vụ việc nhỏ thì Luật TTTM hiện nay của nước ta đã đủ an toàn và không cần phải sửa đổi thêm bởi vì quy trình tố tụng các trung tâm sẽ được sửa đổi thường xuyên. Nhưng với tầm nhìn chiến lược xa hơn, để đưa Việt Nam trở thành địa điểm trọng tài lớn trong khu vực, trước mắt là Đông Nam Á, sau đó là châu Á Thái Bình Dương và xa hơn nữa là thế giới thì Luật TTTM của nước ta rất cần phải sửa đổi.

Theo ông Thiện, quá trình soạn thảo Luật TTTM được diễn ra rất công phu và tốn nhiều công sức tuy nhiên nếu chúng ta dừng lại, chắc chắn sẽ bị rơi vào “bẫy” nhận thức pháp luật trung bình. Chính vì vậy, Luật TTTM cần phải tiếp tục phát triển và sửa đổi.

Chia sẻ cụ thể về những điểm bất cập hiện nay, ông Thiện cho biết, nội dung tranh chấp được quan niệm trên thế giới là càng mở rộng càng tốt như Đức hay Thuỵ Sĩ liên quan đến tranh chấp về bất động sản, sở hữu trí tuệ, tranh chấp giữa các thành viên trong công ty với nhau thì trọng tài đều có thể giải quyết trọn vẹn.

Tiếp theo đó, về nội hàm của khái niệm phán quyết trọng tài theo Luật TTTM Việt Nam còn hẹp, là phán quyết cuối cùng giải quyết toàn bộ sự việc chấm dứt tố tụng. Nhưng tuy nhiên, trên thực tế, trọng tài thương mại quốc tế có nhiều loại phán quyết, có nhiều loại phán quyết.

Ông Thiện ví dụ, có những loại phán quyết từng phần nhưng vẫn đầy đủ về mặt nội dung và có thể thi hành trên thế giới nhưng nếu để về Việt Nam thì sẽ không thi hành được. Bởi phán quyết muốn thi hành ở Việt Nam thì cần phải trọn vẹn chấm dứt tố tụng, điều này sẽ dẫn đến một số khó khăn.

Một điểm vướng mắc mà ông Gia Thiện nêu trong phần chia sẻ góp ý là phán quyết của trọng tài nước ngoài. Đây cũng là sự khó khăn của Việt Nam trong quá trình áp dụng Công ước New York. Vì như các nước Thuỵ Sĩ hay Úc thì chỉ cần phán quyết ngoài phạm vi lãnh thổ của quốc gia họ thì sẽ gọi là phán quyết của trọng tài nước ngoài. Từ đó các phán quyết sẽ được áp dụng dựa theo Công ước New York mà không bị huỷ phán quyết.

Tuy nhiên, các phán quyết đó nếu đưa về Việt Nam thì chưa chắc đã được thi hành  bởi phán quyết muốn được thi hành tại Việt Nam phải thực hiện từ đầu đến cuối tại Việt Nam.

Toàn cảnh hội thảo.

Ông Thiện chia sẻ, vấn đề phúc thẩm huỷ phán quyết trọng tài hiện nay đang có 2 trường phái trên thế giới. Thứ nhất tại các quốc gia như Áo và Thuỵ Sĩ, chỉ có toà án tối cao có thẩm quyền huỷ phán quyết trọng tài, và quyết định này chỉ được hủy duy nhất một lần. Đó là quy trình duy nhất và chỉ có toà án tối cao mới có thể huỷ phán quyết trọng tài. Nhưng đối với Đức thì có quyền phúc thẩm huỷ quyết định phán quyết trọng tài của toà án. 

Với 2 giải pháp hiện nay đang có trên thế giới, Việt Nam có thể chọn giữa phúc thẩm hoặc không phúc thẩm nhưng sẽ phải đảm bảo phù hợp với điều kiện đặc thù và thực tiễn của nước ta. 

Điều quan trọng cuối cùng ông Thiện nhấn mạnh đó là thỏa thuận không hủy phán quyết trọng tài. Đó là khi các bên tham gia tố tụng thoả thuận với nhau rằng kết quả có xảy ra như thế nào cũng đồng ý không huỷ phán quyết trọng tài.

Sự thoả thuận đó diễn ra trong khung cảnh pháp luật Việt Nam hiện nay liệu có thể có hiệu lực hay không cũng là câu chuyện mà vị Phó Trưởng khoa Luật Trường Đại học Kinh tế – Luật nhấn mạnh sự quan tâm.