Quan điểm

Nỗi đau của vấn nạn tự tử và sự thất bại của tất cả

Tự tử luôn luôn là một thất bại. Thất bại của bản thân người từ bỏ quyền sống của mình, thất bại của những người xung quanh và của cả xã hội.

Ngay những ngày đầu năm đã có nhiều thông tin buồn về những trường hợp tự tử. Sáng mùng 1 Tết, cô gái ở Tuyên Quang nhảy cầu tự tử sau khi viết những dòng đau buồn trên mạng xã hội. Hơn 1 tuần sau đó, một vụ việc đau lòng tương tự lại xảy ra ở Cà Mau.  

Sáng 23/2, người thân hoảng hốt khi phát hiện ông Kh., là bảo vệ TAND tỉnh Cà Mau, tử vong trong tư thế treo cổ tự tử tại nhà riêng. Ngày 23/2, thông tin từ UBND xã Hòa Thành (TP Cà Mau, Cà Mau) xác nhận ông T.Q.Kh (41 tuổi, ngụ ấp Hòa Trung, xã Hòa Thành, TP Cà Mau) được người thân phát hiện chết trong tư thế treo cổ tại nhà riêng vào sáng cùng ngày.

Ảnh minh họa 

Theo cơ quan chức năng, ông Kh. có để lại thư tuyệt mệnh nói rằng mình tự tử vì bệnh tật, không điều trị khỏi nên tìm đến cái chết. Người nhà nạn nhân cho biết thêm, ông Kh. mắc bệnh thoái hóa cột sống đã phẫu thuật, điều trị thời gian dài nhưng không khỏi, bản thân ông lo lắng về bệnh của mình nên bị trầm cảm.

Trước đó, ông Kh. đã có ý định tự vẫn tại bệnh viện nhưng người nhà phát hiện kịp thời. Cũng theo UBND xã Hòa Thành, trước kia, ông Kh. làm tài xế cho TAND tỉnh Cà Mau nhưng do ông mắc bệnh thoái hóa cột sống nên được bố trí sang làm bảo vệ.

Những cái chết này khiến cộng đồng bất ngờ, nhưng với những người đang trong cơn tuyệt vọng, đặc biệt những người bị trầm cảm vốn đang phải đối diện với căn bệnh trầm cảm, tự tử được nghĩ đến nhiều trong quá trình chịu đựng quá mức.

Áp lực cuộc sống đang khiến nhiều người bế tắc trong việc tìm ra giải pháp sáng suốt cho cuộc đời mình. Họ lãng phí cuộc sống khi mà tuổi đời còn rất trẻ. Và đây cũng chính là vấn nạn của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Nhật Bản.  

Báo Japan Times ngày 21/2 dẫn thống kê của cảnh sát Nhật Bản cho biết có 20.919 người tự kết liễu cuộc sống trong năm 2020, tăng 750 trường hợp so với năm trước và là lần tăng đầu tiên trong 11 năm qua. Trong số đó, tỉ lệ tự tử ở phụ nữ và thanh niên gia tăng đáng kể.

Để giải quyết vấn nạn này, chính quyền Thủ tướng Yoshihide Suga thời gian qua đã đẩy mạnh việc đối phó với sự cô đơn. Thủ tướng Suga tháng trước đã thêm vào nội các của mình vị trí Bộ trưởng cô đơn, học theo Anh là nước đầu tiên trên thế giới lập ra chức vụ này. Ông Tetsushi Sakamoto, người trước đó phụ trách đối phó với tình trạng suy giảm dân số và khôi phục kinh tế địa phương, được bổ nhiệm vào vị trí trên.

Khi bổ nhiệm ông Sakamoto, ông Suga yêu cầu ông đưa ra các chính sách "toàn diện" chống lại sự cô đơn. Theo ông Suga, không chỉ những phụ nữ cảm thấy cô đơn và dễ tự tử mà mọi người từ mọi tầng lớp xã hội, bao gồm cả những người lớn tuổi bị mắc kẹt ở nhà và sinh viên đại học không thể đến lớp trực tiếp, ngày càng cảm thấy bị cô lập trong thời gian dịch COVID-19.

Văn phòng nội các Nhật Bản cũng đã lập lực lượng đặc biệt để thông qua các bộ khác nhau, điều tra tác động của sự cô đơn và các vấn đề liên quan. Trước đó, nhiều chính trị gia cấp cao của Đảng Dân chủ tự do cầm quyền cũng đã thảo luận về việc người dân ngày càng cô đơn trong thời gian đại dịch và thành lập nhóm tìm hiểu vấn đề này.

Một trong những nhóm có nguy cơ tự tử cao ở Nhật Bản là đàn ông trung niên và người già. Theo một khảo sát năm 2015 của chính quyền Nhật, những người cảm thấy cô đơn nhất là người già trên 60 tuổi với 16,1% nói rằng họ không biết tìm đến ai khi cần giúp đỡ.

Trong khi đó, gần 17% nam giới ở nước này "rất hiếm hoặc chưa từng dành thời gian với bạn bè, đồng nghiệp hoặc các nhóm xã hội khác". Điều này phần nào được lý giải bởi văn hóa làm việc của Nhật Bản với thời gian làm việc kéo dài.

Những người sống độc thân, dự kiến chiếm 40% hộ dân ở Nhật Bản vào năm 2040, cũng đối mặt với nguy cơ từ sự cô đơn bởi phần lớn họ hầu như không tiếp xúc với hàng xóm.

Tự tử luôn luôn là một thất bại. Thất bại của bản thân người từ bỏ quyền sống của mình. Thất bại của những người xung quanh vì đã không biết nhìn thấy, không biết lắng nghe. Và thất bại của xã hội vì đã không tạo ra được những phương tiện cần thiết để giúp đỡ, để cứu vớt những người gặp bế tắc trong cuộc sống.