Hồ sơ doanh nghiệp

Nỗi buồn doanh nghiệp bia rượu

Các doanh nghiệp ngành bia rượu đã trải qua một năm lao đao khi bị kẹp giữa hai gọng kìm sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 và Nghị định 100.

Sau 2 năm chính thức áp dụng Nghị định 100, theo phân tích của SSI Research, người tiêu dùng đã có xu hướng điều chỉnh thói quen uống rượu bia của mình, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Người dân đã dần quen với việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng (taxi, dịch vụ gọi xe) sau khi sử dụng rượu, bia vì sự an toàn của chính họ.

Nghị định 100 gây sức ép đáng kể đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bia rượu.

Bên cạnh đó, để vượt qua khó khăn, nhiều doanh nghiệp ngành bia đã đưa ra những giải pháp, chiến dịch riêng để vượt khó: Phát triển các kênh thương mại điện tử; cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm; ra mắt thị trường sản phẩm mới...

Sau khi dần thích ứng với sức ép đến từ Nghị định 100, các doanh nghiệp ngành bia lại nhận "cú đấm" liên tiếp khi làn sóng dịch Covid-19 lần 3, lần 4 bùng phát và các quy định giãn cách xã hội diễn ra trên nhiều tỉnh thành và kéo dài trong nhiều tháng đã giáng "đòn chí tử" vào thị trường bia rượu, nước giải khát Việt Nam.

Sản lượng sản xuất ngành bia, theo số liệu của Cục Công nghiệp năm 2021 đạt khoảng 4.050 triệu lít, giảm 7,7% so với năm 2020. Trong bối cảnh Việt Nam ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do, các hãng bia, rượu, nước giải khát nước ngoài có cơ hội gia nhập vào thị trường Việt Nam tạo áp lực cạnh tranh gay gắt lên các doanh nghiệp trong ngành

Nhìn thẳng vào thực tế, rất nhiều doanh nghiệp ngành bia rượu đã công bố Báo cáo tài chính đi xuống đáng kể. Điển hình phải kể đến CTCP Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico, mã chứng khoán: HNR) đã công bố Báo cáo tài chính quý IV/2021 với khoản lỗ ròng quý thứ 15 liên tiếp. 

Đồng cảnh ngộ, Công ty Cổ phần Bia Hà Nội - Kim Bài (MCK: BHK) đã công bố báo cáo tài chính năm 2021 với doanh thu giảm tới 88% xuống vỏn vẹn còn gần 688 triệu đồng, doanh thu thuần cũng ghi nhận giảm 27,5% so với năm trước xuống còn 100 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt đông kinh doanh của BHK ghi nhận âm hơn 514 tỷ đồng, nhờ có khoản thu nhập khác tăng lên 1,3 tỷ đồng đã cứu lỗ cho doanh nghiệp bia này.

Tương tự như các doanh nghiệp trong ngành, Công ty Cổ phần Bia Hà Nội - Hải Dương (MCK: HAD) mới đây cũng công bố doanh thu thuần luỹ kế năm 2021 xuống còn 127 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm tới 62% xuống còn 3,1 tỷ đồng. Lợi nhuận “bốc hơi” hơn 5 tỷ đồng đến từ việc doanh thu lao dốc 16,4% do tác động của dịch Covid-19 tại Hải Dương và một số địa phương khác phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội theo Chỉ thị 15, 16, 19 đã ảnh hưởng trực tiếp tới tiêu thụ, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này.

CTCP Bia Sài Gòn – Miền Trung (MCK: SMB) cũng không tránh khỏi tình cảnh lao đao khi ghi nhận sản lượng tiêu thụ bia giảm 15 triệu lít trong quý III, may mắn là doanh nghiệp đã kịp tăng tốc trong quý IV khi việc giãn cách xã hội tại TP.HCM và các tỉnh miền TRung được nới lỏng để ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.191 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là gần 159 tỷ đồng, gần như đi ngang với cùng kỳ năm trước.

Một số hãng bia rượu ngoại cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng. Ví dụ như gã khổng lồ trong ngành sản xuất bia tới từ Hà Lan – Heineken đã báo cáo doanh số bán bia giảm sâu hơn ước tính. Một trong những lý do chính dẫn đến việc này được phía doanh nghiệp cho rằng tới từ những quy định hạn chế do đại dịch COVID-19 gây ra tại Việt Nam, một trong ba thị trường hàng đầu của hãng bia khổng lồ này.

Theo công bố, doanh số bán bia của nhà sản xuất bia lớn thứ hai thế giới trong quý III giảm hơn 5,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh số bán bia tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm 37,4% do các quy định hạn chế của lệnh giãn cách xã hội sau khi xuất hiện làn sóng bùng dịch Covid-19 quay trở lại.

Theo Nghị định 100, người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô khi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở thì bị phạt từ 06 – 08 triệu đồng; Vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/1 lít khí thở thì bị phạt từ 16 – 18 triệu đồng.

Đặc biệt, quy định mức phạt cao nhất lên đến 40 triệu đồng đối với người lái xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở. Đồng thời, ngoài việc bị phạt tiền, người lái xe còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 – 24 tháng.

Bên cạnh đó, Nghị định còn có quy định trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở thì người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy bị phạt từ 06 – 08 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 – 24 tháng; còn người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), xe thô sơ bị phạt từ 400.000 – 600.000 đồng.

Nghị định 100 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.