Tài chính - Ngân hàng

Nới biên độ tỉ giá USD/VND lên 5% và tính toán của NHNN

Theo chuyên gia Võ Trí Thành, việc tăng biên độ tỉ giá có tác động lên nhiều khía cạnh nhưng đã nằm trong tính toán của NHNN trước khi điều chỉnh.

Tỉ giá USD/VND ngân hàng tăng mạnh

Hôm 17/10, lần đầu tiên sau 7 năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh biên độ tỉ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam và USD từ 3% lên 5%. Như vậy, tỉ giá tại các ngân hàng sẽ có thêm dư địa 2% để điều chỉnh tăng hoặc giảm so với mức trước.

Động thái này của cơ quan quản lý tiền tệ nhằm thích ứng trước diễn biến khó lường của thị trường quốc tế và định hướng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương trên thế giới.

Thực tế, tính từ tháng 5 đến cuối tháng 9, NHNN đã có đến 4 lần tăng giá bán USD ra, bên cạnh việc sử dụng dự trữ ngoại hối để tăng nguồn cung ngoại tệ cho thị trường như là giải pháp can thiệp và bình ổn tỷ giá, với nguồn lực đã sử dụng ước tính lên tới hơn 21 tỷ USD. Gần đây nhất nhà điều hành còn quyết định nâng lãi suất điều hành. 

Sau động thái nêu trên, giá mua - bán USD tại hầu hết các ngân hàng lại tiếp tục tăng vọt. Cụ thể, trong phiên sáng 18/10, nhà điều hành tiếp tục nâng tỉ giá trung tâm thêm 51 đồng lên mức 23.637 đồng/USD.

Tại các ngân hàng thương mại như Vietcombank niêm yết tỉ giá quy đổi USD ở mức 24.200 - 24.480 đồng/USD (mua vào - bán ra), cao hơn 40 đồng so với cuối ngày 17/10 và tăng 250 đồng so với cuối tuần trước.

BIDV đưa ra giá mua đồng bạc xanh ở mức 24.205 đồng/USD và giá bán là 24.485 đồng/USD. So với cuối tuần trước, mức tăng tại nhà băng này cũng là 255 đồng.

Biện pháp cân bằng cung - cầu thị trường

Trao đổi với Người Đưa Tin, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, có 2 nguyên nhân khiến NHNN có động thái thay đổi này sau khi duy trì gần 10 năm.

Thứ nhất, đồng USD đã tăng giá rất mạnh thời gian qua do Fed liên tục tăng lãi suất với cường độ cao. Hầu hết các đồng tiền trên thế giới đã mất giá mạnh so với USD, đơn cử như đồng baht Thái (-11,95%), đồng yên Nhật (-25,18%), đồng won Hàn Quốc (-17,57%), đồng nhân dân tệ (-10,9%), đồng euro (-13,49%)...

“Việc Việt Nam phải điều chỉnh giá trị đồng tiền là khó tránh. Bên cạnh giải pháp tăng lãi suất điều hành như NHNN làm, việc phối hợp các chính sách khác, trong đó có chính sách điều chỉnh tỉ giá hối đoán để hạn chế bán ngoại tệ ra thị trường nhằm cân bằng cung cầu là cần thiết”, ông nói.

Bên cạnh đó, sức ép của việc cán cân vãng lai thâm hụt cũng là nguyên nhân khiến NHNN phải nới biên độ tỉ giá cho phù hợp với tình hình kinh tế. Mặc dù cán cân thương mại nước ta vẫn thặng dư tương đối, nhưng cán cân dịch vụ thâm hụt lớn trong khi cán cân tài chính cũng đang trong trạng thái yếu. Với các sức ép về tỉ giá lớn như vậy, nhà điều hành buộc phải áp dụng điều chỉnh tỉ giá trung tâm và biên độ tỉ giá hối đoái.

Sức ép của cán cân vãng lai thâm hụt là nguyên nhân khiến NHNN phải nới biên độ tỉ giá cho phù hợp với tình hình kinh tế.

Theo báo cáo vừa công bố, Công ty Chứng khoán SSI cũng cho biết trước khi NHNN nới biên độ dao động tỉ giá USD/VND từ 3% lên 5%, chỉ số này đã chịu nhiều áp lực khi cơ quan quản lý thực hiện các biện pháp bơm thanh khoản tiền Đồng.

Tuần trước, tỉ giá trung tâm đã được NHNN điều chỉnh tăng mạnh ở tất cả phiên giao dịch, trong khi tỉ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại gần như đã ở mức kịch trần 3% so với tỉ giá trung tâm.

“Tỉ giá liên ngân hàng tăng vượt mốc 24.000 đồng/USD, cao hơn nhiều so với giá bán tại Sở giao dịch NHNN và NHNN đã phải tiếp tục can thiệp thông qua việc bán ngoại tệ từ Dữ trự ngoại hối, tuy nhiên ở mức tương đối hạn chế”, SSI nhận định.

Một câu hỏi khác được đặt ra là sau khi tỉ giá tăng lên thì tiền đồng có mất giá? Theo ông Lê Xuân Nghĩa, việc này sẽ xảy ra.

"Mức mất giá tiền đồng cần phải xem xét từ đầu năm và cần đặt trong tương quan với các đồng tiền trong khu vực. Và có thể thấy, đồng Việt Nam đang mất giá ít hơn so với các đồng tiền khác. Vậy nên, với tỉ lệ như vậy trong bối cảnh bình thường chúng ta có thể nhận định VND đang nhanh phá giá. Nhưng thực chất, trong bối cảnh này, Việt Nam và cả thế giới không có cách nào khác là phải điều chỉnh biên độ tỉ giá", ông Nghĩa nói.

Còn theo TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, việc tăng biên độ tỉ giá có tác động lên nhiều khía cạnh, khi áp lực lên lạm phát, lãi suất và doanh nghiệp xuất nhập khẩu và việc thanh toán các khoản nợ, đặc biệt là nợ nước ngoài.

Nhưng mức dao động hay điểm cân bằng mới này đã nằm trong tính toán của NHNN trước khi điều chỉnh. Theo đó, cơ quan quản lý tiền tệ sẽ vừa đảm bảo tăng năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam, vừa không gây tác động tiêu cực lớn lên lạm phát, nhập khẩu.